Print Thứ Tư, 03/07/2019 21:03

Chiều 3/7, các địa phương ven biển dự báo ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động ứng phó với cơn bão, trong đó trú trọng kêu gọi các tàu, thuyền vào nơi an toàn.

Chiều 3/7, các địa phương ven biển dự báo ảnh hưởng bởi cơn bão số 2 đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động ứng phó với cơn bão, trong đó trú trọng kêu gọi các tàu, thuyền vào nơi an toàn.

Tại tỉnh Nghệ An, chiều 3/7 hầu hết tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh đã cơ bản nắm bắt được diễn biến của bão, tìm nơi tránh trú an toàn. Tại những nơi có số lượng lớn tàu thuyền đánh cá như huyện Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai, chính quyền địa phương phối hợp với các Đồn Biên phòng, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai trực tiếp kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền, kêu gọi tàu thuyền về tránh trú bão. Đến chiều 3/7, hơn 90% trong tổng số 1.200 tàu thuyền đánh bắt hải sản ở huyện Quỳnh Lưu đã về bờ an toàn.

Tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các địa phương và ngư dân cũng như các cảng cá tạo thuận lợi tối đa cho tàu thuyền ngư dân các tỉnh khác đang khai thác hải sản trên vùng biển Nghệ An vào tránh trú bão. Ban Quản lý các cảng cá Nghệ An đã phát loa thông báo, hướng dẫn tàu thuyền của ngư dân trong, ngoài tỉnh tìm nơi tránh trú bão an toàn, không để tình trạng tàu thuyền neo đậu ngay trong cầu cảng, ảnh hưởng đến an toàn của các cảng cá và của các tàu thuyền khác.

Tại Nghệ An, hiện nay công tác phòng chống bão số 2 đang được chính quyền địa phương và các ngành chức năng khẩn trương triển khai. Tuy nhiên, thực tế tại địa phương cho thấy công tác ứng phó với bão đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên do, Nghệ An là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn, trong khi các điểm neo đậu, tránh trú bão chưa được đầu tư hoàn thiện và đang trong tình trạng thiếu, không đồng bộ. Tại một số vùng biển thuộc 2 thị xã Hoàng Mai và Cửa Lò thường có tình trạng ngư dân rất khó khăn trong việc tìm nơi an toàn để neo đậu tàu thuyền mỗi khi có bão.

Tại Thanh Hóa, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân tránh tình trạng tàu thuyền va đập vào nhau. Các lực lượng chức năng cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão để thông tin kịp thời đến người dân chủ động các phương án phòng tránh có hiệu quả; đồng thời kiểm tra cụ thể phương án 4 tại chỗ, trong đó trú trọng tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, phương tiên đề phòng mưa, lũ gây chia cắt dài ngày.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến 16 giờ ngày 3/7 vẫn còn 352 phương tiện/1.397 lao động nghề cá của tỉnh Thanh Hóa đang hoạt động trên biển.

Tuy nhiên các phương tiện này đã nhận được thông tin về vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 2. Các chủ phương tiên vẫn thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương, đồng thời đang tìm đường vào nơi tránh trú an toàn.

Tại Hà Tĩnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan chức năng kêu gọi ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển vào nơi trú ẩn an toàn. Đến chiều 3/7, đã có 3.960 tàu, thuyền với 15.753 người hoạt động đánh, bắt cá trên biển được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn.

Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển Hà Tĩnh cũng đã liên lạc, kêu gọi 185 tàu cá với 1.050 lao động đánh bắt xa bờ ở các tỉnh phía Bắc nơi ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão là Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh vào nơi trú ẩn an toàn. Ngoài ra, có 3 tàu cá với 34 lao động của tỉnh Hà Tĩnh đã đến trú ẩn an toàn tại các tỉnh từ Bình Thuận đến Vũng Tàu; 28 tàu cá với 195 lao động đã vào trú ẩn tại Đà Nẵng, Quãng Ngãi và 3.744 tàu cá với 14.474 lao động đã vào tránh trú tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An.

Các tàu cá của ngư dân trú bão tại cảng Cửa Hội. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Tại Hà Nam, ngày 3/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố; các công ty khai thác công trình thủy lợi, công ty Điện lực Hà Nam… tập trung triển khai các giải pháp đối phó với bão số 2.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra hệ thống công trình phòng chống thiên tai, có phương án bảo vệ các vị trí xung yếu, các vị trí đã xảy ra sự cố theo phương châm 4 tại chỗ; đôn đốc, nhắc nhở các hộ nuôi trồng thủy sản trên sông, chủ động các biện pháp ứng phó khi có lũ.

Các công ty khai thác công trình thủy lợi, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chuẩn bị đầy đủ các phương án sẵn sàng tiêu úng hiệu quả cho lúa mới cấy, đặc biệt là lúa gieo xạ và hoa màu, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghiệp; đồng thời xây dựng kế hoạch bơm tiêu cụ thể, chi tiết cho những vùng trũng, vùng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu trong trường hợp mưa lớn kéo dài. Công ty Điện lực Hà Nam bảo đảm nguồn điện phục vụ cho bơm tiêu úng và thông tin liên lạc

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Nam, do ảnh hưởng của bão số 2 nên từ ngày 3-5/7, trên địa bàn tỉnh Hà Nam sẽ có mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa cả đợt phổ biến từ 80 -120mm, có nơi hơn 150mm./.

Nhóm PV (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn. Vietnam+

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Các địa phương tích cực kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão số 2
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác