Print Thứ Ba, 09/06/2020 06:23 Gốc

Ngày 9/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Dự án Luật được người dân quan tâm vì có những đổi mới mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân về cư trú.

Để giúp người dân hiểu rõ hơn về dự luật này,  phóng viên Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Phóng viên:  Theo Tờ trình của Chính phù về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) thì dự án Luật này quy định rất nhiều vấn đề mới như: bỏ Sổ Hộ khẩu giấy, bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó kiến nghị bãi bỏ khoản 3, khoản 4 Điều 19 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô; thêm 5 trường hợp xoá cư trú… đồng chí đánh giá về việc này như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Dự án Luật Cư trú (sửa đổi) là dự án Luật quan trọng được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị kỹ về nội dung báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Dự thảo Luật này có nhiều nội dung mới mang tính đột phá trong công tác quản lý dân cư nói chung và quản lý cư trú nói riêng. Các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý dân cư; bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cư trú.

Dự thảo Luật bãi bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là nhằm tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho công dân khi đăng ký thường trú.

Có thể đánh giá rằng, việc xây dựng dự án Luật này là rất cần thiết, bảo đảm cho công dân thực hiện tốt quyền tự do cư trú của mình; đồng thời, sẽ đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Phóng viên:  Nói thêm về việc bỏ Sổ Hộ khẩu giấy sang quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, Sổ Hộ khẩu hiện nay đang quy định về hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân giữa các thành viên trong gia đình. Vậy, khi bỏ Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú thì khi cần xác định những quan hệ này sẽ xác nhận như thế nào thưa đồng chí? Ví dụ tôi muốn xác nhận quan hệ mẹ/con với mẹ chồng tôi – là chủ hộ thì tôi sẽ phải như thế nào?   

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Luật Cư trú (sửa đổi) quy định việc quản lý cư trú bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; các thông tin về cư trú của công dân như hiện nay đang được thể hiện bằng thông tin trong Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú thì sẽ được số hóa, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu này.

Thông tin về mối quan hệ của công dân với chủ hộ gia đình và các thành viên trong hộ gia đình cũng sẽ được cụ thể hóa bằng trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cụ thể là tại Điều 41 dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 Luật Căn cước công dân đã bổ sung trường thông tin “Quan hệ với chủ hộ” và “Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên trong hộ gia đình”.

Do vậy, như trường hợp bạn nêu, công dân muốn xác nhận quan hệ với chủ hộ thì công dân chỉ cần khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là đã rõ ràng, trong trường hợp cần thiết thì có thể yêu cầu cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu xác nhận thông tin của công dân về mối quan hệ với chủ hộ.

Phóng viên: Ngoài việc xác định nhân thân thì Sổ Hộ khẩu còn là căn cứ để thực hiện các giao dịch dân sự như: Chứng minh quan hệ để ký khế ước ngân hàng, hợp đồng mua bán điện, nước… nhằm xác thực về thân nhân và nơi cư trú của bên sử dụng dịch vụ. Nếu không có Sổ Hộ khẩu thì người dân sẽ xác nhận như thế nào khi tự mình không thể tra cứu dữ liệu của cơ quan Công an khi cần thiết. Như vậy, đồng chí cho biết, có phải phát sinh việc người dân lại phải đến Cơ quan Công an chờ đợi để xin xác nhận hay không?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Như tôi đã nói ở trên, toàn bộ thông tin của công dân có trong Sổ Hộ khẩu sẽ được thể hiện trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để đáp ứng yêu cầu trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công hoặc giao dịch dân sự của công dân; về cơ bản khi tham gia các hoạt động này thì cơ quan, tổ chức có liên quan phải có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; không bắt buộc Công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú nào khác.

Bên cạnh đó, khi triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an sẽ nghiên cứu để có nhiều hình thức khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu bảo đảm tính thông suốt, liên tục và dễ tiếp cận, dễ sử dụng, tạo thuận lợi tối đa cho công dân

Phóng viên: Hiện nay, ngoài quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội còn có Luật Thủ đô điều chỉnh. Bộ Công an đề nghị bãi bỏ các quy định này, theo đồng chí, liệu có làm gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng lên các thành phố trên không? Gây quá tải đối với hạ tầng và phức tạp về ANTT tại các thành phố này hay không?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình Quốc hội được thể hiện theo hướng không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Việc quy định như vậy là nhằm (1) Bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; (2) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp; (3) Giúp chính quyền các cấp hoạch định chính sách kinh tế – xã hội được chính xác hơn, sát với số liệu dân số thực tế đang sinh sống trên địa bàn quản lý.

Cán bộ Công an làm các thủ tục hành chính cho người dân.

Trong quá trình xây dựng quy định này, Bộ Công an đã có đánh giá tác động về vấn đề này:

Một là, có thể trong ngắn hạn sẽ làm gia tăng việc đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương do thực tế còn tồn đọng một số lượng nhất định những người chưa đủ điều kiện đăng ký, tuy nhiên, việc này sẽ dần đi vào ổn định; qua rà soát bước đầu còn khoảng 100 nghìn người tại 05 thành phố trực thuộc Trung ương chưa đăng ký thường trú, tạm trú (Hà Nội có 56 nghìn người, Hải Phòng có 6 nghìn người, Đà Nẵng có 23 nghìn người, thành phố Hồ Chí Minh có 14,4 nghìn người, Cần Thơ có 04 nghìn người) và có 5.2 triệu người đang đăng ký tạm trú (Hà Nội có 1,15 triệu người, Hải Phòng có 83 nghìn người, Đà Nẵng có 216 nghìn người, thành phố Hồ Chí Minh có 3,67 triệu người, Cần Thơ có 80 nghìn người).

Về việc tăng dân số cơ học tại các thành phố trực thuộc Trung ương thì Bộ Công an cho rằng sẽ không tác động nhiều vì việc thực tế có hay không có quy định về điều kiện đăng ký thường trú riêng thì công dân vẫn có thể đến lao động, làm việc, sinh sống trên địa bàn; việc tăng dân số cơ học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, như việc làm, y tế, giáo dục, môi trường sống… nên tác động do thay đổi điều kiện đăng ký, quản lý cư trú là không nhiều.

Hai là, trong ngắn hạn sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và một số dịch vụ công khác đang được cung cấp dựa trên việc đăng ký thường trú của công dân tại các thành phố trực thuộc Trung ương như điện, nước… Tuy nhiên, trên thực tế dù có hay không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các thành phố này thì mọi công dân đang sinh sống vẫn sử dụng điện, nước hàng ngày.

Cân nhắc các tác động tích cực, tiêu cực nêu trên, Bộ Công an thấy rằng việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp; trong ngắn hạn có thể sẽ gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế… và cơ sở hạ tầng của các thành phố song áp lực đó không lớn.

Về lâu dài, việc bỏ quy định riêng này sẽ bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình được triệt để hơn, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đánh giá đúng thực trạng dân cư và thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước của mình.

Phóng viên: Theo dự án Luật, Cơ quan soạn thảo bổ sung 5 trường hợp xoá đăng ký thường trú so với Luật Cư trú hiện hành. Cụ thể, công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không khai báo; người đã bán nhà… Người dân lo lắng vì lâu nay có rất nhiều người hộ khẩu 1 nơi, người 1 chỗ. Đồng chí cho biết, nếu bị xoá cư trú thì họ sẽ phải làm như thế nào?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Để phù hợp với thực tiễn và tăng cường trách nhiệm của công dân trong công tác đăng ký cư trú; đồng thời, để hạn chế tình trạng cư trú “ảo” (công dân có đăng ký nơi thường trú nhưng thực tế không sinh sống tại đó và cũng không thông báo cho cơ quan quản lý cư trú) tác động đến công tác hoạch định chính sách về kinh tế – xã hội của địa phương, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bổ sung 4 trường hợp cần xóa đăng ký thường trú.

Nếu công dân bị xóa đăng ký thường trú thì có thể thực hiện đăng ký lại theo quy định tại khoản 3 Điều 25 dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi); trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì họ phải khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi hiện tại đang sinh sống để quản lý theo quy định tại Điều 20 dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Như vậy, nếu người dân có đăng ký thường trú ở một nơi và thực tế ở một nơi khác mà chưa đăng ký tạm trú với cơ quan đăng ký, quản lý cư trú thì họ có trách nhiệm đến Công an xã, phường, thị trấn nơi họ đang thực tế cư trú làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú để bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.

Phóng viên:  Theo lộ trình, nếu dự án Luật được Quốc hội thông qua, thì sẽ có hiệu lực vào tháng 7 năm 2021. Theo đó, để thay đổi phương thức quản lý cư trú mới sang số định danh cá nhân thì phải hoàn thành việc thu thập Dữ liệu Quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Công an mới cấp được 18 triệu số định danh cá nhân. Theo đồng chí, liệu đến khi dự án Luật có hiệu lực thi hành, thì việc thu thập các dữ liệu trên có hoàn thành được hay không?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Về vấn đề này tôi xin thông tin, Bộ Công an đã có Kế hoạch số 82/KH-BCA-C06 ngày 04/3/2020 về triển khai thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã xác định việc hoàn thành, đưa vào vận hành Cơ sở dữ liệu này trên toàn quốc trước tháng 6/2021.

Hiện nay, Bộ Công an đã thu thập được hơn 80 triệu phiếu thông tin dân cư, sắp tới sẽ thu thập được hết và nhập liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để vận hành thử nghiệm và đưa vào khai thác đúng tiến độ đề ra, đến tháng 4/2021 sẽ chạy thử nghiệm đề mô và đến tháng 6/2021 là hoạt động bình thường.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phương Thuỷ (Thực hiện)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bỏ hộ khẩu giấy, người dân sẽ làm gì để xác định nhân thân?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác