Print Chủ Nhật, 11/09/2022 14:53 Gốc

Người dân cần sống cách trạm BTS bao nhiêu để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của trạm?

Vấn đề không phải là quy định rõ khoảng cách an toàn mà cần đảm bảo nơi nào có sự có mặt của người dân (trừ cán bộ kỹ thuật) thì nơi đó phải an toàn.

Một trạm BTS trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn về phơi nhiễm sóng điện từ trường và cấp giấy chứng nhận kiểm định thì trạm BTS đó đủ điều kiện hoạt động và đảm bảo an toàn cho người dân.

Hiện nay pháp luật có quy định xử lý như thế nào về việc lắp đặt các trạm BTS không đúng tiêu chuẩn? Người dân cần liên hệ với cơ quan nào để phản ánh về vấn đề này?

Hiện nay, các doanh nghiệp lắp đặt trạm BTS (chính xác là lắp cột anten) theo các hình thức như: lắp đặt trên cột tự đứng độc lập; lắp đặt trên cột cao của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác như phát thanh, truyền hình hoặc lắp đặt trên nóc các công trình xây dựng có sẵn như của nhà dân, cơ quan…vì thế, sẽ không phù hợp thực tế nếu đưa ra quy định cứng về việc lắp đặt trạm BTS. Trên phương diện quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chặt khâu cuối cùng, tức là dù doanh nghiệp lắp đặt trạm BTS ở đâu, theo hình thức nào, thì trước khi đưa trạm BTS vào khai thác, hoạt động phải được kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định để đảm bảo an toàn cho người dân.

Bộ đã hướng dẫn các doanh nghiệp cần căn cứ vào các quy định, nghiên cứu và ban hành Quy trình xây dựng và hoàn thiện trạm thu phát sóng thông tin di động, bao gồm cả việc xử lý khi có các khiếu kiện của người dân.

Trước khi doanh nghiệp đưa trạm BTS vào khai thác, sử dụng thì doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục kiểm định cho trạm BTS đó. Nếu trạm BTS vi phạm quy định về an toàn bức xạ điện từ trường thì doanh nghiệp phải tiến hành khắc phục, trường hợp không thể khắc phục được thì theo quy định doanh nghiệp phải dừng hoạt động trạm BTS này hoặc di dời sang vị trí khác.

Người dân có thể thông qua chính quyền địa phương, phòng văn hóa các quận, huyện để liên hệ với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông quan để phản ánh vấn đề trên. Các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm định an toàn bức xạ điện từ trường là Vụ Khoa học Công nghệ và Cục Viễn thông.

Nếu việc lắp đặt trạm BTS đúng quy định, đúng tiêu chuẩn mà người dân cản trở thì có bị xử lý hay không?

Trong môi trường cạnh tranh như hiện nay, các doanh nghiệp di động thường xuyên phải đầu tư, mở rộng và nâng cấp, tối ưu mạng lưới của mình để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp tốt nhất, qua đó người dân, khách hàng được sử dụng dịch vụ chất lượng tốt với chi phí ngày càng giảm, quyền lợi của khách hàng, của người dân được nâng cao.

Bên cạnh quyền lợi là vấn đề trách nhiệm: trạm BTS là thiết bị mạng viễn thông, là thành phần tạo nên hạ tầng viễn thông. Theo Điều 5 Luật Viễn thông quy định:

Điều 5. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin

  1. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân; trường hợp phát hiện các hành vi phá hoại, xâm phạm cơ sở hạ tầng viễn thông, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi gần nhất.
  2. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông không được gây hại đến môi trường và hoạt động kinh tế – xã hội khác. Tổ chức, cá nhân trong các hoạt động của mình không được gây nhiễu có hại, làm hư hỏng thiết bị công trình, mạng viễn thông, gây hại đến hoạt động của cơ sở hạ tầng viễn thông.
  3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông. Doanh nghiệp viễn thông công cộng, chủ mạng viễn thông dùng riêng, đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông dùng riêng, đại lý dịch vụ viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông có trách nhiệm bảo vệ mạng viễn thông, thiết bị đầu cuối của mình và tham gia bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông công cộng…”

Tại khoản 6 Điều 12 Luật Viễn thông quy định:

Điều 12. Các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông

Cản trở trái pháp luật, gây rối, phá hoại việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.”

Nếu việc lắp đặt trạm BTS đúng quy định, đúng tiêu chuẩn mà người dân cản trở thì hành vi đó có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm. Thí dụ:

– Tại Khoản 3 Điều 42 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 có quy định:  Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi làm hư hỏng đường dây cáp quang, ăng-ten hoặc trang thiết bị của hệ thống truyền dẫn, chuyển mạch và các thiết bị viễn thông khác thuộc mạng viễn thông cố định mặt đất, mạng viễn thông di động mặt đất, mạng viễn thông cố định vệ tinh và di động vệ tinh, mạng thông tin vô tuyến điện hàng hải công cộng, hệ thống máy chủ tên miền quốc gia.

– Khoản 4 Điều 42 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 có quy định: Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng kỹ thuật vô tuyến điện hoặc cản trở trái pháp luật việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vô tuyến điện hợp pháp.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Các câu hỏi và giải đáp về trạm BTS
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác