Ngày 12.4, Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1.7.2022. Cụ thể, Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng; Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng; Vùng 3 tăng 210.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng; Vùng 4, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Tập đoàn VLC, Tổng Giám đốc Công ty CP Sơn Hải Phòng cho rằng, đa phần các doanh nghiệp sẽ ủng hộ đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1.7.2022 do Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất. Đây cũng là đề xuất hợp tình, hợp lý trong tình trạng lạm phát tăng. Do đó, Tập đoàn VLC hoàn toàn ủng hộ việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động (NLĐ) từ ngày 1.7.2022.
Theo ông Dũng, hiện Tập đoàn VLC có 10 công ty thành viên, với khoảng 2.000 lao động. Thu nhập bình quân đầu người của cả Tập đoàn VLC đạt 12 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với mức lương bình quân chung. Riêng người lao động Công ty CP Sơn Hải Phòng còn đạt cao hơn, với mức 22 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài mức lương cơ bản, Tập đoàn VLC còn chi thưởng cho NLĐ trong các dịp như Tết nguyên đán (trung bình NLĐ được thưởng 2 tháng lương, có công ty thưởng 3-4 tháng lương tùy theo kết quả kinh doanh), các dịp nghĩ lễ Giỗ Tổ, dịp 30.4, 1.5, lễ Quốc Khánh, tết dương lịch… Tập đoàn đều thưởng cho NLĐ cao hơn so với mặt bằng chung.
Về việc một số ngành nghề có ý kiến lùi thời gian thực hiện việc tăng lương đến ngày 1.1.2023, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, với những đơn vị sử dụng đông lao động phổ thông, muốn lùi thời hạn tăng lương tối thiểu vùng, có thể do ảnh hưởng một phần bởi dịch COVID-19. Mặt khác cũng muốn ổn định giá thành sản phầm, nên các doanh nghiệp này không muốn tăng lương cho NLĐ.
“Tôi cho rằng, đa phần các doanh nghiệp hoạt động ổn định đều muốn tăng lương cho công nhân. Vì tăng lương sẽ giúp đời sống NLĐ ổn định, lúc đó, họ cũng sẽ chuyên tâm cho công việc nhiều hơn. Khi đó, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc tăng lương cho NLĐ”, ông Dũng nói.
Ủng hộ việc sớm tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó phòng Quản lý chuẩn bị sản xuất kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam (Khu công nghiệp Nomura) cho hay: Nhìn chung, thu nhập của người lao động nói chung và người lao động các khu công nghiệp nói riêng ở thời điểm hiện tại đang ở mức thấp, chưa bảo đảm mức sống tối thiểu. Trong khi đó, mọi chi phí sinh hoạt của người lao động đều tăng, lương tối thiểu vùng nhiều năm không thay đổi. Việc tăng lương của người lao động hoàn toàn phụ thuộc vào việc đàm phán giữa công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động. Điều này là rất khó khăn cho công đoàn cơ sở trong quá trình thương lượng khi lương tối thiểu vùng không tăng.
Bởi vậy, theo ông Việt, việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động là rất cần thiết. “Với mức tăng lương tối thiểu vùng là 6% chỉ phần nào đó cải thiện cuộc sống cho người lao động nhưng cần phải triển khai càng sớm càng tốt, không nên trì hoãn đến 1.1.2023”, ông Việt nói.
Hoàng Hoan, Mai Dung
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More