Print Thứ bảy, 07/09/2019 08:02

Bộ VHTTDL nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 248/BDN ngày 15/7/2019.

*Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh như sau: Đề nghị có hướng dẫn và thống nhất về mẫu của lịch trình đoàn khách (trong thực tiễn quản lý tại Quảng Ninh, khi kiểm tra việc chấp hành của doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên du lịch, một số doanh nghiệp và hướng dẫn viên chưa chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước về xây dựng lịch trình, chương trình du lịch; khi địa phương kiểm soát chất lượng dịch vụ đã đưa ra chương trình du lịch không đầy đủ các thông tin, đặc biệt là thông tin về chất lượng, dịch vụ không đúng gây khó khăn cho cơ quan kiểm tra, quản lý)

*Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời về nội dung kiến nghị của cử tri như sau:

Theo quy định tại khoản 8, Điều 3 Luật Du lịch năm 2017, chương trình du lịch là văn bản thể hiện lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi của khách du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi. Các nội dung về số lượng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ… đã được quy định tại khoản 3 Điều 39 Luật Du lịch năm 2017 về Hợp đồng lữ hành (Hợp đồng lữ hành là sự thỏa thuận việc thực hiện chương trình du lịch giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với doanh nghiệp, khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch).

*Nội dung kiến nghị của cử tri Tp. Hải Phòng như sau: Đề nghị đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở; khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư; quan tâm việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng; hỗ trợ kinh phí xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, có chế tài mạnh hơn nữa để xử lý triệt để các hoạt động núp bóng văn hóa, tín ngưỡng, du lịch tâm linh để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan

*Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời về nội dung kiến nghị:

“Có chế tài mạnh hơn nữa để xử lý hoạt động núp bóng văn hóa, tín ngưỡng, du lịch tâm linh để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan”. Về nội dung kiến nghị của cử tri, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản và chế tài xử lý đối với cáchoạt động núp bóng văn hóa tín ngưỡng để trục lợi như:

– Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về “tội hành nghề mê tín, dị đoan”.

– Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 5, Mục 5 Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi; Điều 15 vi phạm quy định về nếp sống văn hóa).

– Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (điểm a, khoản 2, Điều 15 quy định xử phạt hành vi vi phạm về nếp sống văn hóa như: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi).

– Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản đối với việc “đăng, phát thông tin truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan” (Điều 320)…

Tuy nhiên, các hoạt động lợi dụng này đa dạng và liên tục xuất hiện các yếu tố mới, khó nắm bắt, nên việc xử lý còn gặp khó khăn. Đến nay pháp luật chưa có định nghĩa rõ ràng về du lịch tâm linh. Tuy nhiên, du lịch tâm linh có thể được hiểu là một loại hình du lịch, thuộc về du lịch văn hóa, tín ngưỡng, di sản, lễ hội, lịch sử. Khách đến các đền, chùa, nhà thờ… để tham quan di tích, khám phá lịch sử văn hóa, lễ hội, thực hành các tín ngưỡng tâm linh. Nội dung quản lý các khu du lịch đã được quy định tại Luật Du lịch 2017. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các chỉ thị nâng cao vai trò quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến như: Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương từ cấp xã trở lên, quy định thiết lập trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng hỗ trợ du khách. Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Đồng thời, Bộ VHTTDL đã góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, đề nghị có chế tài đủ mạnh để xử lý các hoạt động núp bóng văn hóa, tín ngưỡng, du lịch tâm linh để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan.

Nguồn: bvhttdl.gov.vn

Nguồn. Báo Du lịch

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bộ VHTTDL trả lời kiến nghị của cử tri về những nội dung liên quan đến lĩnh vực du lịch
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác