Báo Du lịch trích đăng nội dung trả lời kiến nghị cử tri các tỉnh, thành của Bộ VHTTDL liên quan đến lĩnh vực du lịch.
* Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam: Cử tri huyện Nam Trà My đề nghị có cơ chế hỗ trợ các địa phương phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nhất là phát triển du lịch gắn với phát triển cây trồng dược liệu, du lịch gắn với Khu căn cứ cách mạng nước Là, huyện Nam Trà My.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời về nội dung kiến nghị của cử tri như sau:
Về đề nghị có cơ chế hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng: Việc xây dựng Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn huyện/tỉnh là cần thiết và phù hợp với Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều tổ chức các chương trình khảo sát phát triển sản phẩm du lịch tại các địa phương. Năm 2019, Bộ đã phối hợp với Sở Du lịch Quảng Nam tổ chức đoàn khảo sát gồm các chuyên gia trong ngành và các doanh nghiệp lữ hành khảo sát hiện trạng, đề xuất hướng đầu tư phát triển các sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Các hoạt động cụ thể tiếp theo sẽ do Sở Du lịch phối hợp với các huyện triển khai. Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 75 Luật Du lịch năm 2017, việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết theo quy định.
Đối với việc phát triển du lịch gắn với phát triển cây trồng dược liệu, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Đề án “Phát triển các loại hình dịch vụ y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch” và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các nghiên cứu nhằm phát triển cây dược liệu phục vụ y tế và du lịch. Các đề án, nhiệm vụ này sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ công bố để các địa phương có cơ sở phát triển sản phẩm phù hợp.
* Nội dung kiến nghị của cử tri Tp. Hải Phòng: Quần thể di tích lịch sử Bạch Đằng Giang bao gồm: quần thể các bãi cọc Bạch Đằng năm 938, năm 981, năm 1288 và các di tích lịch sử liên quan tới các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc trên dòng sông Bạch Đằng đã được thành phố và Trung ương công nhận là các di tích lịch sử. Cử tri đề nghị các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ thành phố Hải Phòng sớm xây dựng Đề án trình Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để công nhận quần thể các di tích trên là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, tiến tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới (nếu đủ điều kiện).
Cử tri cho rằng, để phát huy hiệu quả của tuyến cáp treo 03 dây đã đầu tư, tiếp tục triển khai các dự án du lịch, khu vui chơi giải trí nhằm mục tiêu xây dựng Cát Bà trở thành trung tâm du lịch quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị thì cần phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu vực đảo Cát Hải và đảo Cát Bà. Hiện nay, thành phố Hải Phòng và Tập đoàn SunGroup đã hoàn thành việc lập Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đề nghị các Bộ ngành sớm xem xét, thẩm định hồ sơ Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu vực đảo Cát Hải và đảo Cát Bà để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời về nội dung kiến nghị của cử tri như sau:
Về đề nghị hỗ trợ thành phố Hải Phòng sớm xây dựng Đề án công nhận quần thể di tích lịch sử Bạch Đằng Giang là Di tích quốc gia đặc biệt: Ngày 22/11/2019, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 4137/BVHTTDL-DSVH cho phép Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Từ kết quả khai quật, báo cáo sơ bộ, các nhà khảo cổ bước đầu cho rằng khu vực khai quật khảo cổ bãi cọc Cao Quỳ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần; đồng thời kiến nghị: “Diện tích khai quật không lớn đối với loại hình di tích chiến trường, nhiều vấn đề về quy mô, cấu trúc, kỹ thuật đóng/chôn cọc chưa được làm sáng tỏ… do vậy trong thời gian tới, cần tiếp tục khảo sát và xây dựng kế hoạch khai quật mở rộng, nghiên cứu tổng thể ở đây” và “Mở rộng điều tra khảo sát ra những khu vực xung quanh để có cái nhìn đầy đủ hơn về địa hình cảnh quan môi trường cổ, diễn trình phát hiện của vùng đất này”. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thấy rằng, việc tiếp tục khai quật, nghiên cứu tổng thể để làm rõ các vấn đề về khoa học là cần thiết. Trước mắt, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cần mở rộng phạm vi thám sát, nghiên cứu, bảo vệ các hiện vật đã xuất lộ, xem xét xếp hạng di tích cấp thành phố đối với bãi cọc Cao Quỳ để khoanh vùng bảo vệ. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tổng thể và đề nghị của thành phố Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu, đồng thời lấy ý kiến của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về chủ trương lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Về đề nghị xem xét, thẩm định hồ sơ Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu vực đảo Cát Hải và đảo Cát Bà, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được Công văn số 3430/BXD-QHKT ngày 16/7/2020 của Bộ Xây dựng về việc xin ý kiến Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch khu vực đảo Cát Hải và đảo Cát Bà trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Bộ đang chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp nghiên cứu, góp ý kiến thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ đối với Đồ án Quy hoạch này.
* Nội dung kiến nghị của cử tri Tp. Hà Nội như sau: Cử tri đề nghị nghiên cứu xây dựng tuyến du lịch bằng đường thủy dọc tuyến sông Hồng để du khách được tham quan các di tích văn hóa, lịch sử, các làng nghề truyền thống, khu nghỉ dưỡng ven sông qua địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đường sông trên sông Hồng đoạn Hà Nội – Hưng Yên để khai thác các giá trị phong cảnh đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, với những di tích lịch sử có giá trị, truyền thống văn hóa đặc sắc, thuần Việt, làm phong phú hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam nói chung, Hà Nội và Hưng Yên nói riêng. Tuy nhiên, do còn hạn chế về cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, trên tàu du lịch và tại các điểm tham quan chưa có nhiều hoạt động, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch… Do đó, sản phẩm du lịch đường sông dọc sông Hồng tuyến Hà Nội – Hưng Yên vẫn chưa thực sự hấp dẫn đối với du khách. Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương dọc tuyến đường sông như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đường sông phù hợp phục vụ khách du lịch.
PV
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More