Theo Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ cách ly toàn xã hội và thực hiện yêu cầu của thành phố, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn thành phố tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động đến hết ngày 15/4/2020 để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc thù của các hộ kinh doanh này là thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, nên khi dừng hoạt động, kéo theo đời sống của hàng nghìn người liên quan bị lao đao.
Mong được giúp đỡ
Từ mấy ngày nay, quán nước của bà Nguyễn Thị Thuộc ở ngõ 244 phố Đà Nẵng, phường Cầu Tre (quận Ngô Quyền) được phủ tấm ni-lon vì tạm dừng hoạt động. Quán nước ấy là nguồn mưu sinh chính của 4 bà cháu của bà Thuộc, do bà phải cưu mang 3 đứa cháu nhỏ sau khi bố mẹ các cháu ly hôn. Quán nước tạm thời đóng cửa, bà lo lắng vì không có nguồn thu nào khác để lo cho các cháu trong thời gian này.
Theo Chủ tịch UBND phường Cầu Tre Nguyễn Chiến Vương, thực hiện việc tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không thiết yếu để phòng, chống dịch COVID-19, trên địa bàn phường có 34 hộ kinh doanh cá thể như bán nước, hàng ăn sáng… dừng hoạt động, trong đó có nhiều hộ có khó khăn, thuộc diện hộ nghèo như hộ bà Thuộc. Thu nhập hằng ngày của các hộ phụ thuộc hoàn toàn vào bán quán ăn, hàng nước, nên dừng hoạt động là họ không có nguồn thu. Tuy nhiên, các hộ này rất ủng hộ và chấp hành nghiêm việc dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Mong muốn chia sẻ bớt gánh nặng đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ này, song, do nguồn kinh phí chưa nhiều, nên UBND phường mới chỉ hỗ trợ được đối với 5 hộ nghèo, cận nghèo với mức 10 kg gạo/hộ.
Cũng như các địa phương khác, gần 200 hộ kinh doanh trên các phố Trần Thành Ngọ và Hòa Bình, thuộc phường Trần Thành Ngọ cũng đóng cửa nghỉ bán hàng. Chủ tịch UBND phường Trần Thành Ngọ Phạm Văn Quân cho biết: Khi đoàn công tác của địa phương đến vận động, nhắc nhở các hộ nhỏ lẻ tạm dừng kinh doanh, nhiều hộ thắc mắc sẽ được hỗ trợ gì khi dừng bán hàng, đời sống của họ bị ảnh hưởng vì chỉ trông chờ vào hoạt động hàng ăn, quán nước… Song, cũng do nguồn kinh phí có hạn, địa phương chưa giúp đỡ được gì. Một số cá nhân, tổ chức ủng hộ UBND phường phòng, chống COVID-19 đến nay là 16 triệu đồng, được ưu tiên phục vụ hoạt động của các chốt phòng dịch tại phường, chưa thể hỗ trợ các các hộ gặp khó khăn.
Xem xét hỗ trợ các hộ khó khăn
Anh Nguyễn Đình Đức, một hộ bán hàng ăn sáng ở khu Gò Gai, thị trấn Núi Đèo (huyện Thủy Nguyên) cho biết: Để hạn chế tập trung đông người, gia đình anh thực hiện nghiêm việc đóng cửa, tạm dừng kinh doanh hàng bún Huế. Quán này là thu nhập chính của gia đình, nên từ khi đóng cửa, anh không còn nguồn thu, trong khi không thể làm việc khác trong thời gian dịch bệnh COVID-19. Anh rất mong được địa phương hỗ trợ những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như anh.
Tại cuộc họp với Thường trực các quận ủy, huyện ủy về công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 29/3, đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Thành đánh giá cao một số địa phương chủ động hỗ trợ các hộ khó khăn do phải nghỉ kinh doanh, đồng thời đề nghị UBND thành phố xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh gặp khó khăn do phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, đề xuất HĐND thành phố ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.
Nắm bắt kịp thời nguyện vọng của cac hộ kinh doanh nhỏ, nhiều địa phương chủ động xem xét, tìm biện pháp hỗ trợ bước đầu. Theo Phó chủ tịch UBND thị trấn Núi Đèo Hoàng Thế Mạnh cho biết, ngày 30/3, UBND thị trấn rà soát trên địa bàn có 130 hộ kinh doanh nhỏ lẻ tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có 9 hộ nghèo. Trên cơ sở đó, UBND thị trấn dự tính sẽ cân đối sử dụng quỹ xóa đói giảm nghèo của UBND thị trấn, Mặt trận tổ quốc thị trấn với số tiền là 30 triệu đồng để ưu tiên hỗ trợ đối với các hộ nghèo phải tạm dừng kinh doanh. Mức hỗ trợ cụ thể sẽ do UBND thị trấn họp bàn để thống nhất. Đồng thời, UBND thị trấn rà soát các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có đóng thuế khoán/năm để làm đề xuất với cơ quan thuế xem xét giảm thuế đối với các hộ này.
Cùng với nỗ lực của các địa phương, rất mong thành phố sớm có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, nhất là các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Mức hỗ trợ này có thể bằng tiền hoặc lương thực, để người dân được kịp thời ổn định cuộc sống trong thời gian nghỉ bán hàng. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh vận động các nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố để sẻ chia “lá lành đùm lá rách”. Ngày 01/4, tại cuộc họp thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ thảo luận dự thảo nghị quyết về gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra nhằm bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người lao động và người nghèo. Trong đó, dự kiến mỗi hộ kinh doanh được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng, thời gian hỗ trợ trong 3 tháng 4, 5 và 6/2020. Nếu dự thảo nghị quyết này được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ thực hiện ngay để bảo đảm an sinh xã hội.
Như vậy, Chính phủ thành phố sẽ sớm có giải pháp mạnh mẽ cùng các địa phương, cộng đồng giúp các hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, góp phần đẩy lùi dịch COVID-19.
Bài: Mạnh Quang – Ảnh: Minh Tuấn