Kinh tế

Các hộ gia đình cầm cự được bao lâu nếu ‘cách ly xã hội’?

Sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng, một nhà khoa học ngành kinh tế vi mô đã tính toán xem những hộ gia đình không có thu nhập do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì sẽ cầm cự được bao lâu.

TS Nguyễn Việt Cường, một nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về kinh tế vi mô, hiện giảng dạy và nghiên cứu ở Trường đại học Kinh tế quốc dân, đã tính toán xem trung bình một hộ gia đình nếu không có thu nhập do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ cầm cự được bao lâu, đặc biệt là sau khi có yêu cầu của Thủ tướng “cách ly xã hội” trong 15 ngày tới.

Khoảng 75% số hộ gia đình ở Việt Nam có tiền tiết kiệm. Ảnh Nguyễn Việt Cường.

Để có thể đảm bảo được mức chi tiêu không thay đổi khi không có thu nhập thì các hộ phải sử dụng tiết kiệm. Vì thế, trước hết, TS Cường tính tỷ lệ tiết kiệm cho từng nhóm hộ, sau đó căn cứ mức chi tiêu bình quân của từng nhóm hộ này để biết họ sẽ duy trì được mức sống cũ bao nhiêu lâu, khi không kiếm thêm được đồng nào.

75% hộ gia đình có tiền tiết kiệm

TS Cường cho biết, để tính được tỷ lệ tiết kiệm cho từng nhóm hộ, ông đã dùng dữ liệu hộ gia đình từ khảo sát “Mức sống dân cư năm 2016” do Tổng cục Thống kê thực hiện. Đồng thời, căn cứ vào một số yếu tố như chỉ số lạm phát, chỉ số tăng trưởng, TS Cường ước lượng các mức thu nhập, chi tiêu, tỷ lệ tiết kiệm năm 2019 cho các nhóm hộ gia đình.

Tôi chưa có số liệu mới hơn, nhưng xu hướng tiết kiệm không thay đổi nhiều trong ngắn hạn, do vậy, tỷ lệ tiết kiệm ước lượng từ khảo sát năm 2016 có thể áp dụng cho hiện nay”, TS Cường giải thích.

Theo TS Cường, rất khó để có thể phỏng vấn và thu được câu trả lời chính xác xem hộ gia đình hiện có bao nhiêu tiền tiết kiệm, hoặc tài sản có tính thanh khoản cao. Do vậy, ông đã tính tiết kiệm bằng chênh lệch giữa thu nhập và chi tiêu trong năm 2016 (tổng mức tiết kiệm thực tế có thể cao hoặc thấp hơn). Tính toán cũng dựa trên giả định lượng tiền mặt tiết kiệm đầu năm hiện có của hộ gia đình bằng mức tiết kiệm của năm trước.

Kết quả cho thấy, 75% hộ gia đình của Việt Nam có tiền tiết kiệm. Tỷ lệ mức tiết kiệm trên tổng thu nhập là 30%. Qua đó cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm khá cao so với các nước xung quanh.

Có khoảng 25% hộ gia đình không có tiết kiệm và nếu họ không có thu nhập, đây là diện hộ dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp ngay lập tức khi không có việc làm, không có thu nhập do dịch Covid-19. Những hộ gia đình này sẽ phải trông chờ vào bảo hiểm thất nghiệp, hoặc trợ giúp của Chính phủ.

Trong số những hộ không có khoản tiền tiết kiệm thì hơn một nửa (60%) là hộ nghèo. Ngay cả những hộ nghèo có tiền tiết kiệm thì số tiền tiết kiệm được cũng ít. Hộ càng nghèo thì tỷ lệ tiền tiết kiệm càng thấp.

Các hộ nghèo đô thị có lẽ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất

Theo tính toán của TS Cường, mức chi tiêu trung bình của các hộ có tiền tiết kiệm là khoảng 150 triệu đồng/hộ/năm (ước lượng cho năm 2019) và mức tiết kiệm được ước lượng là khoảng 94 triệu đồng. Giả sử lượng cung và giá cả hàng hóa không thay đổi thì các hộ có thể duy trì được mức sống như cũ mà không đi làm trong khoảng 7,5 tháng.

Các hộ nghèo thì khó khăn hơn. Nhóm 20% hộ nghèo nhất của cả nước có mức chi tiêu khoảng 40 triệu đồng/hộ/năm và tiết kiệm là khoảng 10 triệu đồng/hộ/năm. Như vậy, nhóm này nếu không có thu nhập và trợ giúp thì chỉ duy trì được chi tiêu trong khoảng 3 tháng.

Trong khi đó, nhóm 20% hộ thu nhập cao của cả nước thì bình quân có thể duy trì được mức chi tiêu trong 10 tháng mà không có thu nhập.

TS Cường nhận định: “Với những hộ nếu không có thu nhập, đồng thời không có tiền tiết kiệm hay trợ giúp của Chính phủ, thì họ sẽ phải đi vay hoặc bán bớt tài sản để chi tiêu. Một số hộ nông nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất và có thu nhập. Các hộ nghèo đô thị có lẽ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì họ không dựa được vào nông nghiệp hay hoạt động tự sản xuất khác”.

Theo TS Cường, trên thực tế thì nền kinh tế vẫn hoạt động ở mức “cầm chừng” và có sự trợ giúp của Chính phủ cho người nghèo nên tác động trước mắt đến các nhóm hộ thấp hơn ước lượng trên. Những tính toán trên là để giúp chính quyền và mỗi người dân hình dung, trong trường hợp phải cách ly toàn xã hội ở nước ta cũng như các nước khác diễn ra dài, thì tác động sẽ nghiêm trọng.

Hy vọng mỗi người đều tuân thủ được nghiêm việc cách ly trong 2 tuần tới, để hạn chế được dịch, để đời sống xã hội sớm quay lại cuộc sống bình thường”, TS Cường nói.

TS Nguyễn Việt Cường là một trong những nhà kinh tế học được nhiều người biết tới nhất trong giới nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam. Nhiều năm liền, ông được lọt vào danh sách 5% nhà kinh tế hàng đầu trong danh sách xếp hạng của Dự án nghiên cứu kinh tế học RePEc (Research Papers in Economics – Báo cáo Nghiên cứu về kinh tế học), với dữ liệu của trên 55.000 nhà kinh tế trên thế giới.

TS Cường có rất nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và tư vấn trong lĩnh vực đánh giá tác động của các chính sách và dự án, phân tích nghèo đói, dân tộc thiểu số, phân tích y tế và giáo dục. Anh tham gia nhiều dự án nghiên cứu và tư vấn với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu cho các bộ, viện nghiên cứu, các cơ quan quốc tế và tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam.

Quý Hiên

Nguồn tin: Báo Thanh niên

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More