Từ lâu nay, người dân thôn Lang Thượng, xã Mỹ Đức có nghề trồng cây rau rút, rau cần, cho thu nhập khoảng 70-80 triệu đồng/sào, cao nhiều lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, phần lớn bà con sản xuất nhỏ lẻ, thiếu điều kiện nâng cao sản lượng, chất lượng rau.
Cả thôn Lang Thượng có 50 hộ trồng rau rút, rau cần, tổng diện tích hiện mở rộng lên 7 ha. Chủ yếu bà con sản xuất nhỏ lẻ, từng khoảnh vài sào ruộng, chưa quy được nhiều vùng sản xuất tập trung. Theo khảo sát, toàn thôn mới có có 2- 3 vùng sản xuất từ 0,5 – 1 ha, 1 vùng sản xuất hơn 2 ha…. Các diện tích để trồng loại rau này trước đây là vùng thấp trũng, sản xuất lúa không hiệu quả, người dân tự dồn đổi ruộng đất cho nhau tạo các ao thả rau rút, rau cần.
Thời điểm này, gia đình bà Phạm Thị Khóe ở thôn Lang Thượng đang thu hoạch rau rút cuối vụ và bắt đầu trồng rau cần. Bà Khóe cho biết, thời điểm này gia đình bà mỗi ngày thu được gần 500 nghìn đồng từ rau rút. Theo bà, hiệu quả nhất là rau rút đầu vụ, giá bán cao, mỗi ngày thu gần 1 triệu đồng. Bà Khóe mong muốn mở rộng diện tích thành vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn hơn, nhưng chưa thực hiện được, vì chưa vận động được một số bà con trong thôn dồn đổi ruộng đất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi thì gia đình mới bắt tay triển khai.
Trưởng thôn Lang Thượng Vũ Văn Khoa thông tin, bà con trong thôn có kinh nghiệm sản xuất rau rút, rau cần, nhưng cả thôn mới chỉ có 1 vùng sản xuất tập trung. Để phát triển, bà con gặp không ít vướng mắc. Cụ thể, mặc dù ở địa phương có một số diện tích ruộng nông dân bỏ hoang không canh tác, nhưng khi người trồng rau đề nghị dồn đổi hoặc thuê, mượn các hộ không mấy mặn mà. Chỉ có một số ít hộ dồn đổi diện tích nhỏ lẻ nên chưa thành vùng sản xuất tập trung lớn. Bên cạnh đó, bà con chủ yếu canh tác theo kiểu truyền thống, chưa ứng dụng được kỹ thuật mới vào sản xuất.
Nhiều bà con phản ánh điều kiện sản xuất hiện nay khó khăn để quy vùng tập trung lớn hơn, vì thế chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ. Hiện nguồn nước trong thôn bị ô nhiễm do kênh thủy lợi nông đầy, ách tắc dòng chảy, trong khi một số người thiếu ý thức vứt rác bừa bãi xuống lòng kênh, mương… Bên cạnh đó, tuyến đường giao thông trục chính vào thôn hiện xuống cấp nghiêm trọng, lưu thông sản phẩm chưa thuận tiện. Bà con hiện chủ yếu bán hàng tại các chợ đầu mối và một số chợ nhỏ, lẻ; chưa có điều kiện liên kết để bán vào các siêu thị, cửa hàng rau sạch để được giá cao hơn.
Từ thực tế trên, để mở rộng diện tích hình thành các vùng tập trung lớn, người sản xuất rau rút, rau cần trên địa bàn thôn Lang Thượng mong muốn Sở Nông nghiệpPhát triển nông thôn hỗ trợ địa phương cải tạo hệ thống kênh mương nội đồng, bảo đảm nguồn nước sạch phục vụ sản xuất. Huyện và xã tạo điều kiện nâng cấp tuyến đường giao thông để dễ dàng lưu thông sản phẩm, đồng thời hỗ trợ các hộ kết nối với doanh nghiệp, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap để bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu sản phẩm bán tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị…
Bài và ảnh: Hương An