Địa bàn khu vực biên giới biển Hải Phòng có nhiều cửa sông lớn, nhỏ thuận lợi cho việc ra vào, vì vậy, số lượng tàu cá, tàu vận tải hoạt động nhiều. Tại những khu vực này thường xảy ra tranh chấp ngư trường, lợi dụng sơ hở của cơ quan chức năng để khai thác bừa bãi, hoặc không tuân thủ quy định về bảo đảm trang thiết bị an toàn cho người và phương tiện khi đánh bắt trên biển.
Lực lượng BĐBP tuần tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động trên biển.
Chú trọng kiểm soát ở khu vực trọng yếu
Đại tá Bùi Văn Tặng, Phó tham mưu trưởng BĐBP thành phố cho biết: Hiện nay, Bộ chỉ huy BĐBP thành phố khoanh vùng một số địa bàn trọng yếu cần tăng cường nghiệp vụ kiểm soát biên phòng (KSBP) như: Trạm KSBP Cát Bà (Đồn biên phòng Cát Bà) là nơi tập trung số lượng tàu thuyền làm dịch vụ du lịch lớn; Trạm KSBP Bến Gót (Đồn biên phòng Cát Hải), địa bàn có nhiều tàu thuyền vận chuyển nguyên, vật liệu phục vụ các công trình xây dựng; Trạm KSBP Văn Úc (Đồn biên phòng Đoàn Xá), nơi có tranh chấp về ngư trường nuôi ngao, khai thác cát trái phép và Trạm KSBP Bạch Long Vỹ (Đồn biên phòng Bạch Long Vỹ), địa bàn nóng xâm phạm chủ quyền khai thác thủy sản của tàu thuyền nước ngoài và công tác cứu nạn cứu hộ.
Trước đây, công tác rà soát, kiểm chứng, đăng ký hoạt động của các tàu thuyền cho bà con ngư dân chủ yếu được cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Cát Bà làm thủ công, ghi chép sổ sách. Trạm hiện quản lý hàng trăm phương tiện hoạt động trên địa bàn vịnh, mỗi khi cần thông tin đều phải tìm kiếm rất vất vả, chưa kể công tác bảo quản sổ sách nếu để mất, mối, mọt, phải lấy lại thông tin rất phức tạp. Đại úy Lương Văn Phong, Trạm trưởng Trạm KSBP Cát Bà cho biết: khắc phục những hạn chế đó, trạm được Bộ chỉ huy BĐBP thành phố trang bị phần mềm công tác quản lý tàu thuyền ra vào, mọi thao tác đều được làm trên máy, bảo đảm nhanh, chính xác tuyệt đối. Khi cần rà soát, sửa đổi, bổ sung thông tin, chỉ cần gõ tên chủ tàu, số tàu là có ngay, không mất thời gian tìm kiếm. Từ đó thực hiện tốt công tác kiểm chứng, đăng ký, tạo thuận lợi cho bà con, tiết kiệm thời gian, chi phí, kịp thời nắm bắt, quản lý con người, phương tiện. Khi xảy ra sự cố, nhờ thông tin sẵn có, lực lượng biên phòng có thể can thiệp, hỗ trợ kịp thời.
Còn trên địa bàn huyện đảo Bạch Long Vỹ, ngư trường tiềm năng không chỉ đối với tàu thuyền của ngư dân nước ta mà còn là “điểm đến” của nhiều tàu thuyền nước ngoài, tình hình tranh chấp ngư trường, thiên tai, tai nạn xảy ra khá phức tạp. Đồn biên phòng Bạch Long Vỹ xây dựng đội tàu an toàn, đội tàu cứu hộ trên biển, các mạng lưới cơ sở trên biển sẵn sàng cơ động ứng cứu khi các tàu gặp nạn trên biển, hợp đồng chặt chẽ giữa các tàu của ngư dân với Trạm kiểm soát biên phòng, để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra trên biển.
Nâng cao nghiệp vụ cán bộ, chiến sĩ
Hiện, với lực lượng khá mỏng trong khi địa bàn quản lý rộng, công tác KSBP còn một số hạn chế nhất định. Trong điều kiện chưa thể khắc phục được những khó khăn, thiếu thốn về lực lượng, phương tiện, các đơn vị chủ động triển khai biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp. Từng đơn vị căn cứ vào phạm vi khu vực biển, bến cảng, phân ra từng khu vực quy định đối với từng loại phương tiện theo từng loại lớn nhỏ để quản lý. Việc xử lý tàu thuyền vi phạm cũng theo từng vụ việc, tính chất mức độ để xử lý trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân làm ăn và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả công tác KSBP là nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh, rèn luyện tác phong công tác khi tiếp xúc với nhân dân. Hằng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đều cử cán bộ, chiến sĩ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, kịp thời nắm chắc các chủ trương, chính sách, quy định mới trong công tác kiểm soát biên phòng và nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các đồn, trạm KSBP cũng duy trì, thực hiện nghiêm túc các đợt huấn luyện, tham gia các cuộc diễn tập phòng, chống lụt bão, cứu nạn cứu hộ, diễn tập xử lý các tình huống xảy ra trên biển nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và xử lý các tình huống thường xuyên, đột xuất khi có yêu cầu.
Đại tá Bùi Văn Tặng, Phó tham mưu trưởng BĐBP thành phố cho biết: Trước diễn biến phức tạp trên biển, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố chỉ đạo các đồn, trạm tiến hành kết hợp công tác kiểm tra, KSBP với tuyên truyền, vận động ngư dân ra vào làm ăn trên biển chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo đảm trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện, đầy đủ thủ tục giấy tờ, khai thác đánh bắt đúng ngành nghề, đúng vùng biển được phép hoạt động, có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên biển. Đồng thời, thông báo cho lực lượng BĐBP khi phát hiện tàu, thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta và tàu Việt Nam vi phạm vùng biển các nước.
Các đồn, trạm cung cấp tần số liên lạc của các đài duyên hải để ngư dân tiện liên lạc: tần số của BĐBP thành phố; giờ trực canh. Các tần số liên lạc là tín hiệu để ngư dân thông báo về tình hình bão, gió và các tình huống xấu xảy ra trên biển khi cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư… hỗ trợ nhau trong quá trình làm nhiệm vụ.
Hoàng Xuân – Báo Hải Phòng 23/08/2018