Ngày 6/7, tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chính thức hoàn thành dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Như vậy, cùng với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị thứ hai công bố hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin các bộ, cơ quan ngang bộ; Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong ngành công nghệ thông tin, các đơn vị báo chí…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh 6 định hướng lớn của ngành thông tin và truyền thông trong thời gian tới. Trong đó, bưu chính trở thành hạ tầng mạng lưới đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu; viễn thông trở thành hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng và hạ tầng điện toán đám mây; ứng dụng công nghệ thông tin trở thành chuyển đổi số. An toàn thông tin với sứ mệnh làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng; công nghiệp công nghệ thông tin với sứ mệnh “Make in Vietnam” và báo chí truyền thông với sứ mệnh khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng…
Góp sức đẩy lùi đại dịch COVID-19
Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành thông tin và truyền thông đã nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép là phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển các lĩnh vực trong ngành.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: Trong giai đoạn giãn cách xã hội, các đơn vị bưu chính đã duy trì giao thông hàng hóa thông suốt với tổng sản lượng gói, kiện đạt trên 377 triệu, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp viễn thông thực hiện 11 đợt nhắn hơn 15 tỷ tin nhắn tới hơn 2 tỷ lượt thuê bao, thu nhận 152 tỷ đồng ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 từ 2,6 triệu tin nhắn.
Nhiều chương trình hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được các đơn vị thống nhất triển khai…, góp phần vào thành công chung của đất nước trong công cuộc phòng, chống dịch.
Có 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch, 12 nền tảng phục vụ cuộc sống, làm việc không tiếp xúc đã được đưa vào sử dụng, góp phần thực hiện hiệu quả việc truy vết, giám sát cách ly, khai báo y tế. Mặc dù hoạt động trên không gian mạng tăng trong thời gian dịch nhưng số lượng cuộc tấn công mạng giảm 26% so với 6 tháng cuối năm 2019 và giảm 27,1% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019.
Đặc biệt, thời gian qua đã có gần 600.000 tin, bài về dịch COVID-19 đăng tải trên báo chí, cung cấp thông tin chính thống về các nội dung phòng chống dịch. Báo chí đã thông tin về một hình ảnh Việt Nam có trách nhiệm, hiệu quả và nhân văn trong chống dịch, mặt khác cập nhật dư luận quốc tế và kinh nghiệm thế giới cung cấp kịp thời cho báo chí trong nước…
Đưa mạng 5G vào khai thác
Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ hướng dẫn để 100% các địa phương lập kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới nhằm nâng tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng thụ động lên 17-20%. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) để đảm bảo mỗi người dân có một máy điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, mỗi hộ dân cần có một đường cáp quang internet để tạo tiền đề cho công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung như các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu vực trung tâm mỗi tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Phan Tâm cho biết: Trong tháng 7/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai thử nghiệm thiết bị 5G Việt Nam và tiến tới triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G sử dụng thiết bị Việt Nam vào tháng 10/2020.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng cho biết: Đại dịch COVID-19 đã góp phần làm thay đổi nhận thức, quan niệm của con người về phương thức vận động xã hội. Nhu cầu của con người chuyển dần từ đời sống thực sang đời sống trên không gian số. Trong cuộc chuyển đổi to lớn mang tên chuyển đổi số, ngành thông tin và truyền thông nhận trách nhiệm mở đường, đóng vai trò tiên phong.
Ông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, thay đổi nhận thức là yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Công nghệ thông tin có thể hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề của xã hội, do đó các cơ quan, tổ chức, lãnh đạo các bộ, ban, ngành cần “giao nhiều việc” cho đội ngũ làm công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề cập đến những việc trọng tâm mà Bộ Thông tin và Truyền thông cần “làm ngay” trong thời gian tới. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ 100% các địa phương triển khai nền tảng kết nối liên thông dữ liệu (LGSP), hỗ trợ 100% hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan chính quyền thực hiện bảo vệ 4 lớp. Đồng thời, để thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng Chính phủ số, các bộ, ngành, địa phương cần đặt mục tiêu hoàn thành đưa dịch vụ công lên trực tuyến mức độ 4 chậm nhất là vào năm 2021; đẩy mạnh việc doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ số tại các địa phương…
Ngọc Bích (TTXVN)