Thời gian qua, có phản ánh của một số người dân về việc chậm trễ trong cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận), đặc biệt là đối với giao dịch là chia, tách thửa tại một số địa phương sôi động về đất đai.
Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với ông Chu Thanh Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xung quanh các vấn đề trên…
PV: Thời gian qua, Báo An ninh Hải Phòng có tiếp nhận phản ánh của một số người dân về việc chậm trễ trong công tác cấp giấy chứng nhận. Đề nghị ông có ý kiến về vấn đề này?
Ông Chu Thanh Lương: Theo quy định Khoản 3 Điều 105 Luật đất đai 2013 và Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ:
“1. Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định này thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, trong các trường hợp sau:
a) Khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng”.
Tại thành phố Hải Phòng, việc triển khai quy định nêu trên được thực hiện từ ngày 15-3-2020, kết quả đến nay: Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND các quận, huyện đã tiếp nhận, chuyển Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện thụ lý 14.234 hồ sơ; trong đó đã chuyển Văn phòng Đăng ký đất đai trình Sở Tài nguyên và Môi trường ký trả kết quả 13.210 hồ sơ, đang giải quyết 334 hồ sơ. Bên cạnh đó, có 690 hồ sơ phải trả về các chi nhánh tại các quận, huyện để bổ sung và 73 hồ sơ hình thành ngõ đi mới phải tham vấn ý kiến, làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ trên, thưa ông?
Ông Chu Thanh Lương: Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo rà soát, thống kê, phân loại, làm rõ nguyên nhân gây chậm trễ trong giải quyết hồ sơ. Trong đó nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do lỗi của cán bộ thụ lý tại Chi nhánh trong đối soát hồ sơ khi tiếp nhận, thụ lý còn để xảy ra việc không trùng khớp, thiếu đồng bộ giữa các giấy tờ có liên quan của người sử dụng đất, đơn cử như: không trùng khớp về số chứng minh nhân dân và số thẻ căn cước công dân, chưa chuẩn xác về địa chỉ, thiếu tên đệm… phải trả về để bổ sung, chỉnh sửa.
Bên cạnh đó, toàn thành phố hiện mới có 100/217 xã, phường có bản đồ địa chính, trong đó dạng số là 70/100 xã, phường, do vậy chưa thể thực hiện số hóa liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; nhiều địa phương vẫn phải thực hiện thủ công, luân chuyển hồ sơ bằng đường bộ, đối với những huyện xa như Cái Hải, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng phải mất ½ thời gian ngày làm việc. Chưa kể đến sự phối hợp giữa cơ quan Sở, ngành với các địa phương theo Quy chế 03/2020/QĐ-UBND còn chưa thật chặt chẽ, trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ chưa cao.
Nguyên nhân khách quan do nhiều hồ sơ vướng mắc về quy hoạch, tài sản trên đất, phải lấy ý kiến tham vấn của ngành Xây dựng, UBND quận, huyện. Một thực tế là, đã có khoảng thời gian dài, công tác quản lý đất đai tại các địa phương còn buông lỏng, do vậy không ít Giấy chứng nhận cấp lần đầu của một số quận, huyện còn bộc lộ thiếu sót, dẫn đến phát sinh phức tạp khi các cá nhân, hộ gia đình thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế, thế chấp… Bên cạnh đó, cũng có trường hợp hộ dân chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến thời gian cấp giấy.
PV: Vậy còn về việc cấp giấy chứng nhận trong trường hợp chia, tách thửa đất đối với hộ gia đình, cá nhân, có hiện tượng “đóng băng” không, thưa ông?
Ông Chu Thanh Lương: Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định việc cấp giấy chứng nhận trong trường hợp chia, tách thửa đất trên địa bàn thành phố đang diễn ra bình thường, trừ những trường hợp thuộc Khoản 2 Điều 49 Luật Đất đai. Tức là trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp quận, huyện thì bị hạn chế các quyền của người sử dụng đất trong đó có việc chia, tách thửa đất.
Trong quá trình rà soát, đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến công tác cấp Giấy chứng nhận, Sở Tài nguyên Môi trường đã có văn bản báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận tại Văn bản số 6810/UBND-ĐC ngày 30-10-2020 đối với việc sửa đổi Quyết định số 1394/2015/QĐ-UBND ngày 25-6-2015 của UBND TP theo hướng điều chỉnh nâng hạn mức tối thiểu khi chia, tách thửa đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân; các trường hợp đủ điều kiện chia tách; các trường hợp không được chia tách; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp huyện, các sở ngành chức năng trong quản lý quy hoạch, quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khi chia tách thửa đất theo quy định pháp luật.
PV: Trước những phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên Môi trường có những giải pháp gì để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, thưa ông?
Ông Chu Thanh Lương: Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Quán triệt, nâng cao trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, thái độ ứng xử của viên chức, người lao động tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện theo hướng chuyên nghiệp, văn minh và hiện đại; làm cơ sở để nhân dân, các cơ quan, tổ chức có liên quan giám sát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ.
Chỉ đạo công khai minh bạch các thủ tục hành chính, quy trình cấp Giấy chứng nhận để người dân nắm rõ, cùng thực hiện; Cập nhật, chỉnh lý kịp thời, chính xác, đầy đủ biến động thông tin thửa đất trên bản đồ địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê, sổ theo dõi biến động, sổ cấp giấy chứng nhận và giấy chứng nhận; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường kết nối liên thông với cơ quan thuế để giúp người dân thuận tiện trong làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận.
Thường xuyên tổ chức họp giao ban, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ; kịp thời thông tin, cập nhật các quy định pháp luật cho viên chức, người lao động để kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các bức xúc, khiếu nại, kiến nghị vướng mắc của người dân.
PV: Cảm ơn ông!
Kim Oanh (thực hiện)