Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng. Lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây nhanh, gây thiệt hại lớn, không lây nhiễm và gây bệnh ở người; vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn đang mang bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư…), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị.
Từ ngày 1-2 đến 3-3, DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Các Cục Thú y đã tổ chức lấy 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức.
Để chủ động phòng chống, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký Quyết định số 4527/QĐ-BNN-YT ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP. Đồng thời thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành kiểm tra hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu; nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Cục Thú y, Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tất cả 63 tỉnh, thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm; không thu phí đối với bệnh DTLCP. Chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.
Tổ chức thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP đảm bảo vừa chống được dịch bệnh vừa bảo đảm bảo vệ, phát triển chăn nuôi trách để người dân và cộng đồng hoang mang, đồng thời hướng dẫn, cung cấp tài liệu kỹ thuật về phòng chống bệnh DTLCP. Đồng thời kêu gọi, huy động các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng
Phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng, Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Tùng cho biết: Qua kết quả xét nghiệm, bệnh DTLCP đã xuất hiện đầu tiên vào ngày 22-2-2019 tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên. Đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 69 hộ, 17 thôn, 9 xã thuộc 3 huyện: Thủy Nguyên, Tiên Lãng và An Dương. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy là 1.298 con. Thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP; cấp kinh phí 4 tỷ đồng mua hóa chất bổ sung tiêu độc, khử trùng và hỗ trợ cho các hộ gia đình.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cũng kiến nghị Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính điều chỉnh, sửa đổi cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy và nâng mức hỗ trợ nhân lực làm công tác phòng, chống dịch…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các tổ chức quốc tế, lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương chủ động quyết liệt thực hiện các biện pháp để ngăn chặn bệnh DTLCP không lan rộng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm chủ động, kịp thời, quyết liệt ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh DTLCP ra phạm vi rộng làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, vệ sinh môi trường.
Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán thực hiện nghiêm túc “5 Không” theo quy định của Luật Thú y.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có mức đền bù thỏa đáng đối với người chăn nuôi bị tiêu hủy đàn lợn với mức tối thiểu 80% giá trị trường. Riêng đối với lợn nái và lợn giống, mức đền bù lên 1,8 lần. Ngoài ra việc đền bù còn áp dụng với lợn bị dịch lở mồm long móng và tai xanh để người dân có lợn bệnh không giấu dịch. Trong công tác giám sát đền bù, các ngành chức năng phải bảo đảm tính chính xác, công bằng, minh bạch cho người chăn nuôi bị thiệt hại.
Sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện tập trung vào công tác phòng, chống dịch.
Trong đó phải tập trung cả hệ thống chính trị vào công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động liên hệ với các quận, huyện để lấy mẫu dịch bệnh; tổ chức tiêu hủy trong vòng 12 giờ ngay nếu có kết luận kiểm tra dương tính; các chốt kiểm soát phải nghiêm túc, tăng cường công tác kiểm tra; phải chú ý công tác khử trùng tiêu độc.
Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các cơ quan báo chí cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh bệnh dịch không lây lan từ người sang gia súc. Ngành Nông nghiệp quan tâm, nắm bắt tình hình thực tế để tham mưu kịp thời cho UBND TP để có chỉ đạo kịp thời.
Bùi Hạnh
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII…
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Trung ương tập trung cho ý kiến vào…
UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và…
Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Tổng cục Hải quan mới có Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cục Điều tra…
Tối 23-11, chung kết Nam vương Thế giới - Mr World 2024 diễn ra tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More