Theo quy định hiện hành, để có thể kết hôn, người dân phải làm thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Quy định này khiến nhiều người rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Chị Phạm Thị Ly sinh năm 1999 đang sinh sống ở Hà Nội tâm sự, quê chị vốn ở Hưng Yên nhưng theo cha mẹ vào Bạc Liêu từ khi còn nhỏ. Hộ khẩu thường trú của chị hiện nay vẫn ở Bạc Liêu.
Năm 2020, chị Ly có quen biết và tiến tới hôn nhân với anh Nguyễn Đình Cường. Thế nhưng khi 2 người về quê anh Cường đăng ký kết hôn, cán bộ xã yêu cầu chị phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Để có loại giấy tờ này, chị Ly phải vào tận Bạc Liêu (nơi đăng ký hộ khẩu thường trú) mới xin được. Thế nhưng, thời gian đó dịch bệnh kéo dài, chị đã không thể vào Bạc Liêu xin giấy tờ.
Bước sang năm 2021, theo quan điểm dân gian, chị phạm vào tuổi kim lâu (23 tuổi) nên cũng không thể kết hôn. Phải đến năm 2022, sau nhiều lần đi qua đi lại giữa Hà Nội và Bạc Liêu chị mới có thể xin được giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để tiến hành đăng ký thủ tục kết hôn.
Không riêng chị Ly, nhiều người dân hiện nay cho rằng thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn là không còn cần thiết.
Trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ông Đỗ Minh Ngọc (Hà Nội) phản ánh, hiện nay cơ sở dữ liệu dân cư đã được hoàn thiện, người dân có thể tra cứu thông tin tình trạng hôn nhân của mình một cách dễ dàng thông qua trang: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/.
Do đó, ông Ngọc kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Ngoại giao bỏ yêu cầu giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân khi làm các thủ tục liên quan đến kết hôn tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, chỉ cần xuất trình CMND/CCCD, cán bộ sẽ tiếp nhận và tự tra cứu tình trạng hôn nhân trên cơ sở dữ liệu dân cư và xử lý.
Như vậy, vừa giúp ích giảm thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí, công sức cho người dân khi phải gửi giấy tờ ra nước ngoài, vừa thể hiện được tính ưu việt và ứng dụng của cơ sở dữ liệu dân cư.
Trả lời về vấn đề này trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tư pháp cho biết, khoản 7 Điều 24 Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28.7.2020 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến quy định:
“Sau khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, sử dụng thống nhất trên toàn quốc, cơ quan thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm kết nối với các Cơ sở dữ liệu này để xác định tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, không được yêu cầu nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân“.
Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được vận hành. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đang thực hiện tái cấu trúc quy trình các thủ tục liên thông, trong đó có liên thông xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn, tiến tới bỏ thủ tục cấp xác nhận tình trạng hôn nhân với mục đích kết hôn.
Hiếu Anh