Sáng ngày 21.12, Thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Tham dự Hội nghị có GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử – khảo cổ – Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cùng hàng loạt các nhà khảo cổ học, sử học khác.
Đồng chủ trì buổi thảo luận khoa học là TS.Nguyễn Gia Đối – Quyền viện trưởng Viện khảo cổ học và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành, đã đặt vấn đề thảo luận tại 3 nhóm nội dung gồm: Các chứng cứ về bãi cọc cổ Bạch Đằng; Những di tích liên quan lịch sử nhà Trần chống quân Nguyên Mông và vấn đề bảo tồn, phát huy di tích khai quật được.
Tại buổi báo cáo, TS.Bùi Văn Hiếu – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, Viện Khảo cổ học – đã trình bày báo cáo kết quả khai quật di tịch bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng.
Theo đó, ở 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Qùy, với diện tích gần 1.000 m2, đoàn khảo sát đã đào được 27 cọc gỗ lim cổ.
Theo Viện khảo cổ, dựa vào địa tầng của khu vực này có thể đoán định khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông, đã bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo; đối với cọc to hơn thì “ngoạm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển. Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 (hiện lưu giữ tại đình Làng Mai) cho thấy cọc này có niên đại 1.270 – 1.430 AD.
Từ các nhận xét trên, có thể thấy rằng các cọc được đóng/chôn trong khu vực bãi bồi ven sông, phân bố không thẳng hàng và thêm vào đó là kết quả xác định niên đại đã cho thấy các cọc gỗ có thể thuộc bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
TS. Lê Thị Liên – Trưởng phòng nghiên cứu dưới nước của Viện khảo cổ học, người trực tiếp tham gia đoàn khảo sát cho rằng: Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm, khảo sát nhưng không thấy cọc. Việc khai quật được bãi cọc lần này giúp các nhà nghiên cứu có được các hướng nghiên cứu mới về thế trận toàn dân, “thiên la địa võng” mà quân dân nhà Trần đã giăng ra để đánh thắng quân địch, nâng tầm chiến thắng Bạch Đằng lên một tầm mới.
GS.TS Vũ Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam – khẳng định: Việc phát hiện ra bãi cọc này có giá trị lớn để chúng ta nhìn rõ hơn, đúng đắn hơn, sát thực hơn về trận chiến Bạch Đằng năm 1288 – một chiến thắng rực rỡ của dân tộc và có ý nghĩ to lớn với cả thế giới. Việc phát hiện bãi cọc cũng khẳng định những nghiên cứu trước nay của giới sử học khảo cổ là có cơ sở. Chúng tôi cho rằng, thời điểm diễn ra trận chiến Bạch Đằng, cha ông ta không cắm cọc qua sông Bạch Đằng vì độ sâu lớn, nên chỉ có thể cắm cọc ở hai bên, hoặc ở các lạch triều (sông nhánh) nhưng vẫn đủ độ sâu để thuyền chiến thời đó có thể đi qua, từ đó tìm cách dồn địch vào thế trận ta bày sẵn.
Do đó, trận chiến trải dài cả khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh đến Vạn Kiếp (Hải Dương), đây là chiến công của cả dân tộc, chứ không chỉ của xóm làng nào.
Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam – cho rằng, từ lúc phát hiện đến lúc công bố địa chỉ khai quật chỉ trong vòng 2 tháng là rất nhanh chóng. Chúng ta cũng phải thật sự nghiêm túc, không vội vàng, mà cần mở rộng việc khai quật thêm nữa. Lúc đó có thể tìm được cả một khu di tích cho chiến trận Bạch Đằng, và cần phải bảo tồn di tích, hiện vật một cách khoa học.
PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó chủ tịch Hội di sản Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện khảo cổ học – nhấn mạnh: Trận chiến Bạch Đằng là chiến trận toàn dân, chứng minh hào khí Đông A, giữ vững truyền thống yêu nước. Nếu nhìn từ góc độ di sản văn hóa, tinh thần Đông A là sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. “Hải Phòng có thể đầu tư để Bảo tàng thành phố trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách, làm cho mạch ngầm về hào khí Đông A tuôn chảy mãi” – PGS.TS Đặng văn Bài nói.
TS.Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng cục Di sản Văn Hóa (Bộ VHTTDL) cho rằng phát hiện bãi cọc, dưới góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi thấy lần đầu tiên phát hiện khảo cổ học được tổ chức rất nhanh. Từ di tích này, chiến trận Bạch Đằng dù được nói nhiều trong sử sách, nhưng phát hiện vật chất chưa nhiều. Việc phát hiện lần này cho thấy, cần có nghiên cứu tổng thể toàn bộ mối liên kết đối với trận đánh Bạch Đằng, nên ý nghĩa của bãi cọc này rất quan trọng. Chúng tôi cơ bản thống nhất với các nhà nghiên cứu, bãi cọc này gắn với trận thủy chiến Bạch Đằng là khá rõ ràng.
GS.TSKH Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư liên ngành Lịch sử – Khảo cổ – Dân tộc học, Phó chủ tịch Hội đồng di sản Văn hóa quốc gia – nhận định: Việc 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông đã chứng minh tài năng quân sự của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn và quân dân nhà Trần, là tiền đề để đế chế Nguyên Mông tan rã sau đó. Một đế chế mở rộng được 30 triệu km2 từ Thái Bình Dương sang Địa Trung Hải đã phải dừng bước trước quân dân ta. Chiến thắng được nghiên cứu nhiều lần, đưa vào văn hóa, sách truyện, nhưng vị trí trận chiến chưa thực rõ. “Vì vậy, việc phát hiện bãi cọc tại xã Liên Khê có ý nghĩa hết sức to lớn, có lẽ rất nhiều nhận thức của ta về chiến trận Bạch Đằng phải thay đổi, mở ra hướng nghiên cứu mới. Căn cứ từ bãi cọc, có thể mở rộng tìm tàu thuyền, hiện vật ở những khu vực lân cận” – GT.TS Vũ Minh Giang nói.
Mai Chi
Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More