Giáo dục

Bộ GD-ĐT chia sẻ về điểm mới của dự thảo quy chế tuyển sinh đại học

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định những dự kiến điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh đại học nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và các trường, đảm bảo công bằng, bình đẳng, công khai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non, áp dụng từ năm 2022 với nhiều điều chỉnh so với quy chế năm 2021. Phóng viên báo VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo về những điều chỉnh này.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Bộ GD-ĐT).

7 điểm mới cơ bản

– Thưa Vụ trưởng, bà có thể cho biết những điểm mới của dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non so với quy c­­hế tuyển sinh đại học năm 2021?

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Trước hết, cần khẳng định, công tác tuyển sinh năm 2022 cơ bản được giữ ổn định, phát huy những ưu điểm, những thành công đã đạt được từ công tác tuyển sinh những năm vừa qua. Quy chế tuyển sinh chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật.

Thứ nhất, thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ thực hiện theo hình thức trực tuyến (trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh (theo các cơ sở đào tạo, các ngành, các phương thức xét tuyển) của đợt xét tuyển đợt 1 sẽ được đăng ký và ghi nhận vào hệ thống trong khoảng thời gian quy định, cụ thể là từ sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho tới khi công bố kết quả thi và cả điểm phúc khảo. Nhờ vậy, thí sinh chủ động về thời gian và các nguyện vọng đăng ký xét tuyển đồng thời tiết kiệm chi phí chung của hệ thống và xã hội.

Thí sinh dự tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN).

Thứ ba, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển (theo các ngành, theo các phương thức) của thí sinh trên toàn hệ thống được từng trường xét tuyển trước và đưa lên phần mềm xử lý nguyện vọng-hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ (như năm 2021), và cho kết quả thí sinh trúng tuyển ở một nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Thứ tư, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp xét tuyển, các trường cần phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn phân bổ chỉ tiêu giữa các phương tức, tổ hợp này; đảm bảo phương thức, tổ hợp xét tuyển lựa chọn được thí sinh có năng lực để học tập, đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh tham gia xét tuyển. Việc bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới phải có căn cứ và lộ trình hợp lý, không làm chỉ tiêu của phương thức, tổ hợp sử dụng trong năm trước giảm quá 30% chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo; tránh làm ảnh hưởng tới việc học tập, ôn luyện của các thí sinh.

Thứ năm, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường trung học phổ thông rà soát và cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành kết quả học tập của thí sinh để đồng bộ sang hệ thống hỗ trợ tuyển sinh, nhằm hỗ trợ thí sinh và các trường về dữ liệu trong công tác xét tuyển, đáp ứng điều kiện thực hiện dịch vụ công cấp độ 4.

Thứ sáu, các trường cần quy định phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh, đồng thời công bố công khai trong đề án tuyển sinh của mình.

Theo dự thảo quy chế mới, mỗi thí sinh chỉ được cộng điểm ưu tiên xét tuyển đại học khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông lần đầu. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+).

Thứ bảy, thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được cộng điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3). Quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho các thí sinh xét tuyển vào đại học, cao đẳng (đối tượng thí sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp và thí sinh đã tốt nghiệp có nhu cầu thi lần nữa để xét tuyển đại học, cao đẳng), bởi các thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu.

Nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển vào đại học. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông (và xét tuyển vào đại học, cao đẳng tại năm tuyển sinh đó) phải học tập nhiều môn hơn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào đại học. Tóm lại, với dự kiến quy định mới, tất cả các thí sinh thuộc khu vực ưu tiên đều được hưởng ưu tiên 1 lần, như vậy là công bằng cho mọi thí sinh.

Công bằng cho thí sinh, bình đẳng cho các trường

– Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có các điều chỉnh nêu trên, thưa bà?

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Những điểm mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh vừa tiếp tục phát huy những ưu điểm, những thành công trong tuyển sinh những năm qua đồng thời khắc phục tối đa những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại của các năm trước. Điều này bảo đảm yêu cầu đối với các cơ sở đào tạo về thực hiện đúng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển sinh, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh, phối hợp chặt chẽ dưới sự hỗ trợ, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và liên thông trong hệ thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả của toàn hệ thống.

Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học, những điều chỉnh quy chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, đảm bảo sự công bằng. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Quy chế mới đảm bảo nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh, đó là: công bằng đối với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, minh bạch đối với xã hội cũng như tạo sự đồng thuận trong xã hội thông qua sự công bằng, minh bạch đó.

– Với quy chế tuyển sinh mới, thí sinh sẽ có những thuận lợi như thế nào và các em cần lưu ý những điểm gì?

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy: Thí sinh sẽ có nhiều thuận lợi và chủ động hơn với các quy định mới.

Trước hết, thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương án trực tuyến, có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào thuận tiện nhất; thí sinh có khoảng thời gian đủ dài để đăng ký xét tuyển và điều chỉnh các nội dung về nguyện vọng sau khi đã biết đủ các thông tin cần thiết.

Thí sinh cần lưu ý phải chịu trách nhiệm về thông tin đăng ký, và phải chú ý thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ đăng ký dự thi và xét tuyển tại Cổng thông tin tuyển sinh hoặc tại Cổng dịch vụ công quốc gia (Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho thí sinh).

Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần chú ý việc phải đăng ký thông tin theo quy định của cơ sở đào tạo theo các phương thức tuyển sinh tại cơ sở đào tạo mà mình lựa chọn (nếu cơ sở đào tạo có yêu cầu riêng).

Thí sinh cần lưu ý khi thực hiện quy trình đăng ký xét tuyển trong mùa tuyển sinh năm 2022. (Ảnh: TTXVN).

Thí sinh được đảm bảo công bằng tối đa, đảm bảo cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng, không bị “chiếm chỗ” mất cơ hội bởi các thí sinh ảo khác. Thí sinh không phải chịu áp lực buộc phải xác nhận nhập học trước như theo quy định trước đây của một số trường đồng thời, các trường cũng hạn chế được tối đa số thí sinh ảo, ra được các quyết định chính xác nhất trong công tác tuyển sinh.

Việc điều chỉnh, bổ sung phương thức, tổ hợp xét tuyển mới, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh… của các trường có căn cứ và lộ trình hợp lý, để các thí sinh an tâm trong việc học tập, ôn luyện, tăng cơ hội trúng tuyển vào trường và ngành yêu thích. Điều này cũng đảm bảo sự công bằng cho thí sinh, và minh bạch với xã hội.

Cơ sở dữ liệu ngành với thông tin về học bạ điện tử được đồng bộ hóa trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh sẽ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính. Trong trường hợp các trường tổ chức xét tuyển dựa trên học bạ theo kế hoạch chung của Bộ, thí sinh đăng ký xét tuyển nộp hồ sơ vào nhiều trường khác nhau thì cũng không cần phải thực hiện công chứng hoặc lấy xác nhận kết quả và hồ sơ học tập từ phía các trường trung học phổ thông như trước đây. Điều này giảm áp lực cho các trường trung học phổ thông, giảm bớt chi phí, công sức và các thủ tục liên quan.

Việc các trường quy định rõ phương án giải quyết các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển sinh và phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo, đồng thời công bố công khai trong đề án tuyển sinh của mình là các thông tin cần thiết đối với thí sinh để biết trước phương án, quy định, quy trình xử lý trong tuyển sinh khi gặp tình huống rủi ro xảy ra.

– Xin cảm ơn bà./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Tài xế ô tô có nồng độ cồn gây tai nạn liên hoàn ở Hải Phòng

Theo thông tin từ Ban An toàn giao thông TP Hải Phòng, khoảng 20h09 ngày…

07/01/2025

Quốc hội sẽ họp bất thường xem xét lập một số bộ, cơ cấu thành viên Chính phủ khóa mới

Kỳ họp bất thường của Quốc hội tới đây sẽ xem xét 7 nội dung…

07/01/2025

Hội đồng Anh và IDP sẽ dừng thi IELTS trên giấy tại Việt Nam, vì sao?

Sáng 7.1, Hội đồng Anh và IDP đồng loạt cho biết sẽ 'chuyển đổi sang…

07/01/2025

Quận Đồ Sơn kịp thời dập tắt đám cháy rừng tại Điểm cao quân sự đồi 46

Vào khoảng 14 giờ 30 ngày 6/1, một đám cháy bùng phát tại khu vực…

06/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More