Công nghệ

Các trạm BTS có ảnh hưởng tới sức khoẻ con người hay không?

Sóng điện thoại di động là sóng điện từ trường, các trạm phát sóng điện thoại di động thường xen lẫn các khu dân cư, vì vậy việc nghiên cứu về ảnh hưởng của sóng điện thoại di động tới sức khoẻ con người ngay từ khi xuất hiện điện thoại di động đã là vấn đề quan tâm không chỉ riêng Việt Nam, mà của hầu hết các nước và nhiều tổ chức quốc tế.

Trên thế giới, tính đến nay có khoảng trên 5 tỷ người dùng điện thoại di động và các mạng di động này đều sử dụng cấu trúc tế bào (cấu trúc tổ ong) có nghĩa là với một khoảng cách nhất định cần có một trạm thu phát sóng (BTS) để phục vụ các máy di động trong khu vực. Đối với quốc tế, các tổ chức quốc tế có liên quan đã tổ chức nghiên cứu và có các văn bản khuyến nghị về vấn đề này, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Uỷ ban quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Các nghiên cứu này đều kết luận: “Qua xem xét mức độ phơi nhiễm rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập tới nay, chưa có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy tín hiệu tần số vô tuyến điện yếu từ các trạm thu phát vô tuyến và các mạng vô tuyến gây ra những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe”. Kết quả nghiên cứu cũng xác định mức độ an toàn (gọi là mức phơi nhiễm trường điện từ an toàn) đối với khu vực sinh sống của người dân.

Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-2005 “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio – Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong giải tần 3 kHz đến 300 GHz”. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 8:2010/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng”,  Ở Việt Nam hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-2020 và các phiên bản tiếp theo được quy hoạch hoạt động ở băng tần 24,25 – 27,5 GHz (hay còn gọi là băng 26 GHz).

Trong quá trình xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-2005,  Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho các đơn vị chức năng về phương diện kỹ thuật và công nghệ là: Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường Chất lượng, các đơn vị nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Bưu chính viễn thông là 3 cơ quan đứng đầu về mặt phát triển công nghệ, các cơ sở nghiên cứu mạnh, nghiên cứu về các kỹ thuật, các thông số của các trạm thu phát sóng và các máy điện thoại di động. Bộ Khoa học và công nghệ cũng giao cho các Viện nghiên cứu khác liên quan đến sức khỏe con người như Viện Y học Lao động vệ sinh môi trường của Bộ Y tế, Khoa Y học vệ sinh môi trường của Học viện quân y, Viện Nghiên cứu kỹ thuật và Bảo hộ lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu những ảnh hưởng tới sức khỏe con người, cũng như tới môi trường, động thực vật, sinh sống và tồn tại. Cho đến nay các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nhưng kết quả ban đầu rất quan trọng cho thấy: Với dải tần số của sóng vô tuyến với công suất của các thiết bị của các trạm thu, phát và các thông số kỹ thuật của các máy điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay, chưa có bằng chứng khoa học cụ thể để có thể khẳng định rằng sóng do các trạm thu, phát kể cả các máy điện thoại di dộng từng cá nhân sử dụng, gây ảnh hưởng xấu, có hại đến sức khỏe con người.

Để đảm bảo tính khoa học và độ tin cậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham khảo các tài liệu cũng như là toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn của một số tổ chức khoa học công nghệ thế giới và một số nước công nghiệp phát triển. Ví dụ như nghiên cứu các kinh nghiệm và kết luận của Tổ chức Y tế thế giới, của Uỷ ban Quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP), của Hiệp hội điện tử viễn thông của Hoa Kỳ và các tổ chức khác của Nhật, Úc và Liên minh Châu Âu. Kết quả cho thấy toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn và tiêu chuẩn của Việt Nam hiện nay phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ quốc tế. Qua kết quả nghiên cứu của các cơ quan Việt Nam cho thấy thể chất của người Việt Nam có khác với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia Châu Âu và Châu Mỹ, cho nên quy chuẩn có khuyến cáo sử dụng những mức độ thấp, tức là tiêu chuẩn cao hơn so với các quốc gia mà thể chất con người lớn và khỏe hơn người Việt Nam.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO kết luận: “Các bằng chứng khoa học hiện nay cho thấy phơi nhiễm trường điện từ của phổ vô tuyến phát xạ từ các máy điện thoại di động và các trạm thu, phát gốc không gây ung thư và không thúc đẩy ung thư phát triển”.

Khi xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn có liên quan đến sức khỏe con người, Bộ Khoa học và Công nghệ chú ý đến các loại bệnh sau: Bệnh thứ nhất là ung thư, trong đó có cả bệnh máu trắng. Loại bệnh thứ hai ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn là bệnh tim mạch và bệnh huyết áp. Thứ ba là ảnh hưởng tới hệ thần kinh tức là những cảm giác cảm nhận được như hoa mắt hoặc chóng mặt.

 

Cơ quan Bảo vệ bức xạ của Úc công bố đánh giá khoa học quốc gia và quốc tế rằng: “Chưa có bằng chứng thuyết phục sự phơi nhiễm trường điện từ do phổ vô tuyến mức công suấp thấp gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người”. Tương tự như vậy cơ quan an toàn sức khỏe môi trường của Cộng hòa Pháp kết luận: “Với sự quan tâm đối với bệnh ung thư xuất hiện chúng tôi chấp nhận mức công suất thấp trong điện thoại di động và mức bức xạ không gây ảnh hưởng đến các mô sống, các thí nghiệm trên động vật phơi nhiễm thời gian dài trong trường sóng điện từ, không gây xuất hiện ung thư hoặc thúc đẩy ung thư phát triển”.

Ủy ban truyền thông Hoa Kỳ đưa ra kết luận: “Không có bằng chứng khoa học về sự liên quan giữa các trạm thu phát gốc BTS với bệnh ung thư và các bệnh khác như đau đầu, choáng váng, hoa mắt hoặc mất trí nhớ”. Uỷ ban bảo vệ sức khỏe Canada khẳng định: “Cho đến nay không có bằng chứng vững chắc chứng tỏ các bức xạ điện từ từ điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đến con người”.

Các cơ quan có thẩm quyền của Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển cùng nhất trí rằng “không có bằng chứng khoa học về ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do các hệ thống trạm thu, phát sóng di động, các máy cầm tay có công suất dưới mức do Uỷ ban Quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP) khuyến nghị”.

Để đánh giá khả năng ảnh hưởng đến sức khoẻ của sóng vô tuyến nói chung, người ta sử dụng đại lượng SAR (Specific Absorption Rate – Chỉ số hấp thụ đặc trưng) là liều lượng hấp thụ năng lượng vô tuyến tại một khoảng tần số nhất định của một đơn vị khối lượng cơ thể, đo bằng W/kg. Tại Việt Nam, với việc bắt buộc áp dụng Quy chuẩn quốc gia QCVN 8:2010/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng”, giá trị SAR được quy định là 0,4W/kg. Nếu so sánh giá trị này với các giới hạn của một số tổ chức và một số nước: Uỷ ban quốc tế về phòng chống bức xạ phi ion hoá (ICNIRP) là 2W/kg; Liên minh Châu Âu, Nhật là 2 W/kg; Mỹ, Úc là 1.6 W/kg, thì quy định của Việt Nam nghiêm ngặt hơn nhiều. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các Thông tư quy định về kiểm định công trình viễn thông theo đó từng trạm BTS phải được kiểm định, nếu tuân thủ Quy chuẩn trên mới được hoạt động.

Nguồn tin: haiphong.gov.vn

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More