Trên cơ sở báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đề xuất của các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét miễn, giảm một số loại thuế đối với doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải.
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1-31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Trường hợp cân đối ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị giảm, tạm hoãn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1-31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ xem xét miễn giảm phí neo đậu trong trường hợp tàu, thuyền phải neo đậu cách ly 14 ngày tại khu vực neo đậu chờ kiểm dịch.
Xem xét bổ sung doanh nghiệp vận tải biển vào trong danh mục doanh nghiệp vừa và nhỏ được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất là 10% trong 15 năm theo quy định tại Điều 13, 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định về thuế ưu đãi.
Về thuế giá trị gia tăng, vận tải quốc tế được áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 0%, trong khi vận tải nội địa vẫn đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng 10%.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải nội địa trong giai đoạn khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất miễn giảm thuế giá trị gia tăng đối với vận tải nội địa trong thời gian 3 năm.
Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, giãn nợ, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động.
Đồng thời, báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận áp dụng mức giảm thuế giá trị gia tăng cho phương thức vận tải container bằng đường thủy từ 10% xuống 5% qua đó tạo tính cạnh tranh cho loại hình dịch vụ vận tải bằng đường thủy.
Trước đó, đánh giá tác động của dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đối với lĩnh vực hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 30.000 tỷ đồng.
Với lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, số lượng tàu thuyền vận chuyển hàng hóa vào, rời cảng biển giảm khoảng 15%. Riêng đối với tàu biển chở khách từ các quốc gia khác đến Việt Nam có số lượng hủy chuyến lớn, ước giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục hủy chuyến trong tháng 4/2020.
Đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, vận tải hàng, giảm lần lượt là trên 10%; mức luân chuyển hàng giảm gần 9%.
Với đường bộ, sản lượng khách, vận tải hàng hóa, doanh thu đều giảm mạnh từ 40-80% so với cùng kỳ năm 2019 cũng như trước khi có dịch. Bên cạnh đó, đường sắt doanh thu sụt giảm khoảng 90 tỷ đồng./.
Quang Toàn (TTXVN/Vietnam+)
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More