Cử tri cho rằng hiện nay các thế lực thù địch, chống cộng cực đoan… lợi dụng các mạng xã hội nói xấu, bội nhọ Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây mất đoàn kết, chia rẽ Nhân dân với Đảng diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm chúng ta chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đề nghị Chính phủ có giải pháp mạnh, đồng bộ để phòng, chống hiện tượng này, đặc biệt cần xây dựng một cơ quan có đầy đủ năng lực thực hiện phản biện lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch ngay trên các mạng xã hội, không gian mạng.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:
1. Tình hình triển khai thực hiện:
1.1. Các biện pháp, giải pháp đã thực hiện:
– Trong những năm qua, Bộ TTTT đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, Apple) tuân thủ pháp luật Việt Nam, kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin xấu, độc hại; thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
– Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm. Xử lý nghiêm các đối tượng trong nước phát tán thông tin giả mạo; nội dung thông tin xuyên tạc chủ trương, đường lối và phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin lừa đảo, không đúng sự thật gây hoang mang trong xã hội.
– Triển khai xây dựng Đề án hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam phát triển với một số dịch vụ trọng tâm để dần thay thế được các nền tảng của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.
– Tăng cường công tác tuyên truyền để từng người sử dụng Internet trong nước đề cao ý thức, biết sàng lọc, cảnh giác với các nội dung thông tin xấu độc, phản cảm, thông tin vi phạm pháp luật.
– Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP nhằm hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.
1.2. Kết quả:
* Đối với Facebook: Tính đến ngày 10/11/2020, theo yêu cầu của Bộ TTTT, Facebook đã ngăn chặn, gỡ 290 tài khoản giả mạo cá nhân, tổ chức tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam. Đã chặn, gỡ 3.948 bài viết (trong đó năm 2020 Facebook đã gỡ 2.311 bài viết, tăng 400% so với cả năm 2019, tỷ lệ gỡ, chặn 95%), 154 fanpage đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
* Đối với Google: Tính đến ngày 10/11/2020, YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ: 29.009 video clip vi phạm, gỡ bỏ 24 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước với hàng nghìn video mỗi kênh, tỷ lệ gỡ chặn 87%.
Tổng số website/blog xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam do Bộ TTTT chủ động chặn kỹ thuật trên không gian mạng là 1.714 với hàng chục ngàn bài viết.
* Về xử lý vi phạm hành chính: Từ đầu năm 2020 đến 20/10/2020, Bộ TTTT, Sở TTTT các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương đã xử lý các trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật trên môi trường mạng (trừ báo chí điện tử):
+ 26 vụ việc nhắc nhở.
+ 45 vụ việc xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền là 323.500.000 VNĐ.
– Đối với công tác tuyên truyền, trong những tháng vừa qua, Bộ TTTT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ động cung cấp thông tin, định hướng các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền các nội dung nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt khả năng sàng lọc, nhận diện được những kênh thông tin xấu độc theo cách riêng; vạch trần các phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng tin giả để gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận và bất ổn an ninh chính trị.
2. Khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân.
2.1. Khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế
– Hạn chế về giải pháp kỹ thuật: Hiện nay, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và Youtube để chặn, mà chỉ có thể chặn hoàn toàn toàn bộ website vi phạm. Vì vậy, trong nhiều trường hợp cần cân nhắc nếu áp dụng việc chặn triệt để sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước do nước ta chưa có dịch vụ tương tự thay thế được Facebook, Google.
– Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin.
– Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định hiện hành gồm nhiều bước và khá phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian.
– Công tác cung cấp thông tin của bộ, ngành, địa phương còn chưa chủ động, kịp thời để thông tin minh bạch kịp thời bác bỏ các trường hợp tung tin giả trên mạng xã hội.
3. Phương hướng, giải pháp, thực hiện trong thời gian tới
3.1. Giải pháp về cơ chế chính sách:
– Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, kịp thời bổ sung, xây dựng các văn bản mới và xây dựng cơ chế chính sách về thông tin điện tử cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng hiệu quả quản lý, bổ sung các chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn.
3.2. Tiếp tục áp dụng các giải pháp đấu tranh về pháp lý, truyền thông, kỹ thuật nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc xác định danh tính người sử dụng dịch vụ, xử lý các thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc, thông tin mạo danh, tin giả; đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới để công tác đấu tranh đạt hiệu quả, mục tiêu cao hơn.
3.3. Giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức:
– Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người sử dụng về các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung thông tin trên mạng.
– Xây dựng và phổ biến rộng rãi bộ quy tắc, chuẩn mực xã hội đối với người sử dụng Internet tại Việt Nam, thúc đẩy hình thành văn hóa ứng xử, chia sẻ thông tin lành mạnh, lên án, tẩy chay hành vi đi ngược lại lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia trên mạng Internet. Triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kỹ năng sử dụng Internet an toàn và hiệu quả.
3.4. Giải pháp thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ:
Hiện nay tại Việt Nam, một số mạng xã hội của nước ngoài như Facebook, Youtube vẫn đang chiếm phần lớn thị trường, chính vì vậy trong ngắn hạn, các giải pháp quản lý và tuyên truyền vẫn cần tiến hành đối với mạng xã hội này. Tuy nhiên về dài hạn, Việt Nam cần có những mạng xã hội tương đương, có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được với Facebook tại Việt Nam và do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ. Do đó, cần có các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy mạng xã hội trong nước phát triển.
3.5. Hợp tác quốc tế:
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới để tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế trong việc quản lý nội dung thông tin trên mạng nói chung và đối với việc xử lý thông tin vi phạm trên mạng nói riêng.
Tham khảo thông lệ quốc tế trong việc phối hợp, xử lý thông tin vi phạm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới.
3.6. Tham gia phối họp của các bộ, ngành:
Hiện nay, lĩnh vực quản lý của hầu hết các bộ, ngành đều được cung cấp trên mạng thông qua ứng dụng chuyên ngành như: mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến, giáo dục-đào tạo trực tuyến, cung cấp phim trực tuyến, biểu diễn nghệ thuật trực tuyến, vận tải công nghệ… Do đó, việc quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin, dịch vụ trên mạng liên quan đến nhiều bộ, ngành. Vì vậy, để việc quản lý nội dung, dịch vụ trên mạng được hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan. Theo đó, phân cấp trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan như sau:
– Bộ TTTT: Là cơ quan chịu trách nhiệm đầu mối quản lý, xử lý thông tin vi phạm nói chung theo quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng.
– Bộ Công an: Điều tra, phối hợp để xác định hành vi, nhân thân vi phạm, chuyển Bộ TTTT để xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp xác định không xử lý hình sự.
– Các bộ, ngành khác như: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải,… thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các dịch vụ chuyên ngành cung cấp trên môi trường mạng và phối hợp với Bộ TTTT để xử lý các vi phạm trên mạng liên quan đến lĩnh vực quản lý trong trường hợp cần thiết.
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thuế nghiên cứu bổ sung các quy định quản lý hiệu quả đối với các dịch vụ xuyên biên giới, đặc biệt việc kiểm soát hiệu quả luồng tiền thanh toán qua hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam để thanh toán cho các dịch vụ bất hợp pháp cung cấp trên nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Apple.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Bộ Công an để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trả lời cử tri.
Tệp đính kèm: Văn bản số 4802/BTTTT-VP
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More