Các trường ngoài công lập tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2018-2019: Băn khoăn mức thu học phí và chất lượng đào tạo

Theo thông báo chính thức
của Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT), năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT được UBND
thành phố giao chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hệ THPT công lập là17.008 học
sinh, các trường THPT ngoài công lập là 5.669 học sinh. Đến nay phần đông số học
sinh không trúng tuyển vào công lập vẫn không mặn mà nhập học tại các trường
ngoài công lập.

 

Chưa chốt số
lượng tuyển

 

Đến nay, Trường THPT Marie Curie mới tiếp nhận được gần 100 học
sinh, trong khi tổng chỉ tiêu của trường là 8 lớp, với 360 học sinh. Hiệu
trưởng Trường THPT Marie Curie Hoàng Xuân Khóa cho biết: “Năm học 2017-2018,
trường không tuyển đủ chỉ tiêu, năm học này nhiều khả năng trong tình trạng
tương tự, lác đác mới có học sinh đến làm thủ tục nhập học. Hiệu trưởng Trường
THPT An Hải (huyện An Dương) Nguyễn Thị Hồng Dịu bày tỏ: “Năm học 2018-2019,
trường được giao chỉ tiêu tuyển 10 lớp, với 450 học sinh. Công tác tuyển sinh
của trường rất bài bản, thậm chí đến tận các trường THCS trên địa bàn tư vấn,
tuyển sinh, nhưng đến thời điểm này mới được khoảng 50% học sinh đăng ký”.

 


Học sinh Trường THPT Thăng Long. Ảnh: Diệu Hương

 

Tình trạng này diễn ra tương tự tại các trường ngoài công lập
toàn thành phố. Thực tế, các trường chỉ tuyển ổn định khi Sở GD-ĐT “đóng sổ”
tuyển sinh công lập, nghĩa là sau khi hạ chuẩn và các trường công lập tuyển đủ
chỉ tiêu. Đây cũng là tình trạng chung của các TTGDTX, mặc dù tại TTGDTX Vĩnh
Bảo, Tiên Lãng (hai huyện không có trường ngoài công lập), nhưng cũng chỉ có
vài chục học sinh đăng ký nhập học. Chị Đỗ Thị Hiền, ở phố Lê Lai, phường Lạc
Viên (quận Ngô Quyền) có con thi vào Trường THPT Hải An cho biết: “Con tôi vào
lớp 10 thiếu 0,5 điểm mới đủ điểm đỗ, vì vậy gia đình nộp đơn xin phúc khảo bài
thi. Dù rất buồn nhưng vẫn chờ đợi khi trường hạ điểm chuẩn cháu có đủ điểm vào
trường công hay không, sau đó mới nộp hồ sơ đăng ký vào trường ngoài công lập.
Tôi làm công nhân, nếu cháu học trường ngoài công lập gia đình cũng gặp nhiều
khó khăn về các khoản kinh phí phải đóng góp, nhất là mức học phí”.

 

Nỗi lo kinh phí đè nặng lên vai nhiều phụ huynh nếu cho con học
trường ngoài công lập. Được biết, năm học 2018-2019, mức học phí cụ thể của một
số trường THPT ngoài công lập, như sau: Trường THPT Thăng Long hơn 2 triệu
đồng/tháng/học sinh, với tổng số 37 tuần học, như vậy mỗi học sinh sẽ phải đóng
khoảng 20 triệu đồng/năm; Trường THPT Marie Curie mức học phí là 1,2 triệu
đồng/tháng/học sinh; Trường Tiểu học-THCS-THPT Hàng hải 1, đường Phương Khê,
phường Đồng Hòa (quận Kiến An) có mức học phí là 750 nghìn/tháng/học sinh… 

 

Chất lượng đã
nâng lên

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Xuân Trường khẳng định, thành phố và ngành
GD-ĐT luôn tạo điều kiện cho tất cả học sinh được học tập. Tuy nhiên, do lực
học, trình độ nhận thức, điều kiện kinh tế gia đình của mỗi học sinh không
giống nhau, nên ngành GD-ĐT tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng cho học
sinh lớp 9, trước khi các em hoàn thành chương trình THCS. Đối với các em học
lực yếu hoặc trung bình, có thể đăng ký học tập tại các trung tâm giáo dục
thường xuyên và dạy nghề, không nhất thiết phải đăng ký dự thi vào các trường
THPT để giảm áp lực. Trường hợp không thi đỗ vào các trường THPT công lập,
thành phố còn 20 trường THPT ngoài công lập để học sinh hoàn thành bậc THPT và
học tiếp đại học, cao đẳng. Trong số các trường THPT ngoài công lập, nhiều
trường có chất lượng giáo dục tốt, khá toàn diện như: THPT Thăng Long, THPT
Marie Curie, THPT Nam Triệu, THPT An Hải, THPT Anhxtanh…

 

Do các trường ngoài công lập phải tự chủ, tự thu và chi, không
được ngân sách cấp, hoặc được với con số rất eo hẹp, vì vậy kinh phí phải thu
từ người học nên, mức học phí thu cao. Tuy nhiên, chất lượng dạy – học và chất
lượng một số trường không thua kém các trường công lập, đơn cử như Trường THPT
Thăng Long, phố Lạch Tray (quận Ngô Quyền), hằng năm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và tỷ
lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đạt 100% – Hiệu trưởng
Nguyễn Thị Mai bộc bạch.

 

Để tạo điều kiện các trường THPT ngoài công lập tuyển sinh, Sở
GD-ĐT giao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường. Theo đó, Sở GD-ĐT quy
định, các trường THPT ngoài công lập có thể thực hiện 2 hình thức tuyển sinh.
Thứ nhất, xét điểm thi 3 môn Toán, Ngữ văn và tổ hợp của học sinh tại kỳ thi
tuyển sinh vào các trường công lập, trong đó, học sinh không có bài thi nào bị
điểm 0. Thứ hai, xét kết quả học lực và hạnh kiểm 4 năm bậc THCS của học sinh
quy ra điểm. Việc thay đổi hình thức tuyển sinh giúp các trường ngoài công lập
chủ động trong tuyển sinh, thay vì các trường công lập tuyển sinh xong mới đến
lượt mình. Tuy nhiên, bản thân các trường nên tự làm mới mình, chú trọng nâng
cao chất lượng dạy và học, qua đó từng bước làm thay đổi nhận thức người dân về
chất lượng trường ngoài công lập, cũng như nâng cao chất lượng “đầu vào”.

 

Báo Hải Phòng 11/7/2018

 

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More