Print Thứ Năm, 04/07/2019 14:34

Từ việc Big C dừng nhận hàng may mặc của Việt Nam, chuyên gi đã đặt ra câu hỏi: Liệu Big C có đuổi các ngành hàng khác hay không? Liệu các siêu thị ngoại khác có đuổi hàng Việt như Big C không?

Gian hàng Việt tại siệu thị Big C. (Ảnh minh họa: Big C Việt Nam)

Ngày 2/7, Central Group Việt Nam gửi thông báo đến các nhà cung cấp về việc dừng mua các sản phẩm may mặc trong nước với nội dung: “Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019.”

Việc tạm dừng đặt hàng của Central Group sẽ kéo dài đến khi có thông báo tiếp theo. Phía tập đoàn này cho biết, tất cả vấn đề phát sinh trước 2/7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại mà công ty đã ký với nhà cung cấp. Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.

Vi phạm Luật Cạnh tranh

Việc đột ngột dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp Việt Nam gây bất ngờ cho doanh nghiệp và vấp phải sự phản ứng gay gắt từ các đơn vị này cũng như của dư luận.

Đánh giá về quyết định của Big C, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng đây là hành động không phù hợp đối với tình hình kinh doanh ở Việt Nam của Big C khi đột ngột dừng, hủy hợp động không nhận sản phẩm may mặc của Việt Nam.

“Cách tốt hơn là nên có sự bàn bạc trao đổi, tiến hành phù hợp để có thể thuyết phục người tiêu dùng về quyết định của mình. Hành động của Big C sẽ ảnh hướng để tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ khó có thể chấp nhận quyết định này của Big C, có thể sẽ có phong trào tẩy chay Big C,” ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Theo ông Lê Đăng Doanh, đối với hành đột hủy hợp đồng đột ngột, các công ty Việt Nam có thể kiện ra tòa, hội đồng trọng tài để giải quyết.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì thẳng thắn chỉ ra rằng, Big C là siêu thị rất được ưu ái tại Việt Nam như vị trí đẹp, thuế 2 năm đầu, kinh phí xúc tiến thương mại… Big C cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Big C cũng tự tuyên bố mở cửa đón hàng Việt Nam 80, 90%. Thế nhưng, việc làm của Big C liệu có đúng như thế? 

Mặc khác, ông Vũ Vinh Phú cho rằng hành động của Big C là vi phạm Luật Cạnh tranh khi không thỏa thuận, thông báo trước mà đột ngột dừng hợp đồng, luật đã nêu rõ nhà bán lẻ không được từ chối nhập hàng của nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng..

Ông Vũ Vinh Phú đặt ra câu hỏi, liệu Big C có đuổi các ngành hàng khác hay không? Liệu các siêu thị ngoại khác có đuổi hàng Việt như Big C không?

Vị chuyên gia này dẫn chứng, cách đây 3,4 năm, toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhãn hàng riêng cho Big C đã bị “mời ra ngoài” hết. Nhiều doanh nghiệp cũng kêu Big C đòi mức chiết khấu cao, 25-30% đối với hàng Việt và điều này đẩy giá hàng Việt lên cao, khó cạnh tranh.

Với lý do cơ cấu lại ngành hàng của Big C khi tạm dừng hợp đồng, ông Vũ Vinh Phú cho rằng cần phải chờ đợi xem Big C sẽ thực hiện ra sao.

Mất phân phối sẽ “giết chết” hàng Việt

Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp bị ép chiết khấu, dừng hợp đồng… có lẽ Sở Công thương và Hiệp hội Bán lẻ cần phải có động thái lên tiếng. Bộ Công thương là đơn vị ra quyết định đầu tư cho Big C phải có trách nhiệm làm rõ vụ việc này, cần soi lại trước đây Big C vào Việt Nam đã cam kết như thế nào?

Các sản phẩm hàng Việt trong siêu thị Big C. (Ảnh minh họa: Big C Việt Nam)

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, một doanh nghiệp khi đưa hàng hóa vào siêu thị phải nộp tiền, chiết khấu đến 30%, chi phí kế toán… thì sẽ “giết chết” hàng Việt, tạo điều kiện cho hàng Thái Lan, Hàn Quốc và các nước khác. Chúng ta không bài xích với hàng nước ngoài nhưng như thế là không công bằng,” ông Phú nhấn mạnh.

Ông Vũ Vinh Phú cho hay, riêng hệ thống phân phối của Big C và Metro đã chiếm tới 50% điểm bán hàng của hệ thống bán lẻ, mỗi điểm bán hàng doanh số cao gấp 10 lần doanh số của các cửa hàng Việt Nam

“Nếu để mất phân phối sẽ thì mất cả sản xuất, mà mất sản xuất là các sản phẩm Việt sẽ ‘chết’. Đối với các hệ thống phân phối của Việt Nam như Vinmart, Hapro, Saigon Coop… phải phát triển hơn nữa, tự chủ trên sân nhà, đừng phụ thuộc vào nước ngoài,” ông Vũ Vinh Phú nói.

Ông Vũ Vinh Phú cũng chỉ ra khó khăn đối với các siêu thị bán lẻ Việt Nam, khi mà không được ưu ái như các siêu thị nước ngoài, muốn cạnh tranh công bằng còn khó chứ đừng nói đến ưu tiên. 

“Chẳng hạn Hải Phòng đề xuất bỏ tiền làm đường vào siêu thị Aeon, nhưng liệu có bỏ tiền làm đường vào siêu thị Việt Nam hay không? Chúng ta mở cửa nhưng phải có chọn lọc,” ông Vũ Vinh Phú khuyến nghị./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Nguồn. Vietnam+

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Big C dừng nhận hàng may mặc Việt Nam: ‘Mất phân phối sẽ mất sản xuất’
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác