Về thăm Hải Phòng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố nhà văn Nguyên Hồng tháng 11-2018, những cô con gái của nhà văn không khỏi bất ngờ khi được tham quan bộ sưu tập sách đặc biệt về cha mình. 171 đầu sách cùng hàng trăm đầu báo, tạp chí có bài viết của Nguyên Hồng, về Nguyên Hồng là bộ sưu tập đặc biệt mà nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng dành 40 năm tìm kiếm và lưu giữ.
Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ và bộ sưu tập sách về Nguyên Hồng.
Bộ sưu tập sách 40 năm tuổi
Đến thời điểm này, bộ sưu tập sách về Nguyên Hồng và của Nguyên Hồng mà nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ lưu giữ tròn 40 năm tuổi. 171 đầu sách của Nguyên Hồng và về Nguyên Hồng, trong đó sách của Nguyên Hồng 85, sách về Nguyên Hồng 86 (chưa kể số các số báo và tạp chí viết về Nguyên Hồng) được người đứng đầu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố dày công tìm kiếm và lưu giữ.
Hỏi nguyên cớ vì sao đam mê sưu tầm sách về nhà văn Nguyên Hồng, nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ tủm tỉm cười, kể lại: “Chuyện bắt đầu từ năm 1979, khi tôi làm luận văn tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi đó, tôi muốn chọn nhà văn gắn với thành phố quê hương. Mà nhìn đi nhìn lại, chỉ có Nguyên Hồng lúc bấy giờ có bề dày nhất. Ông là người đặt nền móng của hoạt động Chi hội Văn nghệ Hải Phòng thủa ấy. Ông cũng là người sáng tác nhiều tác phẩm tái hiện lại bức tranh Hải Phòng rõ nét nhất. Dù ông không sinh ra nhưng lớn lên và dành trọn tình yêu với thành phố Cảng cần cù, lam lũ và quyết liệt. Vì vậy, tôi chọn Nguyên Hồng để làm nhân vật trong luận văn của mình”.
Quá trình làm luận văn tốt nghiệp, anh sinh viên Tô Hoàng Vũ khi ấy được gặp nhà văn Nguyên Hồng tại trụ sở Chi hội Văn nghệ Hải Phòng (nay là Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố) nghe ông nói chuyện, chia sẻ về những nhân vật trong các tác phẩm của ông. Ít ai ngờ, nhiều năm sau đó, chính cậu sinh viên Văn khoa ngày trước lại nối tiếp đường đi của cố nhà văn Nguyên Hồng để trở thành Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT thành phố. Lại ngồi đúng chiếc ghế của nhà văn khi xưa, trong ngôi biệt thự cổ cũng chính là trụ sở của Hội LHVHNT Hải Phòng. Và sưu tầm sách về Nguyên Hồng trở thành niềm đam mê đối với nhà Biên kịch Tô Hoàng Vũ.
Một số đầu sách trong bộ sưu tập.
“Có những cuốn sách gia đình tôi chưa sưu tập được…”
Đó là lời chia sẻ thật lòng của Nguyễn Thị Nhã Nam, con gái cố nhà văn Nguyên Hồng khi tiếp cận bộ sưu tập sách về Nguyên Hồng của nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ. Nhã Nam cùng chị gái là dịch giả, nhà văn Nguyễn Thị Thanh Thư có mặt tại Hải Phòng trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố nhà văn vào tháng 11-2018. Hai chị em không giấu được xúc động khi nâng niu trên tay những cuốn sách của cha được xuất bản lần đầu. Đặc biệt là bản in năm 1937 tiểu thuyết đầu tay “Bỉ vỏ” tạo nên tên tuổi của nhà văn từ khi mới trình làng.
“Riêng tiểu thuyết “Bỉ vỏ” có tất cả 28 đầu sách của các nhà xuất bản. Hầu như lần tái bản nào từ sau bản in đầu năm 1937, tôi đều tìm mua bằng được. Một phần vì đam mê sưu tầm, một phần vì đây chính là tiểu thuyết đầu tay đánh dấu tên tuổi của nhà văn Nguyên Hồng” – nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ bộc bạch.
Ngoài tiểu thuyết “Bỉ vỏ”, bộ sưu tập sách 40 năm tuổi về Nguyên Hồng còn nhiều tác phẩm mang tính dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của cố nhà văn. Như 19 đầu sách tiểu thuyết tự truyện “Những ngày thơ ấu”, 22 đầu sách khác của Nguyên Hồng, 16 đầu sách tuyển tập, toàn tập Nguyên Hồng. Bên cạnh đó, nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ còn sưu tầm các ấn phẩm, bài viết về Nguyên Hồng in trên các sách, báo, tạp chí. Đặc biệt là tạp chí Cửa biển – cơ quan của Hội Liên hiệp VHNT thành phố qua các thời kỳ. Thống kê chưa đầy đủ, bộ sưu tập có 58 đầu sách tập hợp các tác phẩm thơ văn, công trình nghiên cứu, lý luận phê bình về Nguyên Hồng. Đặc biệt, có 28 đầu sách tập hợp các tác phẩm, công trình nghiên cứu, lý luận phê bình và luận văn tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1979 của Tô Hoàng Vũ về bộ tiểu thuyết Cửa Biển của Nguyên Hồng. Nhìn vào số sách sưu tập được qua 40 năm của nhà biên kịch đất Cảng mới thấy, đây không chỉ là những bộ sách sưu tầm công phu, đó còn là tình cảm, sự trân trọng và tri ân với nhà văn, thế hệ đi trước, người đặt nền móng của ngôi nhà văn học nghệ thuật thành phố Cảng.
Nói như nhà văn Tùng Điển, Phó chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, đây là bộ sưu tập chưa từng có về cố nhà văn Nguyên Hồng. Và chắc rằng, đây cũng là sự thể hiện tình cảm với Nguyên Hồng theo cách riêng của nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ.
LINH CHI – Báo Hải Phòng 19/01/2019