Giáo dục

Bộ GD-ĐT bác đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ

Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay không thể đồng ý với đề xuất công nhận nghệ sĩ nhân dân tương đương trình độ tiến sĩ của Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội.

Tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội mới đây về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo trình độ tiến sĩ, trường này đã xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo.

Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đối với VietNamNet, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), cho hay tiêu chí đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tiêu chí đánh giá nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân là hoàn toàn khác nhau. Do đó, không thể quy đổi tương đương.

Việc trường đề nghị, đề xuất cũng là chuyện bình thường và họ có quyền đề nghị, xuất phát từ những khó khăn của trường. Song, để được đồng ý phải có cơ sở khoa học, chứ không thể tùy tiện”, ông Nghệ nói.

Hiện trong Luật Giáo dục đại học chưa có quy định về quy đổi tương đương giữa trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú. Do vậy, đề xuất đó không thể được đồng ý.

Để có được bằng tiến sĩ, người học phải dự tuyển và đạt đầu vào để trúng tuyển vào một cơ sở giáo dục đại học. Sau khi trúng tuyển, phải học một chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đó theo một quy chế rất chặt chẽ. Hay để trở thành thạc sĩ phải làm luận văn, để trở thành tiến sĩ phải làm luận án,… và có các hội đồng đánh giá. Khi đủ các điều kiện mới được cấp bằng tiến sĩ, thạc sĩ.

Trong khi, nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ ưu tú là danh hiệu được Nhà nước phong tặng cho người có nhiều cống hiến, đóng góp quan trọng cho nghệ thuật và cũng có những tiêu chí rất chặt chẽ. Thậm chí, có những giáo sư, tiến sĩ nỗ lực cả đời cũng không được phong nghệ sĩ nhân dân. Như vậy, có thể nói đây là 2 trường phái khác nhau”, ông Nghệ nói và cho rằng không thể thay thế, đặc biệt trong công tác giảng dạy.

Ảnh minh họa.

Theo ông Nghệ, Luật Giáo dục đại học quy định rất rõ trình độ của giảng viên. Cụ thể, giảng viên giảng dạy cho trình độ đại học phải có bằng tốt nghiệp từ thạc sĩ trở lên; muốn dạy thạc sĩ phải có trình độ từ tiến sĩ trở lên; muốn giảng dạy tiến sĩ thì phải có trình độ tối thiểu là tiến sĩ,…

Các trường nghệ thuật ít giảng viên có trình độ tiến sĩ, nên có thể Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội muốn quy đổi tương đương nghệ sĩ nhân dân với tiến sĩ để thuận lợi hơn trong việc mở ngành, giảng dạy.

Ông Nghệ cũng cho rằng, với ngành đặc thù như nghệ thuật, những người nghệ sĩ giỏi rất nhiều nhưng số đi học để có học vị tiến sĩ không phải nhiều.

Thấu hiểu đặc thù này, trong Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, Bộ GD-ĐT nêu rõ, với những ngành đào tạo đại học thuộc lĩnh vực nghệ thuật chỉ cần đảm bảo có 3 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp, thay vì 5 tiến sĩ như các ngành nói chung”, ông Nghệ nói.

Cùng ngày, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội cho hay, đã có những hiểu nhầm trong việc đề xuất của nhà trường.

Đề xuất của trường muốn được tính tương đương, chứ không phải “phiên ngang”, rằng nghệ sĩ ưu tú/nghệ sĩ nhân dân là có học vị thạc sĩ/tiến sĩ.

Theo ông Thi, nhà trường cũng không đề xuất tất cả nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương tiến sĩ, mà chỉ đề xuất cho nghệ sĩ nhân dân giảng dạy ở Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, để nhằm đáp ứng quy định mở ngành học.

Chúng tôi hoàn toàn hiểu rất rõ học vị khác với danh hiệu ra sao và cũng không hề có ý xin một học vị cho các nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân. Để có được học vị thạc sĩ, tiến sĩ phải qua quá trình đào tạo bài bản, bảo vệ luận văn,… còn danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân là ghi nhận sự cống hiến.

Đề xuất đó chỉ để nhằm áp dụng, tạo điều kiện cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và để đáp ứng quy định khi mở mã ngành mới đối với các ngành nghệ thuật. Chứ hoàn toàn không có ý thay thế trong công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Bởi đào tạo sau đại học, tiến sĩ phải theo quy chế chung của Bộ GD-ĐT”, ông Thi nói.

Trường đề xuất giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân được coi tương đương học vị tiến sĩ để đáp ứng tiêu chí cần 5 tiến sĩ theo quy định khi mở ngành đào tạo, đảm bảo điều kiện chất lượng đào tạo, xác định chỉ tiêu cho các ngành theo Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT.

Đề nghị tính tương đương là để các nghệ sĩ nhân dân được tham gia vào quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Chứ hoàn toàn không có nghĩa nghệ sĩ nhân dân được hưởng các chế độ như tiến sĩ từ lương bổng tới nhân sự.

Tức đề xuất không hề có ý định tranh thủ việc đạt được học vị tiến sĩ bằng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân”, ông Thi khẳng định.

Thanh Hùng

Nguồn tin: VietNamNet

Tin khác

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More