Thừa-thiếu giáo viên, tuyển dụng, sử dụng giáo viên tại địa phương; sách giáo khoa phổ thông; sáp nhập trường lớp; tự chủ đại học… là những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Phiên họp toàn thể lần thứ tư của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Muốn nâng cao chất lượng giáo dục nhưng thiếu nhiều thứ
Phiên họp tập trung thảo luận báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và dự kiến công tác năm 2023 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; báo cáo đánh giá thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu tham dự đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục như tình trạng lạm thu, thiếu giáo viên, đổi sách giáo khoa…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn ghi nhận các ý kiến của các đại biểu và khẳng định đây là những vấn đề xã hội rất bức xúc, thực tế và còn các thách thức khác nữa.
Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ, đó là giáo viên và tài chính.
Về giáo viên, Bộ trưởng cho biết, năm học này dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì 2 năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc.
Nhiều địa phương thậm chí còn không dám tuyển, để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế vì “nhỡ tuyển rồi lại phải giảm biên chế thì biết trừ vào ai“.
Về mặt tài chính, ông Sơn cho rằng, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ghi rõ trách nhiệm đảm bảo các điều kiện để triển khai thuộc chủ tịch UBND các tỉnh, thành.
Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cần có trường, lớp, có trang thiết bị, dụng cụ dạy học; đủ giáo viên, còn giáo viên trình độ như thế nào thì ngành GDĐT lo. Các tỉnh, thành phải tính toán cần bao nhiêu tiền để mua sắm trang thiết bị. Nếu ngân sách địa phương cân đối được thì cân đối, nếu không thì phải đề nghị Trung ương hỗ trợ.
Bộ Trưởng cũng chỉ ra rằng, hằng năm các địa phương làm việc với Trung ương về ngân sách Bộ GDĐT không được biết, việc các tỉnh làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan phê duyệt ngành GDĐT không biết được là tiền ấy phân bổ như thế nào, nơi nào thiếu nơi nào thừa.
Thiếu sách giáo khoa, Bộ không thể chỉ đạo hiệu sách
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận thực tế, sách giáo khoa mới đôi chỗ vẫn còn “sạn“. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải tăng cường công tác thẩm định, giám sát để nâng cao chất lượng.
Riêng về khâu phát hành sách, Bộ không thể chỉ huy các hiệu sách. Điều này phải do UBND các tỉnh, thành phố điều phối để sách đến được với các trường theo nhu cầu của họ.
Người đứng đầu ngành GDĐT nhấn mạnh, muốn chất lượng giáo dục nâng cao, phải cùng nhau tăng cường trách nhiệm chứ không phải thoái thác trách nhiệm.
Muốn chất lượng giáo dục nâng cao thì phải có chuẩn, bao gồm chuẩn về trường học, chuẩn giáo viên, chuẩn cơ sở vật chất… “Đặt” chuẩn để các đơn vị cố gắng, đặt chuẩn để các đại biểu Quốc hội phải yêu cầu các địa phương và Nhà nước đầu tư để chất lượng tăng.
Vân Trang