Print Chủ Nhật, 14/07/2019 09:46

Là một trong số ba đảo tiền tiêu biệt lập của Tổ Quốc (ngoài Hoàng Sa, Trường Sa), Bạch Long Vỹ luôn nhận được sự quan tâm, yêu thương của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương. Ở đây, mỗi người dân là một chiến sĩ trong công tác gìn giữ bảo vệ phần máu thịt này của Tổ quốc, do đó mọi sự chăm sóc tốt nhất đều được dành cho bà con.

Có mặt tại Bạch Long Vỹ hôm qua, chúng tôi đã cảm động khi được chứng kiến một ca đỡ đẻ đặc biệt với một ekíp phẫu thuật phải vượt sóng 4 giờ từ đất liền vào đảo.

5h sáng 12-7, anh Thịnh (Sn 1954) phóng xe máy đến Trung tâm y tế Quân dân y Bạch Long Vỹ, đằng sau anh là chị Nga (Sn 1984), vợ anh đang ôm bụng kêu đau. Chị Nga có bầu đã gần sinh, mấy ngày hôm nay bị đau bụng dữ dội.

Có mặt tại trung tâm lúc này là giám đốc, bác sĩ Phạm Văn Hải cùng ca trực đã ngay lập tức đưa chị Nga vào khám. Thăm khám kỹ càng, bác sĩ Hải nhận định thai nhi bị dây nhau quấn không thể hấp thụ chất dinh dưỡng, khả năng suy dinh dưỡng cao, còn chị Nga có nguy cơ chảy máu nhiều. 

Ngay lập tức, bác sĩ Hải điện về Sở Y tế thành phố Hải Phòng xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời đề xuất đưa một ekip bác sĩ ra đảo ngay trong ngày để tiến hành phẫu thuật. Nếu để lâu tính mạng của hai mẹ con sẽ gặp nguy hiểm.

Trung tâm y tế Quân dân y Bạch Long Vỹ được thành lập từ năm tháng 7 năm 2016. Trước kia, cả đảo chỉ có một trạm xá của Bộ đội Biên phòng, do số lượng người dân cư trú và tạm trú ngày càng đông, rồi cả ngư dân các tàu cá cập cảng nên UBND TP Hải Phòng, Sở Y tế Hải Phòng đã quyết định thành lập và xây dựng Trung tâm như bây giờ.

Mặc dù là địa chỉ khám chữa bệnh của đại đa số bà con trên đảo và ngư dân nhưng trang thiết bị ở đây vẫn còn sơ sài, mới đủ để làm các xét nghiệm cơ bản, tiến hành tiểu phẫu hoặc sơ cứu vết thương. Trong trường hợp bệnh nặng phải xin tàu trong đất liền ra cấp cứu. Nhưng những lúc sóng to gió lớn, chỉ có tàu hải quân hoặc cảnh sát biển mới ra được đảo.

Ngay sau khi nhận được điện báo từ đảo về, Sở Y tế TP Hải Phòng đã liên hệ với UBND thành phố, lực lượng Cảnh sát biển cùng phối hợp đưa ra giải pháp nhanh nhất và 10h sáng, tàu cứu hộ cứu nạn 2007 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 1 đã nhổ neo thẳng tiến Bạch Long Vỹ. Trên tàu có một ekip phẫu thuật, một ekip hồi sức do giám đốc Bệnh viện phụ sản Hải Phòng, bác sĩ Vũ Văn Tâm làm trưởng đoàn. Tàu cứu hộ cứu nạn của lực lượng Cảnh sát biển là tàu lớn nên thời gian ra đảo được rút ngắn xuống chỉ còn hơn 4 tiếng.

Giám đốc, bác sĩ Vũ Văn Tâm cùng gia đình anh Thịnh đang hoàn tất thủ tục để chuyển mẹ con chị Nga về đất liền.

Nhận được tin tàu rời bến, gia đình anh Thịnh và bà con cũng như các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đều rất vui mừng. Người dân ở đây nói vui rằng, trên đảo này cứ lúc nào có người đẻ là như cả đảo cũng đẻ. Mọi người ở đây như một gia đình, đùm bọc sẻ chia với nhau mọi chuyện vui buồn.

Gia đình anh Thịnh, chị Nga làm nghề tự do. Mười mấy năm trước khi Bạch Long Vỹ còn hoang sơ hai anh chị đã đem lòng yêu thương, quyết định sống chung dưới một mái nhà, và rồi cháu lớn ra đời đến nay đã 15 tuổi, hiện đang học trung học ở Hải Phòng.

Anh Thịnh chia sẻ: “Nếu không có bà con láng giềng, không có bác sĩ Hải, các anh Công an, Bộ đội thì không biết vợ con mình thế nào rồi. Làm nghề biển mà không nương tựa vào bà con chắc không sống mà ngồi đây nữa!”.

Đặc thù là biển đảo xa xôi, diện tích chỉ vỏn vẹn hơn 3 cây số vuông, toàn bộ dân số chưa tới 1000 người, Bạch Long Vỹ như một gia đình lớn. Loanh quanh trên đảo này mới chỉ được 3 ngày nhưng tôi cũng đã quen khá nhiều người. Ai cũng hồ hởi bắt chuyện phóng viên hỏi han tình hình trong đất liền… Tôi có thể cảm nhận rõ sự thân thiện, tình cảm giản dị, chân thành mà họ dành cho người khách lạ qua từng ánh mắt, lời nói.

Trung tâm y tế lúc này bỗng đông hơn ngày thường, chẳng ai bảo ai mỗi người một việc. Nào là lo chuẩn bị quần áo cho gia đình anh Thịnh đề phòng trường hợp phải lên đường vào bờ, nào là chuẩn bị đồ ăn, thức uống… Ngay cả lưới cá của nhà anh Thịnh đang kéo dở cũng được hàng xóm nhiệt tình làm giúp. Ngoài bà con láng giềng, cả Công an huyện, Biên phòng cũng có mặt, túc trực sẵn sàng giúp đỡ gia đình trong mọi trường hợp.

3 giờ chiều, trung tâm y tế như im lìm khác thường, sự sốt ruột đợi chờ làm không khí thêm nặng nề. Mọi người im lặng chờ tin từ cảng phía Bắc. Do tàu 2007 có kích thước lớn, nên không thể cập âu cảng bình thường mà phải tới cảng phía Bắc rồi sau đó tăng-bo bằng ca nô vào bờ. Nhìn thấy đoàn xe từ xa, mọi người reo lên khe khẽ như không muốn làm ảnh hưởng tới chị Nga đang nằm chờ trên bàn mổ.

Cả đoàn bác sĩ gồm 7 người, gấp rút chuẩn bị một cách nhanh nhất để tiến hành phẫu thuật. Cửa phòng mổ khép lại, bà con đứng ngồi không yên, chờ đợi trong âu lo. Sau 20 phút, bác sĩ Tâm là người ra khỏi phòng đầu tiên tới bắt tay chúc mừng anh Thịnh, cháu trai nặng 2,5kg. Tuy nhiên, tình hình sức khoẻ của hai mẹ con vẫn chưa được ổn định, cần phải đưa về bờ ngay để theo dõi tiếp, dù sao trong đất liền điều kiện cũng tốt hơn.

Niềm vui như vỡ oà, mọi người ôm lấy nhau như mừng cho chính gia đình của mình có thêm một thành viên mới. Anh Thịnh rơm rớm nước mắt cảm ơn bà con, các bác sĩ. Tới bắt tay tôi, anh nói: “Anh sẽ ghi nhớ ngày hôm nay, không có anh Tâm và mọi người thì mẹ con cháu không biết sẽ thế nào…”.

Riêng với bác sĩ Tâm, ca mổ này tuy thành công nhưng việc đưa hai mẹ con về đất liền lại là cả một vấn đề làm anh trăn trở vì hôm nay sóng to, đi ca nô tăng bo ra tàu sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe hai mẹ con chị Nga đang còn yếu. Chỉ sau vài phút hội ý với thuyền trưởng, gia đình cùng các bác sĩ quyết định vẫn đưa chị Nga cùng cháu về Hải Phòng.

Đúng 5 giờ chiều, chị Nga được cố định vào cáng, anh Thịnh bế trên tay cháu bé bịn rịn chia tay bà con. Trên xe mọi đồ đạc cần thiết cho gia đình anh đã được chuẩn bị. Mọi việc lúc này chỉ còn biết nhờ cậy vào bác sĩ Tâm cùng mọi người ở bệnh viện.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện – ông Đào Trọng Tuệ cho biết, điều kiện vật chất, trang thiết bị y tế trên đảo tuy còn khó khăn nhưng bù lại là sự đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau của quân và dân nơi đây. Ở đây không có việc riêng, vấn đề của mỗi gia đình đều là việc chung của toàn bộ chính quyền huyện, công an huyện rồi cả lực lượng Biên phòng. Mỗi người một chút, động viên nhau cùng bám trụ biển đảo. Ở nơi biển đảo xa xôi này, tình người là “chiếc neo” vững chãi nhất.

Phong Sơn

Nguồn: Báo CAND

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ca sinh con đặc biệt trên đảo Bạch Long Vỹ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác