Mô hình học sinh (HS) theo học chương trình đào tạo 9+ đang được nhiều trường trung cấp, cao đẳng nhân rộng trong mùa tuyển sinh năm nay. Sau khi tốt nghiệp, học sinh có thể gia nhập thị trường lao động sớm và có nhiều cơ hội học lên cao đẳng (CĐ), đại học.
Phân luồng, giảm tải áp lực “thừa thầy thiếu thợ”
Chia sẻ về chương trình 9+, ông Đỗ Văn Giang, Vụ phó Vụ đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)), cho biết: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 triệu HS tốt nghiệp THCS, các em được định hướng vào 4 luồng chính gồm: Học tiếp lên THPT; học lên trung cấp; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống. Phần lớn ở các tỉnh, thành đều có HS học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80%… Việc chọn luồng GDNN chỉ là giải pháp của rất ít học sinh. Điều này một phần do thiếu thông tin, một phần do nhiều gia đình muốn con học lên cao đẳng, đại học mà chưa tính tới năng lực thực sự của các con.
Chính vì vậy, năm 2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã hướng dẫn các trường đào tạo chương trình cao đẳng (CĐ) cho học sinh tốt nghiệp THCS theo hướng liên thông từ trung cấp, CĐ (gọi tắt là chương trình 9+).
“Đào tạo 9+ là cách thức tiết kiệm thời gian nhất để có một công việc phù hợp. Đây là mô hình đào tạo song hành học nghề và văn hóa sau khi HS tốt nghiệp THCS và có thể học liên thông lên CĐ, rút ngắn thời gian đào tạo. Sau 3 năm học chương trình CĐ, các em đã có thể gia nhập thị trường lao động, có lương để trang trải cuộc sống, tiết kiệm một nửa thời gian so với học lên THPT để học lên các trình độ cao hơn. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để phân luồng học sinh từ khối THCS” – ông Giang nhấn mạnh.
Thực hiện Luật GDNN và hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, một số trường đã tập trung triển khai thành công mô hình 9+ như trường CĐ Công nghệ và Thương mại Vĩnh Phúc, trường CĐ nghề Vĩnh Phúc, trường CĐ Công nghiệp Huế, trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng…. Tỷ lệ HS có việc làm đang theo học mô hình này đạt trên 90%. Do đó, hiện mô hình 9+ đang được các trường thuộc khối GDNN mở rộng tuyển sinh trong năm nay.
Tại buổi tư vấn tuyển sinh của trường Trung cấp công nghệ Thăng Long, em Lương Ngọc Hà đi theo mẹ đến tìm hiểu về mô hình hoạt động của trường cho biết: Gia đình em không được khá giả, sức học của em lại chỉ nổi trội ở một số môn tự nhiên nên em định theo học công nghệ thông thông tin. Em nhận thấy nếu không đỗ được đại học top trên thì có lẽ học nghề sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình hiện nay.
Chia sẻ về mô hình 9+ chuyên ngữ, PGS.TS Lê Đình Trung- Chủ tịch hội đồng Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long cho biết: Nếu như các trường học truyền thống chỉ chú trọng dạy nghề, dạy các môn học văn hóa cơ bản thì trường Thăng Long đã có hướng đi hoàn toàn khác biệt khi thiết kế chương trình học theo mô hình 9+ của Nhật Bản và Đức. Theo đó học sinh sẽ được đào tạo bài bản ít nhất hai ngoại ngữ. Trong đó Tiếng Anh là bắt buộc. Ngoài ra, học sinh sẽ được chọn ngoại ngữ thứ hai để học chuyên sâu (Tiếng Đức, Tiếng Nhật Bản, Tiếng Hàn Quốc, Tiếng Trung Quốc). Cùng với đó, học sinh sẽ được đào tạo về giáo dục kỹ năng – phẩm chất; đồng thời học 7 môn văn hóa để có thể thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Năm nay trường tuyển sinh 200 em, cuối tháng 5 đã có hơn 50 hồ sơ đăng ký nhập học.
Còn ông Trương Tường Lân, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề du lịch Hà Nội cho biết: Năm 2019, trường tuyển dụng theo mô hình 9+ được 50 học sinh, năm nay dự tính sẽ tuyển 100 học sinh. Đa phần học sinh được tuyển ở khu vực xung quanh Hà Nội, do nhiều gia đình đã thay đổi quan niệm theo hướng tích cực về việc làm.
Trong khi đó, cô Mai Thị Huệ, Hiệu phó Trường cao đẳng du lịch Hải Phòng (An Dương, Hải Phòng) cho biết: Năm nay trường có chỉ tiêu tuyển 300 hệ trung cấp, trong đó mô hình 9+ lần đầu tiên triển khai với 100 chỉ tiêu. Hiện nhà trường đang liên hệ với các trường THCS trên địa bàn huyện để tư vấn tuyển sinh. Học sinh theo học nghề vừa được miễn học phí học nghề theo quy định của Nhà nước, đồng thời từ năm 2021 còn được Hải Phòng miễn học phí học môn văn hóa. Đây là những thông tin hữu ích với những em có hoàn cảnh khó khăn và muốn tham gia thị trường lao động sớm.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhận định, nhu cầu đăng ký tuyển sinh sẽ tăng vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 khi khối phổ thông kết thúc chương trình học. Với những em và gia đình có định hướng cho các em gắn học với việc làm sẽ đăng ký học theo mô hình 9+.
Đẩy mạnh truyền thông, tuyển sinh gắn với thị trường lao động
Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, đến cuối năm 2019 cả nước có hơn một triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó, 124.500 người có trình độ từ đại học trở lên. Đó là chưa kể nhiều người làm trái ngành trái nghề. Trong khi đó, có một nghịch lý là thị trường nguồn nhân lực Việt Nam nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), du lịch dịch vụ… luôn khan hiếm và khát nguồn nhân lực trầm trọng.
Theo ông Trần Ngọc Lương- Giám đốc công ty TNHH U-Shine Việt Nam, trong những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng vào ĐH, CĐ giảm, trong khi đó phân khúc GDNN lại có xu hướng tăng lên. Việc nhiều em học sinh lựa chọn học hệ Trung cấp, CĐ theo mô hình 9+ sau khi tốt nghiệp THCS để có được một việc làm với mức thu nhập ổn định, phù hợp với năng lực bản thân là một sự thay đổi lớn trong tư tưởng. Đứng trên góc độ tuyển dụng, để có nguồn lao động đáp ứng ngay công việc thì các doanh nghiệp thường ưu tiên tuyển các em có năng lực nghề nghiệp (bao gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ) hơn là các em chỉ có kiến thức chung chung từ các trường ĐH.
“Đơn cử, trước kia tôi tuyển lao động cho khối khách sạn 4-5 sao Hà Nội ở các vị trí làm buồng, chạy bàn, làm bếp thì học sinh trường nghề chỉ cần hướng dẫn 1 buổi là biết theo tác làm việc. Thậm chí, hiện một số trường còn liên kết với doanh nghiệp nên gần như không phải đào tạo lại”, ông Lương chia sẻ.
Để mở rộng tuyển sinh nhóm đối tượng mô hình 9+, theo các chuyên gia lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực tuyên truyền qua nhiều hình thức. Bên cạnh truyền thông trên mạng xã hội, các trường hợp tác với các địa phương, các trường THCS để định hướng tuyển sinh, cung cấp những thông tin như được miễn học phí khi học nghề, quá trình liên kết đào tạo tại doanh nghiệp…
Để chương trình này triển khai hiệu quả, Nhà nước cần có những chính sách thuế, chính sách tài chính hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo và cho học sinh như cho các cơ sở đào tạo, học sinh vay tiền lãi suất bằng “0”, nhất là với nhiều em có hoàn cảnh khó khăn.
Bài và ảnh: Xuân Minh/Báo Tin tức