Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong phiên khai mạc Đại hội Đảng sáng 26/1 đã nhấn mạnh ”chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số”.
Đó là một trong các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới. Tổng bí thư nói tiếp, cần đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chuyển động tích cực
Dự thảo báo cáo chính trị và dự thảo báo cáo kinh tế đều đặt ra mục tiêu kinh tế số đạt khoảng 20% GDP trong giai đoạn 2021-2025 và đạt khoảng 30% GDP đến 2030. Đó là các chỉ tiêu rất cao.
Phải công nhận rằng, chưa bao giờ yêu cầu về xây dựng kinh tế số lại được nhấn mạnh như vậy trong định hướng phát triển chiến lược của quốc gia như lần này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi hoạt động thường nhật của loài người.
Trên thực tế, xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế, trong các doanh nghiệp và người dân đã bắt đầu từ mấy năm gần đây, đặc biệt là sau khi ban hành nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cơ cấu thị trường toàn cầu và khu vực, đặc biệt thúc đẩy doanh nghiệp tiến hành triệt để hơn quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số. Chính phủ cũng đã có những chuyển động tích cực để chuyển sang Chính phủ số, bảo đảm tương thích với nỗ lực của doanh nghiệp.
Tháng 6/2020, Thủ tướng đã phê duyệt quyết định số 749/QĐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Trong mấy năm ngắn ngủi vừa qua, Việt Nam đã đạt được những dấu mốc quan trọng trong quá trình thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển mạng 5G. Việt Nam trở nên nổi bật vì ‘tiến bộ kỹ thuật số‘ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo đánh giá của GSMA Intelligence.
Với tốc độ trung bình đạt 27% trong giai đoạn 2015-2020, Google, Temasek và Brain&Company đánh giá Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, quy mô kinh tế số ước đạt 14 tỷ USD trong năm 2020.
Nắm bắt cơ hội
Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng Internet của người dân Việt Nam bùng nổ. Tất cả các ngành đều tăng trưởng mạnh so với năm trước: thương mại điện tử tăng 46%, truyền thông trực tuyến tăng 18%… Đầu tư vào lĩnh vực Internet năm vừa rồi cũng bùng nổ, đến 151 giao dịch với giá trị là 935 triệu USD.
Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế, giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Mô hình Chính phủ điện tử được xây dựng và phát triển rất nhanh chóng, trong đó có kết nối các dịch vụ vào Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đã có 7/12 Bộ hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; trên 99% doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện kê khai thuế, nộp thuế điện tử.
Bên cạnh đó là một loạt dịch vụ, cơ chế thử nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp trên nền tảng số, như cơ chế xử lý tranh chấp trực tuyến v.v…
Những kết quả sơ bộ đó phải nói là rất phấn khởi, hứa hẹn bước chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và thực chất hơn ở đất nước này.
Đại dịch với hệ lụy là các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn cầu ảnh hưởng rất nghiêm trọng, chưa từng có trong nhiều thập kỷ, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái, hậu quả kéo dài nhiều năm.
Tuy nhiên, đại dịch cũng trực tiếp tạo cơ hội to lớn trong thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi số. Khoa học, công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số trở thành một trong những xu hướng phát triển chủ yếu của thời đại.
Việt Nam sẽ bứt phá, vươn lên khi chúng ta thực sự nắm bắt được cơ hội này, bắt kịp xu hướng này.
Lan Anh