Bộ GTVT vừa công bố danh mục cảng cạn (ICD) Việt Nam, nhằm tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý và tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn.
Theo danh sách công bố của Bộ GTVT, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 6 cảng cạn (ICD) gồm: ICD Phúc Lộc (Ninh Bình), ICD Km3+4 Móng Cái (Quảng Ninh); ICD Hải Linh (Phú Thọ), ICD Tân Cảng Hải Phòng, ICD Đình Vũ – Quảng Bình (Hải Phòng) và ICD Tân Cảng – Nhơn Trạch (Đồng Nai) và 16 điểm thông quan hàng hóa (có chức năng như cảng cạn). Trong đó, khu vực phía Bắc có 5 ICD, 7 điểm thông quan nội địa. Khu vực phía Nam có 1 ICD và 9 điểm thông quan nội địa.
Trong đó, ICD Đình Vũ – Quảng Bình là cảng cạn mới được Bộ GTVT quyết định mở từ năm 2018 và là cảng cạn đầu tiên trên địa bàn TP Hải Phòng. Thời gian hoạt động của cảng này là 50 năm, công suất kho hàng đạt khoảng 100.000 tấn/năm.
Theo đại diện Bộ GTVT, theo quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, sau năm 2020 cả nước sẽ có 19 cảng cạn được hình thành, có khả năng thông qua tối thiểu 15 – 20% nhu cầu vận tải hàng hóa container thông qua hệ thống cảng biển.
Hệ thống cảng cạn được phát triển nhằm tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý, tăng hiệu quả hoạt động dịch vụ logistics trên các hành lang vận tải, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại cảng biển, cửa khẩu quốc tế và các đô thị lớn.
Minh Hạnh Theo Báo Lao động