Print Thứ tư, 29/05/2019 08:32

Sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đô thị là vấn đề nóng được Quốc hội xem xét, thảo luận trong ngày làm việc đầu tuần này.

Nhà số 8B – Lê Trực (Hà Nội), một điển hình sai phạm trong quy hoạch.

Nhan nhản sai phạm

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 là nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi tại Hội trường Diên Hồng trong suốt ngày làm việc đầu tuần này, bởi độ “nóng” của các vấn đề liên quan đến đất đai như quy hoạch treo, bất cập trong quản lý và sử dụng đất đô thị…

Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Đoàn giám sát do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm Trưởng đoàn đã làm việc với Chính phủ, 7 bộ, ngành, 12 địa phương (trong đó có những nơi nóng nhất về đất đai như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng), nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam và khảo sát 40 dự án sử dụng đất tại đô thị.

Kết quả giám sát cho thấy, nhiều vi phạm liên quan đến chậm triển khai dự án, tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng đã được phê duyệt diễn biến phức tạp.

Điển hình được nêu tại báo cáo là dự án 8B – Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), có phần công trình cao tầng của dự án sai phạm so với giấy phép xây dựng.

Báo cáo cũng nêu, một số khu vực như Đầm Bông, Đầm Sòi (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong quy hoạch xác định là đất cây xanh, tuy nhiên, hiện tồn tại các khu dân cư. Việc giao đất thực hiện dự án Khu đô thị Tràng Cát tại quận Hải An, TP. Hải Phòng chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất (trên bản đồ quy hoạch sử dụng vẫn là đất nông nghiệp, trong khi mục đích sử dụng đất của dự án là phi nông nghiệp)…

“Việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, hạn chế; chất lượng một số phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm trong quản lý và phát triển đô thị; việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị tại một số địa phương còn hạn chế, chưa thực chất”, Báo cáo chỉ rõ.

Ngoài ra, nội dung báo cáo mà ông Vũ Hồng Thanh trình bày cũng cho biết, ở một số đô thị, công tác quản lý thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn tới việc triển khai vượt quá các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, gây lãng phí đất đai và nguồn lực xã hội; quy hoạch đô thị chưa đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và cảnh quan môi trường, thiếu tính kết nối giữa các đô thị đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và nhu cầu của người dân; còn có tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc.

Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, có biện pháp xử lý cụ thể và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020). Đồng thời, khẩn trương tiến hành tổng kết và báo cáo việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai và các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Đất đai và các luật liên quan còn vướng mắc, bất cập.

Đề xuất nhiều biện pháp mạnh

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo, quy hoạch không thực hiện để xử lý dứt điểm, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đối với các vùng đất quy hoạch lâu dài chưa thực hiện ngay được, cần di dời người dân để tạo quỹ đất sạch hoặc có chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân về sửa chữa, cải tạo, tách hộ.

Lấy ví dụ tại dự án khu Bình Quế (Thanh Đa, TP.HCM) có gần 4.000 hộ dân đã có chủ trương quy hoạch từ năm 1992, đến nay đã 27 năm chưa thực hiện, ông Hoàng Quang Hàm bày tỏ: “Đây là vấn đề rất bức xúc, liên quan đến quy hoạch đất từ Trung ương đến địa phương. Người dân ở vùng đất quy hoạch này không an cư được, thậm chí mua bán chuyển nhượng nhà cũng khó khăn, mất giá”.

Trong khi đó, theo đại biểu Lê Công Đỉnh, cần có quy định rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân có liên quan đến quy hoạch, cụ thể liên quan quy hoạch “treo”, dự án “treo”.

Theo ông Đỉnh, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai có ràng buộc thời gian về triển khai dự án, cũng như có những ràng buộc, chế tài, nhưng vấn đề bồi thường thiệt hại cho người dân do không triển khai dự án theo quy hoạch là không rõ ràng. “Tôi đề nghị cần quy định rõ thời gian phải triển khai, hoàn thành quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với quy hoạch phân khu chức năng”, ông Đỉnh nêu quan điểm.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận xét, Báo cáo giám sát và các ý kiến của các đại biểu đã nêu rất đầy đủ, cụ thể về kết quả đạt được và hạn chế yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm cơ quan quản lý trong việc sử dụng đất tại đô thị.

“Bộ Xây dựng xin tiếp thu để xây dựng quy định cụ thể và hạn chế bất cập trong việc sử dụng đất. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định, đảm bảo quản lý chặt chẽ quá trình lập, phê duyệt và thực hiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Đặc biệt, sẽ rà soát, ban hành công cụ để tổ chức đánh giá việc thực hiện quy hoạch một cách thường xuyên, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Nguồn: Báo Đầu tư

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bịt lỗ hổng sai phạm trong sử dụng đất đô thị
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác