Hải Phòng vốn là đô thị cũ, hình thành từ thời Pháp thuộc. Qua biến động của lịch sử, chiến tranh tàn phá và bất cập trong quy hoạch, quản lý,… khiến nhiều năm đô thị Hải Phòng như chìm vào “giấc ngủ đông”. Nhưng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), đô thị Hải Phòng đã có bước phát triển mới, với vai trò là thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại, đô thị trung tâm cấp quốc gia. Không gian đô thị được mở rộng với việc thành lập mới ba quận Hải An, Đồ Sơn và Dương Kinh; tổng diện tích đất đô thị tăng gần năm lần (từ 2.748 ha lên 13.743 ha); tỷ lệ dân đô thị tăng lên gần một triệu người, chiếm gần 50% tổng dân số. Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, cùng với hình thành đô thị mới hiện đại, thành phố quan tâm và dành nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ. Đây là vấn đề quan trọng, quyết định sự đổi thay bộ mặt đô thị thành phố vốn được xây dựng lâu đời, qua nhiều năm chưa được chỉnh trang. Đồng thời cũng là dịp để khắc phục những yếu kém trong quản lý đô thị trước đó khiến cảnh quan đô thị nhếch nhác.
Vài năm trở lại đây, vấn đề cải tạo, chỉnh trang đô thị luôn được đặt trong chương trình nghị sự của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Một loạt dự án hướng tới mục tiêu này được hình thành. Thành phố lựa chọn từng dự án theo mức độ cấp thiết và điều kiện thực tế để chỉ đạo triển khai. Lãnh đạo thành phố đi khảo sát thực tế từng dự án cụ thể, lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, lên kế hoạch dựa trên nguồn lực hiện có và đóng góp của nhân dân, nhất là những người dân chịu tác động của dự án. Nhiều quyết sách táo bạo, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân và cộng đồng được khởi động. Ý Đảng hợp với lòng dân chính là động lực quan trọng khiến các dự án chỉnh trang đô thị của Hải Phòng triển khai nhanh và sôi động. Từ việc nhỏ đến các dự án lớn đều được triển khai quyết liệt với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng từ thành phố tới quận, phường. Các điểm trông giữ xe, quán ka-ra-ô-kê, quán bia,… tạm bợ, mất mỹ quan chung quanh khu vực Nhà Triển lãm và Mỹ thuật, Cung văn hóa Lao động hữu nghị Việt Tiệp, Cung Thanh niên,… đều nhanh chóng được “dọn” sạch. Thành phố kiên quyết yêu cầu các đơn vị chủ quản thanh lý toàn bộ hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh, “biến” thành công viên cây xanh, vườn hoa. Dự án công viên Rồng Biển sau nhiều năm giao cho doanh nghiệp nằm “bất động”, vườn hoa Kim Đồng bị chia năm sẻ bảy thuê dựng trò chơi, kinh doanh lộn xộn,… đã được dời xuống hồ An Biên và cải tạo, trồng cây xanh, trả lại đúng tên gọi của nó. Đại diện Sở Xây dựng TP Hải Phòng cho hay, trong 5 năm qua, hệ thống công viên cây xanh, thảm cỏ được cải tạo và phát triển thêm được hơn 100 nghìn m2. Những “lá phổi xanh” này không chỉ góp phần chỉnh trang đô thị, mà còn cải thiện đáng kể điều kiện sống của người dân thành phố cảng.
Mạnh mẽ hơn, Hải Phòng giải tỏa toàn bộ bến xe Tam Bạc và các cơ sở y tế cũ nát, cùng những dãy nhà dân lộn xộn, nhếch nhác ven sông Tam Bạc hình thành một dải công viên, cây xanh chạy giữa thành phố suốt từ cầu đường sắt Tam Bạc đến cổng cảng Hoàng Diệu ven sông Cấm. Dự án cải tạo, chỉnh trang hai bên sông Tam Bạc từ cầu Tam Bạc đến cầu Lạc Long không chỉ góp phần đổi thay diện mạo đô thị cũ Hải Phòng, mà còn là sự “đổi đời” của hàng trăm hộ dân nghèo các xóm lao động hai bên bờ sông. Ông Nguyễn Thế Bình, người từng mấy chục năm gắn bó với xóm nghèo Hạ Lý ven bờ Tam Bạc vừa từ nước ngoài trở về sau hai năm xa quê không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh quan đổi thay ngoạn mục. Phố Tam Bạc rêu phong cũ nát, cùng dãy chợ rau quả tự phát phố Lý Thường Kiệt thuở nào đã biến mất hoàn toàn, thay bằng tuyến phố đi bộ vỉa hè rộng rãi, trồng hàng loạt cây bóng mát. Sông Tam Bạc ngày nào đầy bùn rác, chất thải xây dựng, nhiều đoạn cạn trơ đáy, lau sậy mọc um tùm đã được nạo vét, xây kè chắc chắn. Mỗi chiều buông, trong ánh điện lung linh, người dân thành phố thảnh thơi tản bộ, ngắm từng đàn thiên nga trắng tung tăng bơi lội. Khu nhà xiêu vẹo, lụp xụp phía bờ Hạ Lý đã được thay thế bằng những dãy nhà xây mới hiện đại nhờ tái định cư tại chỗ khi mở mang tuyến đường ven sông.
Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ nát không chỉ góp phần nâng cấp đô thị Hải Phòng khang trang, mà còn là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc chăm lo, nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là người nghèo và các gia đình chính sách. Hơn 8.000 hộ dân sinh sống trong các chung cư cũ chủ yếu là người nghèo, kinh tế khó khăn, trong số đó có nhiều gia đình diện chính sách. Sở Xây dựng cùng các ngành liên quan đã nhanh chóng kiểm định, đánh giá chất lượng 205 chung cư cũ; lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa 27 chung cư và xây dựng 18 tòa chung cư mới, thay thế các chung cư xuống cấp nghiêm trọng phải phá dỡ. Khởi đầu là việc phá bỏ các chung cư cũ tại U19 Lam Sơn (quận Lê Chân) và U1, U2 và U3 Lê Lợi (quận Ngô Quyền). Hàng trăm hộ dân ở các chung cư cũ nát phải di dời, phức tạp nhất là các căn hộ phần lớn lại đa sở hữu, có hộ ở diện nhà đã được thanh lý, có hộ ở nhà thuộc sở hữu nhà nước, thuê của công ty kinh doanh nhà,… Giám đốc Sở Xây dựng Phùng Văn Thanh nhận định, việc tạo cơ chế để bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và tuân thủ quy định pháp luật không hề dễ dàng. Cơ chế được đưa ra trên cơ sở đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. Chủ trương đúng, cơ chế phù hợp, cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân đã biến quyết tâm thành hiện thực. Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước về triển khai xóa bỏ chung cư cũ. Chỉ sau hơn một năm, người dân lại dọn về khu chung cư mới khang trang, sạch sẽ, khép kín và đều có diện tích rộng hơn trước đó. Hai dãy nhà sáu tầng N1, N2 Lê Lợi (xây dựng trên nền ba dãy nhà U1, U2, U3) còn được lắp cầu thang máy, mở ngõ rộng ô-tô ra vào được, cùng hàng trăm mét vuông được dành làm sân chơi, trồng cây xanh. Nhiều nhà dân kề sát các dãy nhà chung cư cũ giờ đây đã nhìn thấy ánh mặt trời mỗi khi thức dậy – điều trước đây không thể có. Sau khi hoàn thành hai khu chung cư Lam Sơn và N1, N2 Lê Lợi, thành phố tiếp tục triển khai xây dựng bốn tòa nhà chung cư 29 tầng từ HH1 đến HH4 Đồng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) với gần 2.500 căn hộ thay thế cho cả chục dãy nhà tập thể cũ nát, những diện tích còn lại sẽ được bố trí thành các công trình công cộng tiện ích phục vụ cuộc sống người dân. Hai tòa nhà HH3, HH4 đang gấp rút hoàn thiện, phấn đấu hoàn thành cuối năm nay.
Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu, đến năm 2025, TP Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt các tiêu chí đô thị loại I, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; năm 2030, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông – Nam Á, cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng Phùng Văn Thanh cho rằng, cải tạo chung cư cũ, nâng cấp và mở mang thêm công viên, diện tích cây xanh chỉ là một phần việc của chỉnh trang đô thị. Để đạt các tiêu chí phát triển hiện đại, thông minh, việc nâng cấp, cải tạo các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như giao thông, điện, nước, thoát nước, viễn thông, chiếu sáng, môi trường và cả ý thức của người dân đô thị,… cũng phải được xây dựng và nâng cấp một cách đồng bộ. Thời gian qua, tốc độ chỉnh trang đô thị cũ của Hải Phòng vẫn còn chậm so với yêu cầu phát triển. Nhưng với kết quả bước đầu đáng khích lệ và sự quyết tâm cao của thành phố, sự đồng lòng và ủng hộ tích cực của nhân dân, việc xây dựng, chỉnh trang, hướng tới đô thị xanh, văn minh, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị sẽ sớm trở thành hiện thực trên thành phố cảng.
NGÔ QUANG DŨNG
Sáng 15/11, Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai Quyết…
Ngày 15/11, thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, từ ngày 15/01/2025, giá…
Sáng 15/11, tại trụ sở UBND xã Thủy Sơn (huyện Thủy Nguyên), đồng chí Phạm…
Sáng 15/11, UBND quận Hải An tổ chức Hội nghị Biểu dương phong trào thi…
Ngày 14/11, Đoàn thẩm định số 40, 53 thuộc Ban tổ chức Giải Sao vàng…
Tối 14/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More