Vụ mùa 2022, Hải Phòng triển khai hàng loạt mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, năng suất không thua kém phân vô cơ.
Ngày 7/10, Sở NN-PTNT Hải Phòng phối hợp với Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm (Biotech Quế Lâm) tổ chức hội nghị tổng kết mô hình sử dụng phân bón Quế Lâm cho cây lúa.
Vụ mùa năm 2022, Biotech Quế Lâm phối hợp với hệ thống đại lý các cấp của Hải Phòng xây dựng một số ô mẫu sử dụng phân bón Quế Lâm cho cây lúa tại huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng.
Trong đó, tại huyện Tiên Lãng đã xây dựng 1 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại hộ ông Phạm văn Vinh ở xóm Lợi Dương, xã Quang Phục với diện tích 6 sào, giống lúa nếp A Sào.
Tại huyện Vĩnh Bảo, đã xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ tại hộ ông Nguyễn Xuân Dáng, xóm Đồng Tiến, xã Đồng Minh, diện tích 3,5 sào, giống nếp A Sào và 3 sào giống lúa BC15 tại hộ ông Trịnh Công Thuần, xóm Lăng Đông, xã Vĩnh An.
Song song với đó, Biotech Quế Lâm cũng xây dựng 2 mô hình sử dụng phân bón NPK Quế Lâm cũng tại 2 hộ trên theo tiêu chí cùng giống, đồng diện tích, cùng ruộng để so sánh với phân hữu cơ-sinh học-đa lượng.
Ngoài ra, Biotech Quế Lâm cũng phối hợp với một số HTX xây dựng những cánh đồng sử dụng phân bón NPK Quế Lâm tại huyện Vĩnh Bảo như: Tại xã Vinh Quang 10ha, xã Hưng Nhân 9ha, xã Vĩnh Phong 10ha, Tiền Phong 18ha, Cộng Hiền 3,7ha, Thanh Lương 37ha, Tân Hưng 18ha, Dũng Tiến 4.8ha, Vĩnh An 12ha…
Quá trình triển khai, rút kinh nghiệm ở một số nơi đã thực hiện trước đây khi chuyển ngay từ phương thức canh tác vô cơ sang canh tác hữu cơ khiến nông dân chưa chuyển đổi kịp về nhận thức và tư duy nên ngại làm và dễ làm sai, vì vậy phía doanh nghiệp đã hỗ trợ người dân chuyển đổi từ từ, có bước đệm là sản xuất theo hướng hữu cơ từ 1 đến 2 vụ, sau đó nếu có đủ điều kiện sẽ chuyển sang sản xuất hữu cơ.
Để phù hợp với điều kiện vụ mùa sâ, bệnh hại nhiều, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa bão thất thường, Biotech Quế Lâm đã tư vấn cho người dân không đầu tư thâm canh cao để đạt năng suất tối đa mà cân đối dinh dưỡng để cây lúa cứng cây, đanh dảnh, bộ lá gọn, năng suất đạt mức trung bình khá.
Đến nay, qua theo dõi, các hộ tham gia mô hình đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật đã đề ra về phân bón, trong từng thời kỳ cây lúa sinh trưởng phát triển tốt. Qua kiểm tra đánh giá đồng ruộng giai đoạn trước thu hoạch 7-10 ngày, dự kiến năng suất thóc tươi đạt khoảng 200-220kg/sào (360m²).
Ông Trần Bá Thiệp, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo) cho biết, qua theo dõi, đánh giá của người dân, giống lúa nếp A Sào phát triển tốt, đẻ nhánh tập trung, bộ lá xanh, cây cứng và hạn chế sâu bệnh khi được bón phân NPK Quế Lâm.
Người dân khá phấn khởi, tin tưởng và có nguyện vọng tiếp tục được liên kết với các đơn vị để mở rộng mô hình sản xuất.
“Theo người dân, phân bón này có nhiều ưu điểm, tuy nhiên cũng có hạn chế là so với các nguồn phân bón trước đây đã dùng thì lượng phân bón hơi cao, thời gian chiếm nhiều, do đó cần được hỗ trợ khoa học kỹ thuật để đảm bảo năng suất, ít tốn kém”, ông Thiệp cho hay.
Hải Phòng hiện tại có hơn 55.000ha đất trồng lúa và 78.000ha diện tích trồng cây hàng năm, lượng phân bón cho số diện tích này hàng năm hơn 100.000 tấn các loại.
Theo kết quả khảo sát mới nhất, trong hơn 200 loại phân bón khác nhau đang được phân phối tại Hải Phòng, trong đó phân bón vô cơ chiếm trên 90%.
Về xu thế tương lai, khi sản xuất nông nghiệp hướng đến hữu cơ thì phân bón hữu cơ là lựa chọn không thể thiếu của người dân.
Ông Nguyễn Văn Bốn, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm cho biết, bộ phân bón hữu cơ-sinh học-đa lượng với liều lượng sử dụng 42kg/sào (1.167kg/ha) cơ bản là phù hợp với canh tác vụ mùa.
Lượng bón trên đơn vị diện tích và phân dạng viên có thể đáp ứng được yêu cầu của các hộ có diện tích canh tác lớn, sử dụng máy công cụ.
Với liều lượng dinh dưỡng trong phân hữu cơ-sinh học-đa lượng được cân bằng giữa hữu cơ và vô cơ, giúp cây lúa sinh trưởng khỏe, cứng cây, đanh dảnh, hạn chế được sâu bệnh nhưng vẫn đạt được năng suất ở mức trung bình khá.
Với mức đầu tư 42kg/sào, mỗi vụ, ngoài dinh dưỡng đa lượng để nuôi cây lúa, phân còn được bổ sung vào trong đất 14,1kg OM (tổng hàm lượng hữu cơ)/sào. Nếu duy trì canh tác theo hướng hữu cơ lâu dài, độ mùn trong đất lúa sẽ được cãi thiện rõ rệt, góp phần giảm dần được lượng phân bón vô cơ, tác động tốt đến bảo vệ môi trường.
“Sau khi Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm triển khai mô hình, qua đánh giá cho thấy có nhiều lợi ích vượt trội, lại có thể bảo vệ môi trường, bảo vệ độ phì nhiêu trong đất. Đề nghị doanh nghiệp có nhiều chương trình hoạt động đa dạng, phù hợp với tập quán canh tác của người dân và có cơ chế tạo điều kiện cho nông dân trả chậm cũng như xây dựng nhiều mô hình tốt hơn nữa trên địa bàn”, ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết.
ĐINH MƯỜI/Nông nghiệp Việt Nam