Print Thứ Tư, 10/06/2020 10:46 Gốc

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng mạnh tay xử lý tình trạng SIM “rác” sẽ khiến các đại lý SIM – thẻ trong thời gian tới khó lòng có thể lách luật.

Việc quản lý thuê bao di động trả trước luôn là vấn đề được cơ quan chức năng quan tâm xử lý. Trong thời gian qua, tình trạng SIM “rác”, tin nhắn “rác” đã giảm mạnh nhờ cơ quan quản lý nhà nước có nhiều biện pháp siết chặt quản lý SIM kích hoạt sẵn trên thị trường.

Một điểm bán SIM-thẻ trên phố Kim Mã. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+).

Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng trên một cách triệt để không chỉ phụ thuộc vào việc xây dựng chính sách, thanh tra kiểm soát đến từ các cơ quan quản lý mà còn cần trách nhiệm ngăn chặn nguồn SIM từ các nhà mạng Việt.

Tịch thu 6.900 SIM kích hoạt sẵn

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện ước tính chỉ còn khoảng 6,8 triệu SIM nghi vấn có thông tin không chính xác đang lưu thông (chiếm dưới 5% tổng số thuê bao đang hoạt động và giảm 17 triệu so với thời điểm tháng 10/2018), số lượt phản ánh tin nhắn rác giảm trên 90%.

Kết quả thanh tra theo Công văn số 3139/BTTTT-Ttra và Công văn số 3164/BTTTT-TTra cho thấy tại thời điểm thanh tra (từ ngày 1/10/2019 đến 20/11/2019) được công bố trong Hội nghị tổng kết thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động trả trước được tổ chức mới đây, tổng số thuê bao của 5 doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam là hơn 129 triệu thuê bao. Trong số đó, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có 31.772.194 thuê bao, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) có 67.426.866 thuê bao; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone có 26.020.172 thuê bao; Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Vietnamobile có 4.406.018 thuê bao; Công ty Cổ phần Viễn thông Di động toàn cầu Gtel có 229.977 thuê bao.

Từ giữa năm 2019, nhằm tăng tính chính xác thông tin thuê bao, ba doanh nghiệp viễn thông là Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Viettel đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước.

Những SIM được kích hoạt sẵn vẫn đang bày bán tràn lan trên thị trường. (Ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, qua đợt thanh tra vẫn phát hiện tình trạng bán SIM được kích hoạt sẵn của các nhà mạng trên thị trường. Ông Đỗ Đình Rô-Trưởng phòng Thanh tra viễn thông và công nghệ thông tin, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay trong đợt thanh tra diện rộng thông tin thuê bao di động, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính tổng cộng 777 triệu đồng đồng thời tịch thu 6.900 SIM được đăng ký thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ.

Theo đại diện Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng SIM kích hoạt sẵn hay còn gọi là SIM “rác” vẫn tồn tại bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền thực chất trước đây là các hộ kinh doanh bán SIM, thẻ cào, điện thoại di động,… được một doanh nghiệp khác thiết lập thành địa điểm kinh doanh trực thuộc.

Ngoài ra, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông này đã lợi dụng “kẽ hở” của Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ không quy định hạn chế số lượng SIM để đăng ký sử dụng nhiều thuê bao. Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cũng lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ trước đây để tiếp tục giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung…

Nhà mạng bắt đầu “siết” SIM “rác”

Theo các chuyên gia viễn thông, trách nhiệm trong việc ngăn chặn nguồn SIM rác phải bắt đầu từ nhà cung cấp.

Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP nhằm thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng SIM “rác,” SIM ảo. Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông thực hiện việc cập nhật thông tin và ảnh chân dung của các chủ thuê bao di động trong nước trước ngày 24/4/2018.

(Ảnh minh họa).

Theo đó, trong năm 2018 các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone đều yêu cầu các chủ thuê bao hoàn thành việc bổ sung thông tin, chứng minh thư nhân dân và ảnh chân dung để cập nhật lên hệ thống trong tháng 4/2018, nếu không thực hiện sẽ bị khóa hoàn toàn sau một tháng.

Mới đây nhất, các doanh nghiệp viễn thông lớn gồm Viettel, VinaPhone và MobiFone đã thông báo sẽ dừng cung cấp SIM mới cho các đại lý ủy quyền từ 1/6/2020. Thay vào đó, người dùng muốn mua SIM sẽ phải đến các cửa điểm giao dịch chính thức của nhà mạng để đăng ký thông tin thuê bao.

Ghi nhận trên phố Kim Mã (Hà Nội), nơi có nhiều đại lý bán SIM của các nhà mạng, các chủ đại lý đều đã nắm bắt được thông tin trên.

Một chủ đại lý SIM-thẻ tỏ ra lo lắng và cho hay không rõ trong thời gian tới “số phận” những chiếc SIM họ đã nhập về từ trước sẽ ra sao. Chủ đại lý này cũng cho biết một năm trở lại đây, các nhà mạng đã bắt đầu siết chặt với SIM kích hoạt sẵn, số lượng SIM bị khóa trong quãng thời gian này không phải là ít. Các SIM bị khóa chủ yếu không có thông tin chính chủ hoặc sai thông tin.

Theo các chủ đại lý, điểm ủy quyền tại phố Kim Mã, họ không phản đối việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn của nhà mạng vì đây là vấn đề liên quan đến trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, những đại lý này cũng kiến nghị khi thu hồi SIM, nhà mạng cần có cơ chế phù hợp để hỗ trợ các điểm bán nói trên.

Thực tế cho thấy, số lượng các cửa hàng đại lý phân phối SIM-thẻ tại đây cũng giảm đi đáng kể từ sau khi các quy định về quản lý SIM bị “siết”. Nhiều chủ đại lý phân phối SIM-thẻ cho hay từ sau thời điểm phải đóng cửa vì dịch COVID-19, thị trường SIM gần như bị “đóng băng” khiến tình hình kinh doanh trở nên lao đao.

(Ảnh minh họa).

Về phía cơ quan chức năng, Thanh tra Bộ  Thông tin và Truyền thông cũng đã đề nghị doanh nghiệp viễn thông cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý thông tin thuê bao di động, kiểm soát hiệu quả việc đăng ký thông tin thuê bao tại điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, không để những nơi này là điểm cung cấp SIM “rác” ra thị trường. Mặt khác, các nhà mạng tiếp tục phát triển phần mềm trí thông minh nhân tạo (AI) để nhận diện người sử dụng một cách thống nhất và đồng bộ.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến khích các nhà mạng tăng cường kiểm tra, không cho sử dụng dịch vụ đối với những chủ thuê bao có dấu hiệu bất thường. Thanh tra bộ đề nghị nhà mạng chủ động đưa ra các giải pháp và cam kết cùng thực hiện nhằm xử lý triệt để vấn đề SIM “rác”.

Trước yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện Viettel khẳng định cam kết áp dụng các giải pháp chặn nạn SIM “rác” và từ năm 2020 không đặt mục tiêu tăng trưởng phát triển thuê bao mới. Trong khi đó, nhà mạng MobiFone cũng khẳng định đơn vị này đã nghiêm túc thực hiện việc dừng bán SIM mới tại các đại lý ủy quyền.

Đại diện VNPT cũng thông tin các nhà mạng đã dừng không cấp SIM mới qua các kênh ủy quyền và đại lý từ 1/6/2020, nhưng trên thị trường còn số lượng không nhỏ các SIM đã cung cấp cho điểm đại lý và ủy quyền trước đó.

Qua quá trình rà soát, những SIM không đáp ứng được theo yêu cầu của Nghị định 49 đã bị nhà mạng khóa. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để SIM “rác”, đại diện VNPT kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần có hướng dẫn để nhà mạng có căn cứ thu hồi SIM.

Nhằm hạn chế tình trạng SIM “rác”, Phó chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Hữu Trí yêu cầu các Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với công an và quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh, mua bán, tàng trữ, vận chuyển SIM, đăng ký thuê bao không đúng quy định. Bên cạnh đó, Thanh tra bộ cũng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung một số quy định, như sử dụng thuê bao thoại thứ tư trở lên trên mỗi mạng di động phải trả thêm phí quản lý…

Ngoài sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đỗ Đình Rô cũng chia sẻ về giải pháp phối hợp liên ngành: “Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các sở thông tin và truyền thông địa phương, kiểm tra, giám sát việc mua, bán SIM trên thị trường”.

Việc vào cuộc mạnh tay, quyết liệt của cơ quan quản lý cũng như các nhà mạng trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực cho thị trường viễn thông./.

Minh Sơn (Vietnam+)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Các nhà mạng vào cuộc: Dấu chấm hết cho tình trạng SIM “rác”?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác