Chính trị

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đảng bộ Bộ TT&TT phải đi đầu về ứng dụng công nghệ số trong công tác Đảng, đoàn thể

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của Ban cán sự Đảng, Đảng bộ Bộ TT&TT đã phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ lần thứ IV đã đề ra.

Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025 có nhiệm vụ đánh giá toàn diện chặng đường 5 năm qua và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ trong 5 năm tới; nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, đưa ngành TT&TT bước vào kỷ nguyên số, chuyển đổi số Quốc gia; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa nước ta đến giữa thế kỷ 21 trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài phát biểu chỉ đạo, định hướng một số nội dung trọng tâm, quan trọng để Đại hội quan tâm thảo luận đưa vào Nghị quyết và chương trình hành động của Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đồng chí Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Nhiệm kỳ 5 năm tới Đảng bộ Bộ TT&TT sẽ xoay xung quanh các chương trình trọng tâm này để lãnh đạo, chỉ đạo, bàn mọi giải pháp để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ này. Do vậy, Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT cần nhìn thấy 8 chương trình này như là sứ mệnh mới của ngành TT&TT đối với đất nước.

Cổng Thông tin điện tử của Bộ TT&TT xin trân trọng đăng toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ V nhiệm kỳ 2020-2025.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa đồng chí Huỳnh Tấn Việt – Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TW,

Kính thưa các đồng chí đại biểu, khách quý,

Kính thưa các đồng chí về dự Đại hội,

Hôm nay tôi rất vui mừng về dự Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT. Cho phép tôi thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ TT&TT gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan TW, các đồng chí đại biểu và tất cả các đồng chí đảng viên về dự Đại hội những lời chúc tốt đẹp nhất và chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.

Qua chỉ đạo và nghe Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ, tôi cơ bản nhất trí với các đánh giá nhiệm kỳ trước, các định hướng, mục tiêu và giải pháp cho nhiệm kỳ tới.

Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ TT&TT, tôi đánh giá cao kết quả công tác của Đảng bộ Bộ TT&TT đã nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IV đã đề ra.

Thay mặt Ban cán sự Đảng, tôi xin trân trọng cám ơn sự lãnh đạo, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, có trách nhiệm và hiệu quả của Đảng úy Khối các cơ quan TW đối với Đảng bộ Bộ TT&TT trong suốt nhiệm kỳ qua.

Sau đây tôi xin phép phát biểu với các đồng chí một số nội dung để Đại hội quan tâm thảo luận đưa vào Nghị quyết.

Đảng bộ Bộ TT&TT có 10 Đảng bộ cơ sở, 15 Chi bộ cơ sở, 11 Chi bộ trực thuộc với gần 1.600 đảng viên là một Đảng bộ lớn. Bộ TT&TT với 35 cơ quan và đơn vị, với gần 3.000 công chức, viên chức cũng là một Bộ lớn.

Gần 50.000 đơn vị và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, hơn 1 triệu lao động, doanh thu hàng năm lên tới hơn 100 tỷ USD. Ngành TT&TT là một ngành rất lớn về kinh tế và truyền thông, về kỹ thuật và công nghệ. Mục tiêu của chúng ta là làm cho ngành phát triển, thông qua đó làm cho đất nước phát triển. Ngành TT&TT chúng ta có thể tạo thành một đôi cánh cho đất nước bay lên. Một cánh là công nghệ số và một cánh là truyền thông. Báo chí truyền thông góp phần tạo sự đồng thuận ,tạo niềm tin xã hội, tạo ra sự ổn định phát triển, tạo khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo nên sức mạnh tinh thần cho đất nước. Một đất nước muốn phát triển, bứt phá đều cần đến sức mạnh tinh thần. Muốn phát triển thì không thể không dựa vào công nghệ. Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, đất nước phát triển giai đoạn tới sẽ dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Lĩnh vực công nghệ số, hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045 khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.

Vừa qua, chúng ta đã xác định các sứ mệnh mới cho Ngành, định vị lại các định hướng cơ bản và mở ra các không gian mới cho Ngành, nói gọn lại là tám chương trình trọng tâm:

Một là, chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số. Xây dựng hạ tầng bưu chính để đảm bảo dòng chảy vật chất của nền kinh tế số bên cạnh dòng chảy dữ liệu.

Thứ hai, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số. Triển khai 5G, mỗi người một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang. Hạ tầng cloud; nền tảng định danh số, thanh toán điện tử; Nền tảng công nghệ như dịch vụ AI, IoT, big data, Blockchain; Nền tảng chuyển đổi số các ngành;…

Thứ ba, đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng. Với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng Việt Nam, đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Đảm bảo chủ quyền không gian mạng. Không gian mạng của Việt Nam là môi trường sống mới nên phải đảm bảo sạch và lành mạnh.

Thứ tư, chuyển đổi chính phủ điện tử thành chính phủ số. Đưa mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, sáng tạo ra nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân, tương tác giữa chính quyền và người dân nhiều hơn.

Thứ năm, chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình Make in Vietnam với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam thay vì gia công lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu.

Thứ sáu, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Từ 50 nghìn doanh nghiệp sẽ thành 100 nghìn doanh nghiệp, có cả doanh nghiệp làm chủ công nghệ cốt lõi, cả doanh nghiệp phát triển sản phẩm, cả doanh nghiệp triển khai và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ bảy, báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần tạo ra sự ổn định để phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá.

Thứ tám, chuyển đổi từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số. Dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Toàn quốc chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Đưa toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội lên môi trường số cũng phải đi song song với bảo vệ chủ quyền số quốc gia.

Tôi cũng xin nói một chút về cuộc đổi mới lần thứ hai của ngành Viễn thông. Lần thứ nhất cách đây 30 năm là chuyển đổi thiết bị viễn thông từ thế hệ analogue sang thế hệ số. Sau 30 năm chúng ta đã giải quyết xong bài toán thông tin liên lạc cho toàn dân. Lần thứ hai này là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số, thành nền tảng của kinh tế số. Một vài nền tảng có thể kể tên là nền tảng định danh số, nền tảng thanh toán số dựa trên mobile. Đây là hai nền tảng căn bản nhất cũng là đầu tiên nhất của kinh tế số. Nhưng chỉ có các nhà mạng viễn thông mới có thể làm nhanh nhất và phổ cập nhất. Có thể coi đổi mới lần hai là cuộc chuyển dịch có quy mô lớn nhất, thay đổi bản chất của ngành viễn thông Việt Nam, mở ra không gian mới vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn rất nhiều không gian thông tin liên lạc. Ý nghĩa của ngành viễn thông đối với phát triển kinh tế đất nước cũng vì thế mà lớn hơn rất nhiều. Cơ hội cũng lớn hơn rất nhiều. Thị trường cũng lớn hơn rất nhiều. Trách nhiệm cũng lớn hơn rất nhiều. Ngành Viễn thông đảm nhiệm một sứ mệnh mới: Là hạ tầng, là nền tảng của một nền kinh tế Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Những bài học của cuộc đổi mới lần một cũng vẫn còn đúng cho lần hai này. Đó là hạ tầng phải đi trước và đi nhanh. Công nghệ phải hiện đại, phải đi trong nhóm đầu của thế giới, quyết sách sáng suốt và có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực của thị trường, điều hành quyết liệt. Qua thử thách này, hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho đất nước.

Nhiệm kỳ 5 năm tới Đảng bộ của chúng ta sẽ xoay xung quanh các chương trình trọng tâm này để lãnh đạo, chỉ đạo, bàn mọi giải pháp để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ này. Tôi mong rằng Đại hội của chúng ta nhìn thấy 8 chương trình này như là sứ mệnh mới của ngành chúng ta đối với đất nước.

Kính thưa các đồng chí,

Tại Đại hội này, thay mặt Ban Cán sự, tôi xin phát biểu thêm một số ý gợi mở về công tác Đảng để các đồng chí bàn luận, thảo luận.

Về tăng cường người làm công tác Đảng chuyên trách: Bộ ta muốn phát triển bền vững thì phải coi trọng công tác Đảng. Đầu tiên là phải thiết lập văn phòng Đảng, đoàn thể với những người hoạt động chuyên trách.

Về chuyển đổi số công tác Đảng: Dù có kiện toàn văn phòng Đảng, đoàn thể, chúng ta cũng không thể có 0,5% số người làm công tác Đảng, đoàn thể. Chỉ có công nghệ mới giúp chúng ta giải bài toán này. Bộ TT&TT là Bộ về công nghệ số, vậy thì phải đi đầu về ứng dụng công nghệ số trong công tác Đảng, đoàn thể. Cục Tin học hóa sẽ là cơ quan giúp Đảng bộ trong chuyển đổi số công tác Đảng. Chuyển đổi số công tác Đảng không chỉ là ứng dụng công nghệ để tự động hóa một số công việc mà cơ bản là thay đổi cách thức làm công tác Đảng. Thí dụ Nghị quyết có thể tóm tắt thành 5-6 ý chính và được nhắn tin tới từng đồng chí đảng viên như một hình thức quán triệt. Đảng ủy có thể giao một đảng viên nghiên cứu, đề xuất giải pháp cho một vấn đề nào đó, đồng chí này sau đó mời một số đồng chí khác quan tâm và lập thành một nhóm làm việc qua mạng để cùng nghiên cứu, trao đổi. Thay vì giao việc cho một tập thể, một nhóm thì giao việc cho một người.

Về đào tạo nguồn nhân lực: Khó nhất và lâu nhất là đào tạo nhân lực, nhất là khi tổ chức có hàng vạn, hàng ngàn người. Khó nhất là có được nguồn nhân lực tương đối đồng đều. Nhưng công nghệ sinh ra là để con người đứng trên vai nó. Công nghệ là để giúp con người đứng cao hơn. Nếu chúng ta đưa sự xuất sắc của mô hình quản trị, của quy trình, của cách làm, của công nghệ vào trong phần mềm, vào trong nền tảng, và đưa nhân viên của mình làm việc trên nền tảng đó, thì chính nền tảng sẽ hướng dẫn nhân viên làm việc, hỗ trợ nhân viên làm việc, nâng tầm họ lên, mức tối thiểu của mỗi nhân viên sẽ là mức của nền tảng. Đây có thể được coi là cách đào tạo mới hiệu quả hơn.

Về đổi mới công tác cán bộ: Muốn xuất hiện cán bộ giỏi thì đầu tiên phải có việc thách thức. Nên công tác cán bộ thì đầu tiên là nghĩ ra mục tiêu, nghĩ ra việc. Mục tiêu phải đủ cao, việc thì phải đủ thách thức, và phải là trên giao cho dưới. Không phải dưới giao trên ký.

Về đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ thì ngoài đánh giá toàn diện, phải nhìn xem người đó có thành tích gì, có sản phẩm gì, tạo ra giá trị gì cho tổ chức qua từng năm và từng vị trí đảm nhận. Trong hồ sơ cán bộ phải ghi nhận thông tin này. Với cán bộ từ cấp cục trở lên thì phải xem uy tín trong giới, trong cộng đồng của lĩnh vực đó, không chỉ là uy tín trong cơ quan mình. Người trong giới thì thường đánh giá người khác khách quan và chính xác về đạo đức nghề và về nghề.

Cán bộ muốn có thực tiễn, muốn có bản lĩnh thì phải đi cơ sở, đi tỉnh. Bộ ta cần học tập Bộ Kế hoạch Đầu tư. Nhân viên mới vào Bộ là họ biệt phái xuống tỉnh làm việc từ 1 đến 1,5 năm sau đó mới về Bộ. Người của tỉnh thì biệt phái lên Bộ làm việc. Một số cán bộ cấp cao thì về tỉnh làm lãnh đạo để đào tạo cán bộ cho TW. Hiện nay Bộ Kế hoạch Đầu tư có 4 đồng chí Thứ trưởng về làm lãnh đạo các tỉnh và sắp tới có thể vào Trung ương. Nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ đi tỉnh nhiều hơn, nhất là cán bộ trẻ. Vừa qua, đã có một đồng chí của Bộ biệt phái về tỉnh làm giám đốc Sở. Đây là bước khởi đầu quan trọng.

Luân chuyển trong nội bộ, tức là luân chuyển trong vụ, trong cục, trong đơn vị, và trong Bộ. Đây cũng là cách tốt nhất để đào tạo cán bộ. Một người ở đâu 5-10 năm là khó có thể tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hăng hái. Vào môi trường mới sẽ có năng lượng mới, như được tái sinh, nhiều khả năng tiềm ẩn sẽ được bộc lộ. Thỉnh thoảng mới luân chuyển thì rất ngại, nhưng làm nhiều lần thì sẽ thấy bình thường và dần trở thành một nhu cầu.

Về tăng cường cho miền Trung và miền Nam: Nếu các đơn vị trong Bộ không có sự hiện diện ở miền Trung và miền Nam, thì về lâu dài, cán bộ của Bộ ta sẽ 100% là người Bắc. Bộ ta phải gần hơn nữa với các Sở thông qua sự hiện diện tại các miền. Trước mắt, phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất ở phía Nam để các đơn vị có đại diện của mình ở đó, có cán bộ của mình ở đó.

Về đổi mới sinh hoạt Đảng. Vấn đề của sinh hoạt Đảng là nó hoặc gần giống như chính quyền, hoặc cứ chung chung, giống nhau từ tháng này qua tháng khác. Mang tính phổ biến và tính thông tin là chính. Nhưng sinh hoạt Đảng khác chính quyền ở chỗ nó bàn bạc tập thể, mỗi người đều có quyền như nhau, mọi tiếng nói đều được nghe như nhau, dù là người lãnh đạo hay nhân viên. Đó là chỗ tốt nhất để bàn bạc các vấn đề mới, các chủ trương mới, các cách tiếp cận mới, các giải pháp mới. Cái mới được bàn ở đây là tốt nhất và đúng nhất. Vậy thì, Bộ TT&TT đang có rất nhiều chương trình mới, rất nhiều công việc mới, đang cần rất nhiều các giải pháp mới, cách làm mới đột phá, mỗi cuộc họp sinh hoạt Đảng hãy mang một vấn đề khó ra bàn bạc và tìm lời giải. Sau khi đã có hướng đi thì chính quyền sẽ làm tiếp. Mọi người có cơ hội bàn bạc các việc lớn, các việc mới của đơn vị mình, họ sẽ thấy đơn vị là nhà mình và đến khi về làm, họ sẽ hết mình như việc nhà vậy.

Giữ cái gốc, cái nền của mình để có thể đi xa. Cái gốc, cái nền ấy là tư tưởng của Đảng. Cái gốc cái nền ấy cũng là truyền thống 10 chữ vàng “Trung thành – Dũng cảm – Tận tụy – Sáng tạo – Nghĩa tình”. Cái đi xa ấy là các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Muốn làm việc lớn thì phải có bộ máy. Bộ máy ấy phải trong sạch, vững mạnh, phải tinh và gọn. Bộ máy ấy phải được dẫn dắt bởi những người có khát vọng lớn, dám nghĩ, dám làm. Bộ máy ấy phải là tất cả những người bình thường nhưng vĩ đại. Bình thường ở chỗ họ làm công việc hàng ngày. Vĩ đại ở chỗ họ làm những việc đó với tình yêu lớn. Để tất cả những cái đó bền vững thì Đảng bộ phải quan tâm chăm lo đời sống, chính sách cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Bộ TT&TT như ngôi nhà lớn. Sáng muốn đến nhà lớn, chiều muốn về nhà nhỏ. Làm được việc này thì mục tiêu nào chúng ta cũng có thể đạt được.

Hãy tiếp tục tinh thần và khẩu hiệu hành động “Làm gương – Kỷ cương – Trọng tâm – Bứt phá”. Bởi vì lãnh đạo phong cách Việt Nam nhấn mạnh tinh thần làm gương. Bởi vì một tổ chức, nhất là tổ chức nhà nước thì phải có kỷ cương, có sự nghiêm minh. Bởi vì muốn bứt phá để thay đổi thứ hạng thì phải biết đâu là trọng tâm.

Đại hội của chúng ta sẽ bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ TT&TT khóa V. Tôi tin tưởng, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới để lãnh đạo Đảng bộ hoàn thành những nhiệm vụ rất nặng nề nhưng vinh quang phía trước.

Chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.

Chúc các đồng chí đại biểu khách quý, chúc các đồng chí về dự Đại hội dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cám ơn!

Nguồn tin: MIC

Tin khác

Hội thảo chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông

Sáng 8/11, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và…

08/11/2024

Nhân lên những niềm vui

Để bảo đảm an toàn đối với người dân sau ảnh hưởng của bão số…

08/11/2024

Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đồi, núi tại quận Đồ Sơn

Với hàng chục điểm sạt lở đất đồi, núi sau khi bão số 3 đi…

07/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More