Print Thứ Bảy, 28/08/2021 11:30 Gốc

Sáng 28/8, tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị thành phố, các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Lê Khắc Nam, Ủy viên Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo dự Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Kim Sơn,  Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành và các đơn liên liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại các điểm cầu.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng dự hội nghị tại điểm cầu Hải Phòng.

Thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”

Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục vào Đào tạo báo cáo, năm học 2020-2021, dịch COVID-19 xuất hiện trở lại và bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, an sinh xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo (GDĐT). Ngành Giáo dục đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ trong thời gian trẻ ở nhà; hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình GDPT học kỳ II đảm bảo những nội dung cốt lõi, nền tảng; vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Điều này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của toàn ngành Giáo dục, nhằm thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, hoàn thành mục tiêu kép, vừa tham gia tích cực trong phòng, chống dịch bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương. Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành đã thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học theo hướng hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; luật hóa nhiều chủ trương quan trọng như chính sách phát triển GDMN; đổi mới chương trình, SGK GDPT; nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tuổi học, THCS; bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận… Đồng thời, Bộ GDĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các nghị định, đề án, kế hoạch về phát triển GDĐT, trong đó đã phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và các địa phương trong triển khai thực hiện. Qua đó, đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương trong sự nghiệp phát triển GDĐT.

12 nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2021-2022

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021-2026, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2026; Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026; Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Căn cứ các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo, năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nổi bật là một số nhiệm vụ sau đây:

Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐT; rà soát và hoàn thiện các quy định về chức năng quản lý nhà nước quy định trong Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành Giáo dục thích ứng với dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại địa phương.

Triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 và chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” theo Kế hoạch số 626/KH-BGDĐT; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025

Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022; chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023. Nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định, in ấn, xuất bản và lựa chọn SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10; biên soạn SGK tiếng dân tộc, biên soạn và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương

Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật về triển khai tự chủ đại học một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu.

Triển khai Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình mới đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6 và Chương trình GDPT 2018. Tiếp tục thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GDMN và GDPT giai đoạn 2017-2025.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GDĐT, trước hết là để thích ứng với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể còn kéo dài. Tăng cường chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục; triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục toàn ngành, đồng bộ, kết nối dữ liệu từ các cơ sở GDĐT, Phòng GDĐT, Sở GDĐT đến cơ quan Bộ GDĐT; kết nối dữ liệu giữa ngành Giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; triển khai các mô hình quản trị nhà trường tiên tiến trên nền tảng số bảo đảm thiết thực và hiệu quả.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo; chủ động nắm bắt các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong toàn ngành để chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra; khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực trong GDĐT.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: năm học 2020-2021 là năm học ngành giáo dục tiếp tục thực hiện triển khai các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, là năm bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng sách giáo khoa mới theo lộ trình Quốc hội đặt ra. Đây cũng là năm học đầy khó khăn thách thức đối với ngành giáo dục khi bệnh dịch COVID-19 bùng phát ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Bộ Giáo dục và Đào đạo đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch năm học linh hoạt phù hợp với thực tiễn của từng địa phương để cùng cả nước chống dịch bệnh hiệu quả, khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên.

Năm học vừa qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả của các Ban, Bộ ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, sự ủng hộ đông đảo của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng nỗ lực của toàn thể học sinh, sinh viên, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2020-2021, trong đó có nhiều kết quả tích cực. Để chuẩn bị cho hội nghị, Bộ giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các hội nghị tổng kết theo từng bậc học, đã phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội tổng kết 1 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cho lớp 1 nhằm đánh giá sâu các kết quả đã đạt được, chỉ rõ những tồn tại hạn chế từ đó đề ra phương hướng nhiệm vụ trong năm học tới; trên cơ sở đó đã tổng hợp, hoàn thiện báo cáo tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 của toàn ngành. Báo cáo tổng kết năm học nhìn lại chặng đường của 5 năm và cũng định hướng cho cả chặng đường dài tiếp theo…

Nguyễn Hải

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác