Kinh tế

Các cơ sở sản xuất rau: Khó hồi phục vì thiếu vốn

Sau bão số 3, phần lớn cơ sở vật chất sản xuất rau ứng dụng kỹ thuật cao đều sập đổ hoàn toàn và dự kiến sẽ phải mất không ít thời gian để khôi phục. Điều này khiến nguồn cung rau trên thị trường bị thiếu hụt, giá các loại rau xanh tăng cao hơn so với mức bình thường. Để phục hồi sản xuất có hiệu quả, nông dân cần những chính sách hỗ trợ đặc thù, nhất là nguồn vốn để duy trì hoạt động.

Không còn rau sạch “made in Hải Phòng”

Theo nhân viên bán hàng của chuỗi cửa hàng nông sản thuộc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, sau bão số 3, các cửa hàng không nhập được các loại rau an toàn, rau hữu cơ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của một số trang trại, cơ sở sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố. Toàn bộ sản phẩm chủ yếu nhập từ các tỉnh, thành phố khác do các cơ sở sản xuất chưa khôi phục hoàn chỉnh cơ sở vật chất để sản xuất.

2 năm gần đây, trang trại rau hữu cơ Chapi ở xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy) được nhiều người dân thành phố biết đến. Trang trại có 32 nhà lưới để sản xuất các loại rau, củ, quả hữu cơ. Hằng ngày, trang trại cung ứng ra thị trường gần 100kg rau, quả. Tuy nhiên, trong cơn bão số 3, trang trại thiệt hại khá nặng với 26 nhà lưới đổ sập hoàn toàn, 6 nhà lưới khác cũng hư hỏng nặng. Theo cán bộ kỹ thuật của trang trại, việc sửa chữa, dựng lại nhà lưới có chi phí đầu tư đến hàng tỷ đồng nên chủ trang trại đang loay hoay tìm nguồn. Hơn nữa, với rau hữu cơ, nếu sửa chữa cơ sở xong để đi vào sản xuất đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn nên chưa thể có sản phẩm cung ứng trên thị trường.

Cơ sở sản xuất rau an toàn quen thuộc được nhiều người tiêu dùng thành phố ưa chuộng đặt mua là Trại thực nghiệm sản xuất và chuyển giao giống nông, lâm nghiệp, thủy sản chất lượng cao của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng. Sau bão số 3 đến nay, cơ sở chưa có sản phẩm cung ứng trên thị trường. Trại trưởng Trại thực nghiệm Vũ Văn Vỹ cho biết, trước bão số 3, trại được thành phố đầu tư mới 3 nhà lưới và đưa vào sản xuất vụ ớt chuông, dưa chuột đầu tiên. Tuy nhiên, trong bão, các nhà lưới đều đổ sập. Hiện, trại đang tìm nguồn để đầu tư sửa chữa, dựng lại một số nhà lưới bị hỏng.

Trang trại rau hữu cơ Chapi ở xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy) bị hư hỏng, đổ sập trong bão số 3.

Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời

Theo phản ánh của các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rau an toàn, rau hữu cơ theo hướng nhà lưới, nhà màng…, việc đầu tư duy trì sản xuất trong điều kiện bình thường cũng gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư lớn, sản phẩm nông nghiệp giá trị thấp nên cần thời gian dài để thu hồi được vốn đầu tư. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thiên tai khiến các cơ sở hầu như mất trắng. Vì vậy, việc hồi phục lại sản xuất càng khó khăn gấp nhiều lần.

Bà Đồng Thị Doanh, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn (huyện Kiến Thụy) cho biết, HTX đầu tư hơn 1.000m² nhà lưới để trồng các loại rau an toàn ở xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy), trước bão số 3, HTX vẫn cung ứng đều đặn sản phẩm cho các bếp ăn tập thể. Nhưng từ khi bão số 3 làm đổ sập toàn bộ nhà lưới, HTX không thể bố trí được nguồn để đầu tư khôi phục lại. Vì vậy, HTX chờ đợi thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ để dựng lại nhà lưới.

Ngay sau bão số 3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí cán bộ khảo sát thực tế các trang trại, cơ sở sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao, nhà màng, nhà lưới để xác định rõ thiệt hại, phối hợp chính quyền địa phương thống kê thiệt hại, hướng dẫn thủ tục giúp các tổ chức, cơ sở sản xuất hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại sau bão. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Gia Khánh thông tin, Sở yêu cầu Trung tâm Khuyến nông; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng bố trí cán bộ khuyến nông viên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các hộ nông dân, chủ trang trại, HTX sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt đề xuất nhu cầu hỗ trợ theo đúng quy định; hướng dẫn các vấn đề liên quan kỹ thuật để các tổ chức, cá nhân sớm khôi phục lại sản xuất…

Tại các huyện, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kịp thời động viên, hướng dẫn các hộ sản xuất rau sạch, rau an toàn tranh thủ các điều kiện để sớm khôi phục lại sản xuất. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương Nguyễn Văn Toản thông tin, Phòng tham mưu UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban huyện cử cán bộ chuyên môn để phối hợp các xã, thị trấn tham gia Hội đồng kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ của hộ sản xuất nông nghiệp, chú trọng các hộ sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao như nhà màng, nhà lưới có thiệt hại lớn; phối hợp Phòng Tài Chính-Kế hoạch tham mưu UBND huyện tổ chức thẩm định, ban hành quyết định hỗ trợ theo thẩm quyền hoặc tổng hợp báo cáo UBND thành phố…

Bài và ảnh: HƯƠNG AN

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

Thiệt hại 1,5ha rừng do cháy rừng tại núi Mã Chàng, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên)

Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…

20/12/2024

Tổng kết và trao giải Báo chí “Vì một Hải Phòng phát triển” năm 2024

Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…

20/12/2024

Trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ thông xe đường Đỗ Mười kéo dài

Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More