Print Thứ năm, 15/04/2021 08:35 Gốc

Theo hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến ngày 8-4, cả nước ghi nhận 17.451 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó, có 4 ca tử vong tại các tỉnh: Kiên Giang, An Giang, Long An. So với cùng kỳ năm 2020, số người mắc tay chân miệng tăng 4 lần và gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam.

Xu hướng gia tăng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Sơn, Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) cho biết: Bệnh tay chân miệng ở trẻ em tại Hải Phòng năm nay xuất hiện muộn và ít hơn so với năm 2020. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây, số ca mắc bệnh có xu hướng tăng. Cụ thể, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận 4-5 trẻ vào điều trị do mắc bệnh tay chân miệng (trong đó có 2 trường hợp bệnh chuyển độ, phải theo dõi chặt chẽ, sử dụng một số loại thuốc để giảm tỷ lệ di chứng), chưa kể số trẻ mắc bệnh thể nhẹ, được khám ngoại trú, kê thuốc về điều trị tại nhà.

Trong 2 tuần gần đây, tại Khoa Nhi và Phòng khám nhi (Bệnh viện quốc tế Sản nhi Hải Phòng) hay Khoa Nhi (Bệnh viện quốc tế Green) cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Quang, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện quốc tế Green), trẻ bị bệnh thường mệt mỏi, sốt nhẹ (38-38,5 độ C), đau họng, sổ mũi trong vài ngày, sau đó xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2-3mm) nằm trên nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết loét, đau rát. Mụn nước, bọng nước tiếp tục xuất hiện ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông…

Theo bác sĩ Phan Hồng Hải, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng thành phố), quý 1 năm 2021, toàn thành phố 131 ca bệnh, tăng 12 ca so với cùng kỳ năm 2020. Bệnh đang có xu hướng gia tăng, có khả năng bùng phát thành dịch vào khoảng tháng 4-5, tháng 9-10 theo chu kỳ của bệnh. Về nguyên nhân, theo bác sĩ Hải, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngày 8-3, học sinh trên địa bàn thành phố mới phải quay trở lại trường nên bệnh xuất hiện muộn hơn, nhưng số ca tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Về việc chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mắc bệnh, bác sĩ Hải lý giải, do ý thức phòng bệnh của trẻ chưa cao, chưa thường xuyên rửa tay sát khuẩn, thích ăn chung, cầm nắm đồ chơi chung khiến vi-rút lây từ trẻ bệnh sang trẻ khỏe mạnh qua đường tiêu hóa, không khí.

Bác sĩ Khoa Bệnh Truyền nhiễm (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng) khám trẻ mắc tay chân miệng.

Tăng cường giám sát, phòng, chống dịch bệnh

Trước nguy cơ bệnh tay chân miệng bùng phát thành dịch trên cả nước và thành phố, thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Sở Y tế thành phố Trần Anh Cường yêu cầu các bệnh viện tuyến thành phố, bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện có giường bệnh và các cơ sở khám, chữa bệnh khác lập kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng và khẩn trương thực hiện kế hoạch, không để xảy ra tình trạng người bệnh tử vong. Trong đó, các bệnh viện chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh, bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị các trường hợp trẻ mắc bệnh. Đồng thời, thực hiện thu dung, điều trị người bệnh theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn trong cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế. Mặt khác, tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở, phân tuyến điều trị, tổ chức lọc bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, thực hiện lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức ca mắc bệnh tay chân miệng… Đối với Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, phải tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn các đơn vị trên địa bàn khi có yêu cầu.

Đối với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Sở Y tế yêu cầu theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên cả nước, đánh giá tình hình và nguy cơ dịch bệnh tại địa phương, báo cáo Sở Y tế để ban hành công văn chỉ đạo kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới trong công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, là đầu mối tập hợp báo cáo của các đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng và báo cáo trường hợp bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh; chủ trì và phối hợp Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cùng các đơn vị liên quan tham mưu Sở Y tế để trình UBND thành phố chỉ đạo các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng. Sở Y tế cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện tăng cường công tác giám sát các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh tay chân miệng trên địa bàn, chú trọng các nhà trẻ, trường học… để phát hiện sớm các ca mắc, chùm ca mắc và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, không để lây lan, bùng phát thành dịch; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan, nhất là với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để tổ chức các hoạt động truyền thông tại các trường học, các nhà trẻ, trường mẫu giáo và phối hợp trong công tác giám sát và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn…./.

BÀI VÀ ẢNH: NAM GIANG

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Các bệnh viện, trung tâm Y tế trên địa bàn thành phố: Chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác