Bộ Y tế vừa có tờ trình Quốc hội dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đề xuất bỏ giấy chuyển viện với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo.
Đề xuất này được coi như tháo gỡ nút thắt cho người dân bấy lâu nay, giải quyết bài toán giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho người dân và BHYT.
Quá phiền hà
Anh N.H.T. (25 tuổi, Đắk Nông) chia sẻ không ít lần xin giấy chuyển viện cho người nhà rất khổ sở vì mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Năm 2020 em trai anh T., đang làm việc tại TP.HCM, trong một lần đi khám sức khỏe tổng quát phát hiện bệnh về máu hiếm gặp, phải chuyển lên tuyến trên để điều trị.
Anh T. đã cầm hồ sơ khám bệnh đến bệnh viện tỉnh để xin giấy chuyển cho em trai lên TP.HCM điều trị nhưng bệnh viện không đồng ý, yêu cầu người bệnh phải có mặt. Để có giấy chuyển tuyến, em trai anh T. đón xe đò di chuyển hàng trăm km về bệnh viện tỉnh để xin giấy chuyển tuyến.
Trước đó, một người quen của anh T. bị chấn thương phức tạp nhập viện tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM để được sơ cứu. Mặc dù bệnh nhân đang bị chấn thương nhưng bắt buộc phải quay trở lại bệnh viện nơi đăng ký BHYT mới được chuyển viện.
“Để xin được tờ giấy chuyển viện không hề dễ dàng, mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của người bệnh. Thiết nghĩ chúng ta cần đơn giản thủ tục làm giấy chuyển viện như số hóa bằng sự liên kết giữa các bệnh viện.
Chưa kể đến những người bệnh chẳng may mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc sống một mình phải tự mình di chuyển đi lại giữa các tỉnh để làm giấy chuyển viện thì rất phiền hà cho họ“, anh T. nói.
Hồ sơ điện tử thay giấy
Là bệnh viện tuyến cuối chuyên khoa nhi ở khu vực phía Nam và TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện cho rằng cần bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo khi phải tái khám và điều trị dài hạn.
Tuy nhiên cần phải tuân thủ theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, Luật BHYT để tránh những tiêu cực và bất hợp lý có thể xảy ra.
Còn những trường hợp cấp tính, vượt khả năng điều trị của tuyến dưới như chấn thương sọ não, sốt xuất huyết Dengue nặng, nhiễm trùng huyết suy đa cơ quan… thì vẫn cần giấy chuyển tuyến để bệnh viện tuyến cuối kịp thời nắm được thông tin điều trị trước đó của bệnh nhân.
Thậm chí các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới và tuyến cuối cần trao đổi trực tiếp qua điện thoại, nhằm đưa ra hướng điều trị tiếp theo tốt nhất và liên tục cho bệnh nhân.
Là một trong những bệnh viện tuyến cuối của khu vực phía Nam, mỗi ngày tiếp nhận 4.700-4.800 người bệnh, ông Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM), nhận định giấy chuyển tuyến có vai trò rất quan trọng, hiện nay không thể bỏ.
Nhưng trong tương lai, theo lộ trình phải đơn giản hóa thủ tục giấy chuyển viện tránh gây phiền hà cho người dân. Theo bác sĩ Tuấn, hiện nay chúng ta đều đang chuyển đổi số, mã hóa dữ liệu hồ sơ của bệnh nhân, do đó có thể thông qua hình thức hồ sơ điện tử để đơn giản thủ tục tạo sự tiện lợi cho người bệnh; điều này còn có thể tạo sự liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
Từ năm 2014 việc chuyển tuyến từ dưới lên trên phải theo tuần tự, nhưng đến năm 2016 đã thông tuyến cấp huyện và năm 2021 thông tuyến toàn tỉnh. Do đó thủ tục chuyển tuyến cần thông qua hình thức hồ sơ điện tử để không phiền hà cho người dân.
Tránh “vỡ trận”
Tại buổi thảo luận dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, ông Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết có nhiều đại biểu và cử tri kiến nghị bỏ giấy chuyển tuyến giữa các cấp hệ thống cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, ý kiến cá nhân ông cho rằng nếu bỏ chỉ nên bỏ ở cấp ban đầu, cấp cơ bản. Từ hai cấp này lên cấp chuyên sâu nên có giấy chuyển tuyến.
Lý giải kỹ việc này, theo ông Thức, giấy chuyển tuyến có vai trò tóm tắt bệnh án, từ đó bác sĩ bệnh viện tuyến trên có thể đọc được các triệu chứng, biểu hiện ban đầu cũng như diễn tiến bệnh và quá trình điều trị ban đầu của bệnh nhân.
Theo ông, điều quan trọng hơn nếu bỏ giấy chuyển tuyến chỉ cần 1-2 năm có thể triệt tiêu hệ thống y tế cơ sở và làm “vỡ trận” y tế tuyến chuyên sâu.
Việc này sẽ đi ngược chủ trương củng cố hệ thống y tế cơ sở. Bộ Y tế đề xuất chỉ bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Bệnh viện K nhận định quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được điều trị kịp thời và giảm thủ tục hành chính. Tuy nhiên việc này cũng sẽ tác động nhiều đến cơ sở y tế tuyến cuối.
“Cần phải có quy định chi tiết, cụ thể những bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… nào, mức độ ra sao sẽ được vượt tuyến, đánh giá tác động chính sách rõ ràng. Nếu không có quy định chi tiết có thể sẽ gây quá tải cho bệnh viện tuyến cuối. Đồng thời cũng khiến cơ sở y tế tuyến dưới khó phát triển các kỹ thuật chuyên môn“, vị này nhận định.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho hay một số bệnh như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh có kỹ thuật chuyên môn cao, kỹ thuật mới mà cấp chuyên môn kỹ thuật tuyến dưới chưa có khả năng làm được ngay trong thời điểm nhất định thì Bộ Y tế sẽ có danh mục rõ ràng. Danh mục này không cố định mà Bộ Y tế sẽ điều chỉnh từng giai đoạn.
“Trên cơ sở đó, người bệnh được lên cấp chuyên môn cao hơn. Tuy nhiên, ở đây không phải là vượt lên cả cấp chuyên sâu ngay mà thay vì đến trạm y tế xã, cấp ban đầu, thì có thể lên cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu tùy theo năng lực của cơ sở y tế mà không phải cần giấy chuyển tuyến.
Nếu chúng ta cứ tự đi khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến trên thì tuyến trên sẽ quá tải. Cả bệnh thông thường, bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo đều vượt lên tuyến trên thì chính những người bệnh nặng, hiểm nghèo sẽ bị ảnh hưởng vì điều trị không kịp thời do vấn đề quá tải“, bà Trang phân tích.
Tích hợp giấy chuyển tuyến, hẹn khám lại trên VNeID
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho hay thời gian tới Bộ Y tế sẽ ứng dụng công nghệ thông tin cải cách thủ tục hành chính.
Như thực hiện trích chuyển dữ liệu điện tử một cách thống nhất đồng bộ để giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại được tích hợp trên VneID. Tức là chuyển dữ liệu từ cơ sơ khám chữa bệnh lên dữ liệu chung của BHXH, từ đó chuyển sang Bộ Công an.
Như vậy, người dân sử dụng app có thể nhìn thấy giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại. Giải pháp này cũng giảm thủ tục phiền hà.
Không có ranh giới giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công
Ông Phạm Văn Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân, Chủ tịch hội đồng quản trị Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho hay theo Luật Khám chữa bệnh mới không quy định bệnh viện tư nhân mà bệnh viện được chia theo các cấp ban đầu, cấp cơ bản và chuyên sâu.
Các quy định khám chữa bệnh BHYT đối với bệnh viện công thế nào thì bệnh viện tư nhân cũng sẽ thực hiện như vậy, không có ranh giới giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện tư nhân khám chữa bệnh BHYT.
Nâng cao năng lực y tế tuyến dưới
Tại TP.HCM những năm qua đã triển khai nhiều giải pháp trong đó có nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở nhằm giảm tải cho tuyến trên, tạo được sự tin tưởng của người dân. Các bệnh viện tuyến quận huyện không ngừng triển khai nhiều kỹ thuật mới, tăng cường hội chẩn với tuyến trên, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, một số bệnh viện đầu ngành đã hỗ trợ chuyên môn nhằm nâng cao năng lực của cơ sở khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến dưới.
Như Bệnh viện Ung bướu TP.HCM hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Bà Rịa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Về lâu dài, để tránh tình trạng chuyển tuyến, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho rằng phải tiếp tục nâng cao năng lực y tế cơ sở để giảm tình trạng quá tải, áp lực cho tuyến trên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, cho biết quan điểm của cơ quan BHXH TP là đồng thuận với dự thảo của Bộ Y tế trình Quốc hội về việc bỏ giấy chuyển tuyến đối với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo.
Theo bà Hằng, khi bỏ giấy chuyển tuyến với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo sẽ giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân phù hợp với đề án cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Tuy nhiên, để rõ ràng thông tin cho bệnh nhân, tránh tình trạng đổ xô về các bệnh viện tại các thành phố lớn thì Bộ Y tế cần ban hành danh mục cụ thể các bệnh hiếm và bệnh hiểm nghèo và công bố rộng rãi trên thông tin đại chúng để người dân được biết. Đồng thời Bộ Y tế quy định các bệnh viện cấp chuyên sâu, cấp cơ bản được điều trị các bệnh hiếm, hiểm nghèo đó.
Cũng theo bà Hằng, các bệnh viện cấp cơ bản và chuyên sâu tại tỉnh thành cần nâng cao chất lượng và năng lực khám chữa bệnh để thuận lợi và thu hút bệnh nhân đến, tránh quá tải cho các bệnh viện chuyên sâu tại thành phố lớn.
Mong muốn chính đáng của người bệnh
Ông Ngô Văn Đình Hoài (Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, Đà Nẵng):
Không điều trị được thì không nên giữ bệnh nhân
Cần có cơ chế để người đứng đầu cơ sở y tế tuyến quận huyện có trách nhiệm phân loại bệnh, bệnh nào vượt quá khả năng y tế thì hãy chuyển lên tuyến trên để tránh gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Việc giữ bệnh cũng đi đôi với chịu trách nhiệm về bệnh nhân, vì vậy không thể có chuyện không làm được mà giữ lại.
Lâu nay nhiều bệnh nhân vẫn không tin tưởng vào y tế tuyến cơ sở. Áp lực từ bệnh nhân mong muốn được chuyển lên bệnh viện tuyến trên cũng khiến chính người đứng đầu các bệnh viện tuyến y tế cơ sở không khó giữ bệnh nhân lại, gây quá tải các bệnh viện tuyến trên.
Từ thực tế đó, đòi hỏi chính y tế tuyến cơ sở phải nâng cao năng lực y tế của mình để giữ chân người bệnh và tăng hiệu quả điều trị. Việc chuyển hay giữ bệnh nhân dựa trên tình hình chuyên môn của mỗi cơ sở y tế sẽ buộc các cơ sở y tế tuyến dưới nâng cao năng lực của mình.
Ông Nguyễn Đức Cường (Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới, Quảng Bình):
Hội chẩn liên bệnh viện để hạn chế chuyển tuyến
Những năm qua, bệnh nhân vẫn có tâm lý muốn chuyển lên các bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai. Việc này xuất phát từ những năm trước đây khi hệ thống y tế ở các tỉnh lẻ còn chưa phát triển, máy móc thiết bị cũng như con người đều ở mức hạn chế.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số bệnh nhân cả nội trú và chuyển tuyến từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới lên các bệnh viện khác đều giảm dần, thậm chí như bệnh nhân ngoại trú tỉ lệ chuyển tuyến giảm đến gần một nửa, vì bệnh viện đã có nhiều giải pháp nâng cấp chất lượng về mọi mặt, đáp ứng phần lớn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Ngoài ra với những ca bệnh khó, bệnh viện còn liên kết hội chẩn trực tuyến với những bệnh viện lớn để tăng hiệu quả khám chữa bệnh. Đây cũng là cách góp phần để bệnh nhân hạn chế chuyển tuyến nhưng vẫn đạt được hiệu quả khám chữa bệnh cao nhất.
Ông Võ Văn Kha (Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ):
Cần đầu tư tuyến dưới
Hiện nay đối với một số bệnh như ung thư thì quá trình điều trị cần lâu dài, ổn định. Thông thường người bệnh mong muốn điều trị tại bệnh viện chuyên khoa có đủ điều kiện.
Vì vậy việc cho người bệnh đang điều trị ở một bệnh viện (có thể là tuyến tỉnh, tuyến trung ương) được tiếp tục điều trị liên tục mà không cần xin giấy chuyển tuyến có lẽ là mong muốn chính đáng của người bệnh nhằm giảm chi phí, thời gian đi lại xin giấy. Gần đây có trường hợp bệnh nhân ung thư đang hóa trị, xạ trị xin về điều trị ở tuyến dưới (nơi có thực hiện kỹ thuật này) để giảm chi phí đi lại, đỡ tốn kém…
Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, đối với Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ hiện nay cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp… đang tiếp nhận lượng bệnh từ tuyến dưới và các tỉnh lân cận về khá nhiều. Nếu bỏ phân tuyến hẳn cũng sẽ gây khó khăn do quá tải, không đáp ứng được việc điều trị.
Vì vậy vẫn nên phân tuyến khám chữa bệnh để tránh quá tải tuyến trung ương, đối với các trường hợp bệnh cụ thể như các bệnh ung thư thì cần có quy định riêng. Đồng thời đối với bệnh viện tuyến dưới cũng cần có đầu tư, biện pháp nâng cao tay nghề, kỹ thuật để tạo lòng tin với người bệnh, như vậy họ mới không vượt tuyến lên bệnh viện lớn.
THU HIẾN, DƯƠNG LIỄU, XUÂN MAI, ĐOÀN NHẠN, QUỐC NAM, THÁI LŨY