Print Thứ hai, 05/08/2024 18:59 Gốc

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do thành phố tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đánh giá: thành công của thành phố Hải Phòng trong thực hiện Nghị quyết chính là đột phá mạnh mẽ toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó là sự đổi mới về cơ sở hạ tầng, nâng cao tính liên kết vùng miền, đổi mới về an sinh xã hội… Đồng thời, các nhà quản  lý, chuyên gia cũng đóng góp nhiều ý kiến với mong muốn thành phố phát triển nhanh, mạnh hơn nữa. Phóng viên Báo Hải Phòng lược ghi một số ý kiến của một số đại biểu dự hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút đào đạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Năm năm qua, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của thành phố Hải Phòng được quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, đạt nhiều kết quả nổi bật như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 86,5%, trong đó, lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 38%, cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, từng bước hoạt động hiệu quả  và đáp ứng cơ bản nhu cầu lao động có kỹ năng nghề của doanh nghiệp trên địa bàn. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,4%, kinh tế tăng trưởng hết sức ấn tượng với 2 con số trong nhiều năm liên tục. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, GDNN của thành phố còn hạn chế như quy mô đào tạo cao đẳng, trung cấp còn nhỏ, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp. Liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp chưa chặt chẽ…

Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 45 đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, trước mắt rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực, đặc biệt xác định nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thành phố và các địa bàn lân cận. Sắp xếp, ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng và triển khai mô hình liên kết giữa các địa phương trong vùng. Tiếp tục tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề, nhất là đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm để kết nối cung- cầu lao động, phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số để xóa bỏ rào cản về thời gian, không gian địa lý.

Về giải pháp lâu dài, Hải Phòng cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách về GDNN nhằm thu hút và đầu tư nâng cao năng lực cho các cơ sở GDNN của thành phố theo hướng hiện đại, xanh; tập trung thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động GDNN và phát triển kỹ năng nghề, chú trọng đào tạo nghề tại nơi làm việc. Khuyến khích các cơ sở GDNN đẩy mạnh triển khai đào tạo các chương trình chất lượng cao và các chương trình chuyển giao từ nước ngoài theo năng lực và nhu cầu sử dụng của địa phương, của vùng. Bên cạnh đó tăng cường công tác chuyển đổi số trong GDNN, chú trọng gắn kết 3 khâu: đào tạo, sử dụng, đãi ngộ. Tiếp tục xây dựng, cập nhật, bổ sung chương trình, đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN, có chính sách ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để thu hút giáo viên, bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch

Tăng tính kết nối vùng, khai thác hiệu quả di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long- quần đảo Cát Bà

Hải Phòng có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch tại Cát Bà, Đồ Sơn khi có địa hình, hang động đẹp, nước biển xanh trong, cảnh sắc tươi đẹp. Đặc biệt Cát Bà còn là khu dự trữ sinh quyển thế giới, là di sản thiên nhiên thế giới cùng với vịnh Hạ Long. Khu vực này vừa có giá trị về cảnh quan, địa chất lịch sử, lại có cả đa dạng sinh học. Các điều kiện về sản phẩm du lịch, đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch thời gian qua đã được thành phố quan tâm, có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, nhất là hạn chế về nhóm sản phẩm du lịch chủ đạo về biển đảo nhưng lại chưa thực sự tạo được nét riêng, gặp khó khăn trong cạnh tranh với sản phẩm du lịch biển của tỉnh bạn Quảng Ninh và một số tỉnh khu vực duyên hải miền Trung.

Để khai thác hiệu quả Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long- quần đảo Cát Bà, Đồ Sơn, trở thành trung tâm du lịch quốc tế, theo tôi Hải Phòng cần liên kết chặt chẽ với Quảng Ninh để tổ chức, quản lý, khai thác di sản phục vụ phát triển du lịch. Đề xuất ban hành và hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư, miễn thị thực cho một số thị trường khách du lịch chính; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt và đẳng cấp dựa trên giá trị danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới; chú trọng xúc tiến quảng bá và khai thác thị trường khách du lịch. Bên cạnh đó, với đặc điểm là di sản thế giới nằm trên 2 địa phương, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam hướng dẫn, hỗ trợ thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác và phát huy di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long- Cát Bà phục vụ phát triển du lịch.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam

Nỗ lực bứt phá, phát huy tiềm năng kinh tế biển

Thành phố Hải Phòng đang là một trong số ít địa phương trong cả nước đi đầu trong quá trình chuyển đổi kinh tế biển “nâu” sang “xanh”, để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố cảng “xanh” thực thụ, cần tổ chức lại không gian biển và ven biển để phát triển biển bền vững. Thành phố cần chú ý đến 4 yếu tố cơ bản là: Phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững; đầu tư cho khoa học biển và tăng cường năng lực công nghiệp trong khai thác, sử dụng biển, đảo của các ngành kinh tế biển chủ chốt; xác lập cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển, đảo, vùng ven biển để giải quyết đồng bộ các mối quan hệ khác nhau trong phát triển và mở rộng hợp tác đa phương và hội nhập quốc tế để phát triển biển và kinh tế biển xanh.

Hải Phòng phải khai thác hiệu quả các “lợi thế tĩnh” với vị thế và tiềm năng vốn có gắn với việc tạo dựng các “lợi thế động” là các cơ chế, chính sách. Quá trình khai thác mảng không gian cần chú ý đến “tính trội”, “tính đa dụng” và “tính liên kết” của các hệ thống tự nhiên và hệ nhân văn nội mảng, ngoại mảng để bảo toàn chức năng thống nhất của các hệ thống và các mảng không gian. Như mảng không gian biển- đảo Cát Bà- Long Châu; dải ven biển và hệ thống cảng- khu kinh tế ven biển Hải Phòng; dải ven biển và đô thị hóa.

Để phát huy hiệu quả, tạo đột phá trong xây dựng một nền kinh tế biển xanh, bền vững, thành phố cần sớm triển khai các hoạt động hỗ trợ chủ yếu như: Xây dựng kế hoạch tổng thể về tầm nhìn dài hạn về khai thác, sử dụng biển, đảo của thành phố; triển khai quy hoạch không gian biển quốc gia theo Luật Quy hoạch 2017; xây dựng và thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ biển; chủ động nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến vùng ven biển, biển, đảo của Hải Phòng; quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm môi trường trước khi đổ ra biển từ nguồn đất liền; bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển…..

Huyền Chi (lược ghi). Ảnh Duy Thính.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Các chuyên gia đóng góp ý kiến cho sự phát triển của thành phố
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác