Thực hiện các chủ trương, định hướng từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Trung ương và thành phố, Hải Phòng rất quyết liệt, khẩn trương để chuyển hóa nguồn vốn vào các dự án an sinh xã hội. Tại kỳ họp thứ 7 (chuyên đề) của HĐND thành phố khóa 16 tổ chức cuối tháng 8, một số dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư. Đây là cách làm hiệu quả của Hải Phòng để nhanh chóng đưa các nguồn vốn vào các công trình, dự án, phục vụ nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thành phố.
Tập trung cho các chương trình an sinh xã hội
Xác định rõ đây là nguồn vốn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở nhu cầu thực tế hiện nay và cân đối ngân sách địa phương, Hải Phòng đã bố trí nguồn vốn do Trung ương phân bổ chủ yếu cho các dự án an sinh xã hội.
Cụ thể, trong tổng số hơn 152 tỷ đồng được phân bổ, Hải Phòng đã dành 90 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng nâng cao năng lực cơ sở trợ giúp xã hội thành phố Hải Phòng. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hải Phòng, đây là nhu cầu cấp thiết trong nhiều năm qua vì các cơ sở này xây dựng đã lâu, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và quá tải. Do đó, việc thành phố quyết định dành phần lớn nguồn vốn được phân bổ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội dành cho dự án là hoàn toàn kịp thời và đúng đắn.
Theo đó, dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khu kinh tế, khu công nghiệp là chủ đầu tư. Có 2 địa điểm thực hiện dự án bao gồm tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo (Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng) và phường Thành Tô, quận Hải An (Trường Lao động xã hội Thanh Xuân).
Mục tiêu đề ra là đáp ứng nhu cầu củng cố, hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ tốt nhất công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa trị đối với những người đang cần sự trợ giúp của xã hội. Cùng với đó là ổn định nơi làm việc, nâng cao chất lượng phục vụ của CBNV các trung tâm.
Với sự quan tâm đó, Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp bao gồm phá dỡ các hạng mục xuống cấp; xây mới khu nhà D với diện tích hơn 1.000m²; nâng cấp, cải tạo, mở rộng các phòng nhà ở, sinh hoạt của 2 dãy nhà khu A diện tích 881m²; xây dựng, cải tạo các hạng mục của khuôn viên 32.300m² (điện chiếu sáng, cấp thoát nước, sân, đường đi; cổng, tường rào, kè bờ ao, hệ thống xử lý nước thải, trạm biến áp; cầu vào trung tâm…).
Trường Lao động xã hội Thanh Xuân cũng phá dỡ các công trình xuống cấp, xây mới dãy nhà nuôi dưỡng 4 tầng với tổng diện tích sàn hơn 3.000m²; xây mới nhà nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV/AIDS 4 tầng, tổng diện tích sàn hơn 1.880m²; xây mới nhà ăn nuôi dưỡng đối tượng 2 tầng diện tích 300m²; cải tạo nâng cấp các hạng mục trong khuôn viên hơn 6.000m²…
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tổng mức đầu tư cho cả 2 dự án là 98,203 tỷ đồng. Trong đó, có 90 tỷ đồng từ nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế xã hội Trung ương (năm 2022 phân bổ 25 tỷ đồng; năm 2023 phân bổ 65 tỷ đồng). Còn lại hơn 8,2 tỷ đồng là nguồn vốn ngân sách thành phố.
Cũng như vậy, thành phố sẵn sàng dành 62 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội Trung ương phân bổ để xây mới, nâng cấp các trạm y tế trên địa bàn. Số còn lại 37,2 tỷ đồng (trong tổng mức đầu tư 99,2 tỷ đồng) là nguồn vốn ngân sách thành phố.
Đây là tin vui đối với ngành Y tế Hải Phòng và người dân bởi 18 trạm y tế tại các địa phương được cải tạo, nâng cấp (quận Đồ Sơn có trạm y tế phường Hợp Đức và Ngọc Xuyên; huyện An Lão có trạm y tế xã Mỹ Đức, Tân Viên, Quốc Tuấn; huyện An Dương có các trạm y tế xã An Hồng, An Hòa, Lê Lợi, Lê Thiện, Quốc Tuấn; huyện Tiên Lãng có trạm y tế xã Khởi Nghĩa và Tiên Minh; huyện Kiến Thụy có các trạm y tế xã Du Lễ, Thanh Sơn, Đông Phương; huyện Vĩnh Bảo có trạm y tế xã Cao Minh, Thắng Thủy và trạm y tế thị trấn…).
Phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư xây mới, cải tạo các công trình trợ giúp xã hội và nâng cấp 18 trạm y tế tuyến xã là phù hợp với chủ trương, chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2022-2023 đã được Quốc hội thông qua. Đáng chú ý, Hải Phòng tận dụng được nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế để góp phần nâng cao năng lực và hoàn thiện hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở vốn đang là một trong những điểm nghẽn của Hải Phòng.
Và bất cứ ai đã từng tới Trung tâm điều dưỡng người tâm thần tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo; Trường Lao động xã hội Thanh Xuân đều cảm thấy cám cảnh bởi sự xuống cấp, xập xệ, không đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng những người thuộc diện phải được xã hội trợ giúp. Việc một loạt các công trình cũ nát được phá dỡ để xây mới cho thấy rõ thực trạng đó.
Tuy nhiên, điều người dân ghi nhận là sự tích cực, chủ động, khẩn trương của thành phố trong việc nhanh chóng chuyển hóa các nguồn vốn được Trung ương phân bổ vào các công trình, dự án cấp thiết của thành phố.
Theo đó, đầu tháng 5 Chính phủ thông báo danh mục, mức vốn thì cuối tháng 5 thành phố đã giao nhiệm vụ cho các ngành thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và hoàn tất các thủ tục trong một thời gian ngắn báo cáo UBND thành phố; Thường trực Thành ủy quyết định. Vì đây đều là các dự án nhóm B nên cuối tháng 8, HĐND thành phố đã tổ chức kỳ họp chuyên đề thông qua chủ trương đầu tư các dự án này, ban hành nghị quyết để đủ các cơ sở pháp lý thực hiện.
Hiện Ban quản lý dự án; các huyện đang khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo để các dự án nhanh chóng được khởi công, xây dựng. Như thế, nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội Trung ương đã được Hải Phòng sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố và mang lại nhiều công trình mới có ích cho đời sống dân sinh./.
Hồng Thanh