Bé Trần Văn M. (ngụ TP Hải Phòng) đã 6 tuổi 3 tháng nhưng chỉ cao 94 cm. Sốt ruột vì chiều cao của con không cải thiện dù đã tẩm bổ, bổ sung canxi, tập bơi…, vợ chồng anh Trần Văn T. đành đưa con trai đến Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội).
Cần điều trị sớm
Tại đây, các bác sĩ cho biết ở độ tuổi này, lẽ ra bé M. có thể cao từ 117-127 cm. Kết quả thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán bé M. bị thiếu hormone tăng trưởng khiến bé chậm lớn.
Tương tự, bé Phan Vũ L.A (17 tháng tuổi) được bố mẹ đưa đến bệnh viện khám vì khoảng 1 năm nay, chiều dài của bé A. dường như không tăng. Đến thời điểm này, bé chỉ dài 59 cm, trong khi theo tìm hiểu của bố mẹ bé, con phải đạt tối thiểu 74-86 cm mới ở ngưỡng bình thường.
Theo TS-BS Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền Bệnh viện Nhi trung ương, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 30-50 trường hợp bệnh nhi được gia đình đưa đến khám chậm tăng trưởng chiều cao. Ngoài những nguyên nhân khiến trẻ chậm lớn là suy dinh dưỡng, mắc bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn thì phần lớn do các bệnh lý nội tiết như: suy giáp, thiếu hormone tăng trưởng. Tỉ lệ trẻ thiếu hormone tăng trưởng vào khoảng 1/4.000-1/10.000 trẻ.
Hormone tăng trưởng được tiết ra từ tuyến yên và loại hormone này ảnh hưởng đến hầu như toàn bộ các mô bào trong cơ thể người. Theo bác sĩ Khánh, hormone tăng trưởng giúp cơ thể trẻ phát triển chiều cao, giúp chuyển hóa làm giảm khối mỡ, tăng khối cơ trong cơ thể. Trẻ em thiếu hormone tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn cả chục cm so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành.
Bệnh nhân chậm lớn do thiếu hormone tăng trưởng được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: KHÁNH CHI
Trẻ cao 14 cm sau một năm điều trị
Để chữa căn bệnh “lùn” do thiếu hormone, bệnh nhân bắt buộc phải bổ sung hormone tăng trưởng. Bác sĩ Khánh cho biết hơn 10 năm nay đã có khoảng 900 trường hợp thuộc các nhóm bệnh do thiếu hormone tăng trưởng được theo dõi, điều trị. Kết quả năm đầu, trẻ tăng trung bình 10-12 cm; năm thứ 2 tăng trung bình 7-9 cm; các năm sau đó tăng trung bình 6 cm. Có những trẻ sau khi điều trị với phác đồ thiếu hormone tăng trưởng đã tăng 20 cm sau 18 tháng.
Đơn cử như trường hợp bé Trần Văn M. Sau 1 năm điều trị, bé tăng chiều cao 14 cm; năm thứ 2 tăng 10 cm; năm thứ 3 tăng 7,5 cm; năm thứ 4 tăng 6 cm; năm thứ 5 tăng 6,5 cm. Hiện tại, bé 11 tuổi 4 tháng và cao 139 cm. Chỉ số chiều cao này hơn chuẩn theo bảng tăng trưởng chiều cao của người Việt. Tương tự, sau gần 5 năm chạy chữa, chiều cao của bé gái L.A đã thay đổi đáng ngạc nhiên: sau 1 năm, bé tăng tới 14 cm; năm thứ 2 tăng 10 cm; năm thứ 3 tăng 13 cm và năm thứ 4 tăng 6 cm. Hiện bé 5 tuổi 8 tháng và cao 101 cm, gần đạt chuẩn so với bảng tăng trưởng chiều cao.
Bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng Khoa Nội tiết – Di truyền – Chuyển hóa Bệnh viện Nhi trung ương, khẳng định hiện nay nhiều cơ sở y tế tại Việt Nam đã thực hiện điều trị hormone tăng trưởng đối với các bệnh như: thiếu hormone tăng trưởng đơn thuần, suy thận mạn, hội chứng Turner, trẻ nhỏ hơn so với tuổi thai, chậm phát triển chiều cao… Dù chi phí điều trị khá lớn nhưng các bậc phụ huynh có con được chẩn đoán bệnh và chỉ định điều trị rất quyết tâm chữa trị cho con. Khoảng 50% số trẻ phát hiện bệnh được điều trị. Tuy nhiên, cũng có trẻ chậm tăng trưởng đến bệnh viện khi đã qua giai đoạn vàng nên kết quả điều trị chưa được như mong muốn.
Các bác sĩ chuyên khoa nội tiết lưu ý việc theo dõi chiều cao của trẻ trên biểu đồ tăng trưởng rất cần thiết. Bất kỳ thời điểm nào, các bậc cha mẹ thấy trẻ phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường, tức là dưới 4 cm/năm; tăng lớp mỡ ở dưới da bụng, má tròn bầu bĩnh; bé trai có dương vật nhỏ; thể trạng nhi tính (trẻ có tầm vóc, khuôn mặt đều thấp hơn so với trẻ cùng độ tuổi) nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi để thăm khám sớm.
Điều trị tốt nhất từ 4-13 tuổi
Bác sĩ Khánh khuyến cáo với trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng, việc quan trọng nhất là điều trị đúng thời điểm, đúng liều, tốt nhất trong độ tuổi 4-13, trước khi các sụn xương của trẻ đóng lại.
Điều trị bệnh lý này bằng đường tiêm nên cần tiêm thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh phải được theo dõi chặt chẽ trong 3-6 tháng để xem có đáp ứng điều trị, đồng thời phát hiện sớm các tác dụng phụ ngắn hạn có thể gặp phải. Nếu không được điều trị, trẻ thiếu hormone tăng trưởng có chiều cao trung bình chỉ từ 135-145 cm.
NGỌC DUNG
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More