Từ đầu năm đến nay, Bộ đội biên phòng (BĐBP) Hải Phòng cứu nạn gần 30 vụ, trong đó có hơn 10 vụ do gặp tai nạn, va chạm, sự cố trên biển gây thiệt hại lớn về tài sản.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Bạch Long Vỹ tiếp cận tàu cá bị chìm.
Ảnh: Sơn Hà
Cứu nạn kịp thời các vụ đâm, va
Năm 2017, số vụ tai nạn, va chạm, sự cố trong khu vực biên giới biển thành phố 60 vụ/81 phương tiện/484 người làm chìm đắm 30 phương tiện, mắc cạn 17 phương tiện, hư hỏng 25 phương tiện, tổng thiệt hại tài sản hơn 10 tỷ đồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, hệ thống luồng, lạch, bãi bồi phức tạp, đan xen nguy cơ tai nạn, va chạm, sự cố giữa các phương tiện trên biển luôn tiềm ẩn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Lập, Chính trị viên Đồn biên phòng Cát Hải cho biết: Tuyến đê chắn cát dài 13 km chạy thẳng từ Cảng Hải Phòng ra biển tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lớn bởi khi nước xuống mặt đê mấp mé mặt nước còn khi nước lên, đê nằm dưới mép nước khoảng 1,5 m rất khó quan sát. Cuối tháng 3-2018, tàu HD 2372 do ông Phùng Văn Tâm, ở xã Yên Thanh, huyện Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) điều khiển, chở khoảng 500 m3 cát đen hành trình từ xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) về Bến Gót (huyện Cát Hải) phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn huyện Cát Hải. Khi đến khu vực phao số 9, 10 luồng Lạch Huyện do trời đêm tối, sương mù dày đặc, tầm quan sát hạn chế đâm vào tuyến đê chắn cát thuộc gói thầu số 10 (Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng). Hậu quả, tàu bị chìm tại chỗ, 8 thuyền viên bị rơi xuống biển. Đồn biên phòng Cát Hải điều động người, phương tiện kịp thời cứu 8 thuyền viên. Đến nay, phương tiện được trục vớt, bảo đảm cho các phương tiện khác qua lại an toàn. Vào ngày 23-5 vừa qua, Hải đội 2 cứu nạn tàu cá đâm vào đê chắn cát, phương tiện hiện vẫn chưa được trục vớt.
Bên cạnh những tai nạn, va chạm với các công trình đang thi công, tàu cá ngư dân đang hoạt động trên biển gặp phải rất nhiều rủi ro như: va chạm với các tàu khác, tàu chở hàng, mắc cạn, đá ngầm… Cụ thể, ngày 7-1-2018, tàu cá mang số hiệu HP 90114 TS do anh Hoàng Văn Tĩnh, ở xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) làm thuyền trưởng gặp nạn cách đảo Hòn Dấu 4 hải lý do va phải xác tàu đắm bị bục đáy, nước tràn vào khoang làm tàu bị chìm, 5 thuyền viên trôi dạt trên biển. Nhận được tin báo, Đồn biên phòng Đồ Sơn khẩn trương điều động cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng Bến Xăm và trưng dụng tàu đánh cá phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Sau hơn 1 giờ tìm kiếm, lực lượng cứu nạn cứu vớt an toàn 5 thuyền viên, đồng thời đánh dấu vị trí tàu đắm bằng phao hiệu cảnh báo các phương tiện khi lưu thông qua khu vực này.
Điều đáng nói là số vụ đâm va, tàu chìm, tai nạn, rơi xuống biển có chiều hướng tăng và thường gây ra hậu quả, thiệt hại lớn về tài sản.Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn, sự cố trên biển, bên cạnh yếu tố khách quan như: thời tiết, khí hậu, thủy văn trên biển, việc thêm nhiều công trình được xây dựng ven biển… thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chủ quan, thiếu trách nhiệm của chủ phương tiện, sự bất cẩn của người lao động khi hoạt động trên biển. Có tàu, thuyền khi đánh bắt để tàu trôi tự do, không quan sát dẫn đến va đâm, gây tai nạn. Mặt khác, ý thức chấp hành giao thông, an toàn hàng hải còn hạn chế, chủ phương tiện không tuân thủ nghiêm ngặt quy định dẫn tới sự cố đáng tiếc.
Tiếp tục chủ động phòng ngừa, cứu nạn cứu hộ
Nằm trong khu vực địa bàn trọng điểm, các Đồn biên phòng Cát Hải, Cát Bà, Đồ Sơn, Biên phòng Cửa khẩu Cảng luôn chủ động trong công tác bảo đảm an toàn các phương tiện hoạt động trong địa bàn quản lý. Cụ thể, Đồn biên phòng Cát Hải thường xuyên nắm bắt hoạt động của tàu, thuyền, thông tin, thông báo những khu vực trọng yếu, nguy hiểm, hướng dẫn chủ phương tiện quan sát hệ thống biển báo, đèn tín hiệu trong lịch trình di chuyển để tránh những luồng hẹp, nước nông… Đồn biên phòng Đồ Sơn phát huy vai trò “Tổ tàu thuyền đoàn kết” trên biển. Từ đầu năm đến nay, đơn vị nhiều lần trưng dụng tàu cá ngư dân cùng phối hợp tham gia tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Qua đó, khuyến khích ngư dân chủ động giúp đỡ nhau trên biển khi có sự cố xảy ra, phát huy phương châm cứu nạn cứu hộ “4 tại chỗ”, giảm thiệt hại thấp nhất về người, phương tiện.
Đại tá Đoàn Văn Rỹ, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng (Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố) cho biết: Để giảm bớt thiệt hại xảy ra đối với tàu, thuyền, ngư dân trên biển, Bộ chỉ huy BĐBP thành phố chỉ đạo các đơn vị thường xuyên tiến hành kiểm tra, thực hiện nghiêm quy trình đăng ký, đăng kiểm tàu, thuyền theo quy định; chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ phương tiện về các biện pháp phòng, chốngtai nạn, sự cố, khắc phục tâm lý chủ quan, mất cảnh giác khi hoạt động trên biển. Đồng thời, BĐBP thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị, lực lượng liên quan nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình trên biển, cảnh báo sớm, chính xác về thiên tai, sự cố có thể xảy ra trên biển để người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa; kiên quyết phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm dẫn đến va đâm, gây tai nạn, sự cố, mất an toàn trên biển và xây dựng, hoàn thiện các kế hoạch, phương án ứng phó, tổ chức huấn luyện các tình huống, sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp, hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn hiệu quả.
Hoàng Xuân – Báo Hải Phòng ngày 02/06/2018