Print Thứ Tư, 24/07/2024 15:00 Gốc

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn thành phố có nhiều cố gắng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm công trình thủy lợi song kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Hiện còn nhiều trường hợp vi phạm tồn tại từ những năm trước đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để. Để tiếp tục ngăn chặn đẩy lùi, giải tỏa dứt điểm các trường hợp vi phạm công trình thủy lợi cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và đơn vị quản lý công trình.

Khó khăn trong xử lý vi phạm

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi An Hải hiện quản lý hơn 100 công trình thủy lợi gồm hệ thống kênh, đập, cống dưới đê, trạm bơm điện trải dài ở 16 xã, thị trấn. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và số lượng công trình lớn, những năm qua trên địa bàn huyện An Dương xảy ra nhiều trường hợp vi phạm công trình thủy lợi nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm, quá trình giải tỏa, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi An Hải Trần Quang Hoạt, công ty gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các công trình vi phạm kéo dài nhiều năm nay, trong đó chủ yếu là những công trình vi phạm ở các xã mới bàn giao về công ty quản lý. Đáng chú ý là những công trình vi phạm quy mô lớn liên quan đến nhiều người dân ở các xã: An Hòa, Hồng Phong, An Hồng, An Đồng, thị trấn An Dương, Hồng Thái, Nam Sơn, Bắc Sơn, Lê Lợi (huyện An Dương)… Theo thống kê sơ bộ của công ty, đến nay, trên địa bàn các xã này còn hàng trăm trường hợp người dân tự ý xây dựng công trình, tường bao, cổng, nhà để xe, nhà bán hàng trên kênh khiến việc đưa máy móc vào nạo vét, duy tu bảo dưỡng công trình gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do các tổ chức, cá nhân vi phạm không tự giác chấp hành phá dỡ, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc phối hợp với công ty trong xử lý các trường hợp vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Một số vụ vi phạm lấn chiếm đất mặt kênh, lòng kênh Hòa Phong của một số hộ dân xã An Hòa, Hồng Phong, hay như một số trường hợp vi phạm xây nhà lấn chiếm hành lang kênh An Kim Hải khu vực cầu Rế 2 (xã Bắc Sơn), công trình trên kênh hút, trạm bơm Đoàn Kết (xã Hồng Thái)… Gần đây nhất là vi phạm của 7 hộ dân thị trấn An Dương tự ý san lấp mặt bằng xây dựng công trình kinh doanh bán hàng, rửa xe trong phạm vị bảo vệ công trình thủy lợi trên sông Rế, gây ô nhiễm nguồn nước và vi phạm Luật Thủy lợi…

Lực lượng chức năng Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Tiên Lãng giải tỏa công trình vi phạm bờ kênh Trung Thủy nông.

Các công ty khai thác thủy lợi ở các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, An Lão cũng gặp tình trạng tương tự. Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiên Lãng Phạm Văn Là cho biết, việc giải tỏa các công trình vi phạm thời gian qua khó thực hiện. Có trường hợp vi phạm công ty phát hiện lập biên bản yêu cầu tháo dỡ nhưng người dân đưa ra nhiều lý do “xin khất”.

Tại huyện Vĩnh Bảo, nhiều trường hợp xây dựng công trình vi phạm trên kênh Chanh Dương qua các xã Thắng Thủy, Giang Biên, Vĩnh An và một số tuyến kênh trục trên địa bàn xã Lý Học, An Hòa cũng chưa được xử lý dứt điểm gây khó khăn cho việc quản lý, vận hành khai thác công trình. Mới đây, công ty phát hiện, lập biên bản 1 doanh nghiệp tự ý đóng cọc tre trên hành lang bảo vệ kênh Chanh Dương tại xã Thắng Thủy, khi lập biên bản chuyển UBND xã Thắng Thủy nhưng địa phương không ký. Hàng chục vụ vi phạm công trình thủy lợi quy mô lớn trên sông Đa Độ (huyện Kiến Thụy) cũng chưa được tổ chức giải tỏa dứt điểm như hàng chục công trình xây dựng nhà ở, nhà hàng vi phạm lòng sông Đa Độ xảy ra tại các xã: Thanh Sơn, Đại Đồng, Đông Phương…

Tăng cường công tác phối hợp

Theo Chi cục phó Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tại thành phố Đoàn Văn Ban, nhằm lập lại kỷ cương trong công tác xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt công tác phối hợp phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ sớm theo Quyết định 33 kèm theo Quy chế xử lý vi phạm hành chính về thủy lợi và đê điều của UBND thành phố. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các địa phương, đơn vị cần tăng cường phối hợp xử lý, ngăn chặn các trường hợp vi phạm công trình thủy lợi ngay từ những giờ đầu, ngày đầu.

Các tổ chức, cá nhân được giao khai thác công trình thủy lợi chậm nhất sau 24 giờ kể từ khi phát hiện vi phạm phải gửi kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý. Trong đó, yêu cầu chủ tịch UBND cấp xã kiểm tra, lập hồ sơ xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính có mức phạt theo thẩm quyền. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã, chậm nhất trong thời gian 24 giờ kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc nhận được kiến nghị xử phạt phải lập hồ sơ, kiến nghị chủ tịch UBND cấp huyện để xử phạt, đồng thời báo cáo kết quả xử lý bằng văn bản về UBND cấp huyện và Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai thành phố…

Theo đại diện các công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi, để quy chế của UBND thành phố nhanh chóng đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả cao, UBND cấp huyện sớm tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, giao nhiệm vụ kịp thời, cụ thể tới các đồng chí chủ tịch UBND cấp xã, thị trấn, cán bộ phụ trách đê điều, thủy lợi và các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện nghiêm, tránh tình trạng vi phạm công trình thuỷ lợi xảy ra tràn lan như hiện nay.

Bài và Ảnh: Tiến Đạt

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Các doanh nghiệp thủy lợi: Dứt điểm giải tỏa các công trình vi phạm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác