Những ngày gần đây, trên một số tuyến đường xuất hiện các điểm bán hàng treo biển “giải cứu nông sản phương Nam” được bày bán ngay trên vỉa hè, có trường hợp còn tràn xuống lòng đường. Người bán, người mua đua chen gây tình trạng mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị…
Chất lượng sản phẩm không bảo đảm
Trên một số tuyến đường như Lê Hồng Phong (quận Ngô Quyền), từ ngã tư thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão) đến trung tâm thị trấn An Lão, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Hoàng Quốc Việt (quận Kiến An)… xuất hiện một số điểm bán hàng, quảng cáo bằng loa máy về việc giải cứu nông sản. Tại khu vực bán hàng, chủ yếu là các loại nông sản từ khu vực miền Nam chuyển ra như: mít, thanh long, xoài, dưa hấu, bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng… Tại các khu vực này, người bán và người mua chen chân để lựa chọn sản phẩm. Giá bán tại các điểm này rẻ hơn các quầy hàng trong các chợ dân sinh. Chẳng hạn, giá dưa hấu chỉ 6.000-8.000 đồng/quả, giá thanh long 13-15 nghìn đồng/kg, giá xoài 10-12 nghìn đồng/kg, mít 10-15 nghìn đồng/kg. Do giá bán rẻ nên tại các điểm bán hàng này thường có rất đông người mua. Đặc biệt vào các giờ tan tầm, số lượng người mua càng đông hơn.
Mặc dù bán với giá rẻ, nhưng tại các điểm bán hàng tự giới thiệu là hàng giải cứu này, chất lượng sản phẩm kém so với sản phẩm cùng loại bán tại các chợ dân sinh hoặc cửa hàng hoa quả tươi. Thậm chí, có sản phẩm bị thối, hỏng… Chị Nguyễn Thị Phượng, ở phố Trần Nhân Tông (quận Kiến An) cho biết, đi trên đường Lê Duẩn (quận Kiến An), gặp một điểm bán mít, thấy đông người chọn mua nên chị dừng lại. Tuy nhiên, chị chọn mãi mới được một quả chất lượng tạm ổn, vì hầu hết số mít đang bày bán có biểu hiện sắp thối, hỏng. Người bán hàng giải thích, do để nhiều hàng nên các quả xô vào nhau và dù có hiện tượng như vậy nhưng chất lượng vẫn bảo đảm, người mua chỉ cần cắt bỏ một chút gai mít phía ngoài, bên trong không bị thối. Chị Phượng tin lời, chọn mua nhưng chất lượng không thơm ngon như sản phẩm cùng loại được bán ở các hàng hoa quả tươi.
Qua tìm hiểu được biết, các điểm giải cứu này chủ yếu là tự phát của một số thương lái. Họ nhập trái cây từ miền Nam, chất lượng kém hoặc hàng xuất khẩu loại ra với giá rẻ, sau đó treo biển bán giải cứu trên các đường phố. Với cách buôn bán này, nếu bán được hết hàng, người bán hàng có lãi cao. Để bán được hàng, một số người còn đem loa đài kêu gọi mọi người ủng hộ giải cứu. Cùng với đó, một số điểm giải cứu tranh thủ, chớp nhoáng bán tại một cố cụm công nghiệp như: cụm công nghiệp thị trấn Trường Sơn (huyện An Lão), cụm công nghiệp ngã ba Đa Phúc (quận Dương Kinh) do đúng thời điểm công nhân tan tầm nên mất trật tự an ninh tại khu vực này, thậm chí, thời điểm quá đông người tập trung gây cản trở giao thông.
Chính quyền địa phương cùng vào cuộc
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản Hải Phòng Nguyễn Hữu Cường, thực tế các điểm bán hàng giải cứu nông sản tự phát trên các phố rất khó quản lý do các điểm bán hàng này không thuộc các tổ chức hay nhóm, hội nào. Đặc biệt, những người bán hàng thường xuyên bán di động, không cố định tại một điểm khiến cơ quan chức năng khó kiểm tra, kiểm soát.
Từ thực tế trên, người tiêu dùng trên địa bàn thành phố cần cân nhắc khi lựa chọn mua sản phẩm trái cây bán kiểu này vì sẽ nguy hại và không an toàn cho sức khỏe. Người tiêu dùng cũng cần phân biệt rõ các điểm bán hàng tự phát treo biển giải cứu nông sản của những người buôn bán sản phẩm kém chất lượng để thu lợi nhuận.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các khu vực bán hàng tự phát treo biển giải cứu; nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời trong trường hợp các điểm bán hàng này gây mất trật tự an ninh trên các tuyến phố; đồng thời, tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến rộng rãi các điểm bán hàng giải cứu có tổ chức của cơ quan, đơn vị, các hội, đoàn thể để người dân nắm rõ và chung tay tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có uy tín, trách nhiệm chung tay giải cứu sản phẩm nông sản phương Nam để bán tại Hải Phòng.
Chi cục phó Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản Hải Phòng Nguyễn Hữu Cường cho biết, do ngành phải tập trung kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm của nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn nên không đủ lực lượng để kiểm soát hết các điểm bán hàng hoa quả tự phát treo biển giải cứu trên các phố. Vì vậy, theo phân cấp, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để quản lý, kiểm tra. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu vấn đề này tái diễn, Chi cục sẽ kiểm tra chất lượng sản phẩm bán tại các điểm này ngẫu nhiên, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương để tăng cường quản lý, giám sát./.
Hương An