Khoảng 2 tuần nữa, năm học 2018-2019 sẽ bắt đầu. Nhiều cha mẹ gọi điện đến Đường dây nóng Báo Hải Phòng với mong mỏi các trường học hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa trường, lớp… để đáp ứng điều kiện dạy và học.
Trường lớp thay “áo mới”
Vào buổi sáng ngày 13-8 vừa qua, tại khu nhà 4 tầng vừa được xây mới của Trường THCS Lạc Viên (quận Ngô Quyền), học sinh các lớp hào hứng xếp bàn ghế mới vào phòng, lau chùi bảng, cửa, quét dọn phòng. Em Nguyễn Minh Hùng, học sinh lớp 8 của trường phấn khởi: Từ năm học này, chúng em được dọn lên phòng học mới. Tự tay học sinh dọn phòng, bàn ghế mới từ sáng tới gần trưa, dù mặt và vai áo thấm đẫm mồ hôi, nhưng không hề mệt. Niềm vui của em Minh Hùng cũng là niềm vui của hơn 1 nghìn học sinh Trường THCS Lạc Viên khi trường được thay “áo mới” với 16 phòng được đầu tư gần 17 tỷ đồng. Cùng trên địa bàn quận Ngô Quyền, Trường Mầm non 8-3 cũng đang gấp rút lát và thay gạch nền sân trường, xây cổng, nhà bảo vệ và các bồn hoa, chống thấm dột cho mái bếp ăn rộng 200 m2 phục vụ bữa ăn trưa của cô và trò. Chị Nguyễn Thị Minh có con học lớp 3 tuổi cười tươi kể: Sân trường khá rộng, nhưng trước kia chưa được cải tạo, các cháu hạn chế ra sân chơi. Nay trường được đầu tư mở rộng khuôn viên, bố trí thêm nhiều bồn hoa, cây xanh, đồ chơi tạo sân chơi ngoài trời cho các cháu thêm rộng rãi, sạch sẽ và an toàn.
Tại huyện Thủy Nguyên, nhiều trường đang trong giai đoạn “nước rút” tu sửa, xây phòng học mới từ ngân sách địa phương, nguồn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Trường THCS Dương Quan tập trung xây công trình phụ, sân khấu trường, thay các cửa chính, cửa sổ các phòng học, xây các bồn trồng cây… Hiệu trưởng Nguyễn Minh Kế cho biết: Đây là đợt xây mới và sửa chữa lớn của trường với tổng kinh phí lên gần 3 tỷ đồng. Do, trời mưa liên tiếp, nên nhà trường đề nghị nhà thầu tranh thủ những ngày nắng ráo đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện các hạng mục vào cuối tháng 8. Cũng trên địa bàn huyện, Trường Tiểu học Thủy Đường vừa cải tạo xong vườn hoa, trồng thêm nhiều cây cảnh, tạo độ xanh mát cho sân trường. Đồng thời, trường lắp thêm 2 máy bơm để nhanh chóng thoát ngập nước cho sân trường. Em Nguyễn Minh An, học sinh lớp 3 của trường vui mừng kể, năm học trước, cứ mưa là khu vực bồn hoa và sân trường bị ngập nước, cây cảnh bị chết úng, học sinh phải lội nước. Năm học này, nhìn vườn hoa mới, chúng em hân hoan chờ đón năm học mới.
Trường THCS Dương Quan (huyện Thủy Nguyên) đang gấp rút làm sân khấu trường đón năm học mới.
Có thể thấy, ngoài một số trường xây, sửa lớn, hầu hết trường trên địa bàn thành phố đang khẩn trương quét vôi, trang trí lại, tạo cảnh quan sư phạm thoáng mát, sạch đẹp để đón học sinh vào năm học mới.
Đầu tư xây dựng trường chuẩn
Được biết, hiện nay, các địa phương trên địa bàn thành phố đang tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 – 2015, lộ trình đến năm 2020. Công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp được ngành Giáo dục, các quận, huyện không ngừng quan tâm. Tuy nhiên, hiện, về cơ sở vật chất, các trường mới đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mới đủ phòng học, chưa đạt chuẩn mức độ 2, do diện tích phòng học chưa đáp ứng yêu cầu, các phòng chức năng, nhà đa năng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thủy Đường Nguyễn Thị Kim Dung mong muốn, mặc dù cơ sở vật chất trường được nâng lên, nhưng hiện nay số phòng học của trường chưa đủ do thiếu diện tích, phải mượn 5 phòng của trường THCS liền kề. Vừa qua, HĐND xã ban hành nghị quyết xác định năm 2019, địa phương đầu tư mở rộng trường, xây thêm phòng học cho trường tiểu học. Khi đó, trường mới có điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo quận Ngô Quyền, Trần Thị Hồng Hiệp cho biết: Khác những năm trước, năm nay, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường được tập trung nguồn vốn lớn để xây mới phòng học tại một số trường như THCS Lạc Viên, Lê Hồng Phong, Lý Tự Trọng và Mầm non Đồng Tâm. Cùng với quận Ngô Quyền, vừa qua, quận Lê Chân thực hiện đầu tư trọng điểm đối với cơ sở vật chất một số trường tiểu học như Nguyễn Văn Tố, Dư Hàng… Việc đầu tư tập trung này từng bước hiện đại hóa, đồng bộ hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa. Đây là cách làm hay, các địa phương cần linh hoạt áp dụng góp phần đưa các trường tiến tới đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Để chuẩn bị đón năm học mới, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Giáo dục – Đào tạo ra công văn đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá cơ sở vật chất, thiết bị trường học để điều chỉnh, bố trí, sửa chữa, xây mới phòng học, đáp điều kiện dạy và học trong năm học mới. Trên địa bàn thành phố, ngành Giáo dục – Đào tạo tiếp tục cùng với các địa phương tranh thủ các nguồn lực và đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường học.
Bùi Hương – Báo Hải Phòng 20/8/2018