Print Thứ Tư, 25/10/2023 19:55 Gốc

Hệ thống giải quyết tranh chấp WTO hiện nay là một bộ phận của Hiệp định WTO trong thời gian Vòng đàm phán Urugoay (1994), bao gồm Thỏa thuận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp ( gọi tắt là DSU). DSU chính là phụ lục 2 của Hiệp định WTO, quy định các thủ tục và quy tắc hình thành nên hệ thống giải quyết tranh chấp ngày nay. Hệ thống giải quyết tranh chấp hiện nay là kết quả của những bước tiến của các quy tắc, thủ tục và thực tiễn được phát triển từ Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại  (GATT) 1947.

Một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả sẽ làm tăng giá trị thực tiễn của các cam kết mà các bên ký kết đã chấp thuận trong hiệp đinh quốc tế. Việc các thành viên WTO đã thành lập ra một hệ thống giải quyết tranh chấp trong Vòng Urugoay đã nhấn mạnh tầm quan trọng rất lớn của việc tất cả các thành viên trong WTO tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo Hiệp định WTO.

Mục tiêu trọng tâm của hệ thống giải quyết tranh chấp WTO là nhằm đảm bảo sự an toàn và tính dự báo trước của hệ thống thương mại đa phương. Mục tiêu của Thỏa thuận về các quy tắc và thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp ( DSU) là nhằm đảm bảo có một hệ thống hoạt động trên cơ sở quy định pháp luật, tin cậy, hiệu quả và nhanh chóng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc áp dụng các điều khoản của Hiệp định WTO. Thông qua việc tăng cường nguyên tắc pháp quyền, hệ thống giải quyết tranh chấp làm cho hệ thống thương mại trở nên an toàn hơn và có khả năng dự đoán trước. Khi một thành viên cho là có sự không tuân thủ Hiệp định WTO, hệ thống giải quyết tranh chấp sẽ đưa ra một cách giải quyết tương đối nhanh chóng đối với vấn đề đó bằng một quyết định độc lập buộc phải thi hành ngay, và nếu thành viên thua kiện không chịu thi hành thì có thể sẽ bị trừng phạt thương mại.

Cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO đã trở thành nền tảng cho việc hình thành các cơ chế giải quyết tranh chấp tương tự tại các khuôn khổ hợp tác khu vực và song phương.

Về nguyên tắc, cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO chỉ cho phép áp dụng đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của WTO, tham gia trực tiếp với tư cách là một bên của vụ kiện hoặc với tư cách là bên thứ ba. Theo quy định của WTO, thành viên của WTO không bắt buộc phải chứng minh bản thân có lợi ích kinh tế và pháp lý cụ thể trong vụ kiện.

Quá trình giải quyết tranh chấp trong WTO liên quan tới các bên trong tranh chấp, các bên thứ ba đối với tranh chấp, Cơ quan giải quyết tranh chấp ( DSB), Ban hội thẩm, Cơ quan Phúc thẩm, Ban thư ký WTO, trọng tài, chuyên gia độc lập và một số tổ chức chuyên môn. Trong các cơ quan của WTO liên quan tới giải quyết tranh chấp, có cả các tổ chức chính trị như DSB và các tổ chức độc lập bán tư pháp như Ban hội thẩm, Cơ quan Phúc thẩm và trọng tài.

Khi khiếu nại đã được đệ trình lên WTO, sẽ có hai phương thức chủ yếu để giải quyết tranh chấp này, đó là: Hai bên tìm ra được một giải pháp ổn thỏa cho cả hai thông qua tham vấn song phương hoặc trung gian hòa giải, hoặc thông qua phán xử, bao gồm cả quá trình thực thi các báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm, sau khi các báo cáo này đã được DSB thông qua.

Quá trình giải quyết tranh chấp của WTO có ba bước chính:

– Tham vấn

– Quá trình xét xử của Ban hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm

– Thực thi phán quyết

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ hợp tác đa phương
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác