Print Thứ bảy, 26/01/2019 20:45

Sân bay Cát Bi xưa là sân bay quân sự do thực dân Pháp xây dựng nhằm phục vụ chiến tranh xâm lược của chúng với nước ta. Chính tại đây, trong trận tập kích ngày 7-3-1954, quân và dân Hải Phòng – Kiến An đã lập chiến công vang dội: đốt cháy và phá hủy 59 máy bay quân sự, làm thất bại kế hoạch của giặc Pháp trong việc vận chuyển binh lính, vũ khí, đạn dược và hàng quân dụng từ đồng bằng lên cứu nguy cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang bị quân ta vây hãm. Chiến thắng Cát Bi trực tiếp góp phần cùng toàn quân và dân ta giành thắng lợi trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ…

Vì gặp nhiều khó khăn, từ sau ngày thành phố sạch bóng quân thực dân xâm lược, sân bay Cát Bi chưa có điều kiện sửa chữa để hoạt động trở lại. Mãi tới đầu những năm 80 của thế kỷ trước, cùng với việc xây dựng một số công trình chào mừng 30 năm Hải Phòng giải phóng, như: khai hoang, lấn biển; làm đường xuyên đảo; đào kênh Cái Tráp; xây dựng “bốn cống, ba cầu, năm cửa ô”…, lãnh đạo thành phố mới tiến hành cải tạo sân bay. Đúng ngày 13-5-1985, chuyến bay đầu tiên từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hải Phòng hạ cánh xuống sân bay Cát Bi, đánh dấu sự hoạt động trở lại của cảng hàng không này. Nhưng do chưa có điều kiện nâng cấp đồng bộ nên chỉ vài năm sau, sân bay Cát Bi phải ngừng hoạt động vì xuống cấp nghiêm trọng.

Để góp phần phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của địa phương, trong đó có ngành du lịch, năm đó, tôi đề xuất và đề nghị cấp có thẩm quyền của thành phố cho phép Liên hiệp Công ty Du lịch-Dịch vụ Hải Phòng được đứng ra cải tạo, nâng cấp sân bay Cát Bi, nối lại các chuyến bay giữa Hải Phòng với các tỉnh, thành phố phía Nam, nhưng không được chấp nhận, vì chưa có chủ trương của cấp trên. Nóng ruột vì không biết phải chờ đến bao giờ mới có chủ trương, tôi lên gặp Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không Việt Nam đề nghị Tổng cục cùng chúng tôi hợp tác liên doanh cải tạo, nâng cấp sân bay Cát Bi thành sân bay du lịch quốc tế Hải Phòng và mở lại tuyến bay này. Rất mừng là đề án của chúng tôi được Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không Việt Nam và Giám đốc Cụm cảng Hàng không miền Bắc ủng hộ. Tiếp đó, được ông Cao Văn, Quyền Chủ tịch UBND thành phố đồng ý phê duyệt.

Thế là một công ty liên doanh giữa Cụm cảng Hàng không miền Bắc với Liên hiệp Công ty Du lịch-Dịch vụ Hải Phòng ra đời, mang tên Công ty Liên doanh Du lịch-Hàng không Hải Phòng. Với trách nhiệm được phân công về giải phóng mặt bằng, mời thầu, tiến hành thi công hoàn chỉnh đường băng, sân đỗ máy bay và nhà ga theo đúng yêu cầu kỹ thuật của ngành Hàng không, chúng tôi mời Công ty Xây lắp giao thông Hải Phòng và đơn vị lao động của Quận đội Hồng Bàng làm bên B. Dự án được các bên thực hiện rất khẩn trương. Chỉ sau nửa năm thi công, đến tháng 4-1990, toàn bộ công trình cải tạo, nâng cấp sân bay được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 

Sân bay Cát Bi ngày nay được xây dựng đồng bộ, hiện đại như mong muốn của đồng chí Đỗ Mười lúc sinh thời. Ảnh: Duy Thính

 Sân bay du lịch quốc tế Cát Bi và tuyến bay Hải Phòng – thành phố Hồ Chí Minh hoạt động trở lại từ đó. Lúc đầu, mỗi tuần có từ 2 đến 3 chuyến, sau tăng lên 3 – 4 chuyến. Các loại máy bay AN 24, ATR 72, TU 134 và Boing 737-40 cất cánh, hạ cánh tại sân bay Cát Bi bình thường. Bên cạnh máy bay của Hàng không Việt Nam (Việt Nam Airlines) còn có máy bay của hãng Hàng không Pacfic Airlines và một số hãng khác. Hằng ngày, máy bay của các hãng chở khách tuyến Hải Phòng – thành phố Hồ Chí Minh và tuyến Hải Phòng – Đà Nẵng – thành phố Hồ Chí Minh. Có thời gian, còn mở tuyến bay từ Hải Phòng đi Hồng Kông, Ma Cao và ngược lại.

Sân bay Cát Bi được cải tạo, nâng cấp và tiếp tục hoạt động là thêm tin vui cho thành phố. Nhưng trong thời điểm ấy, đơn vị chúng tôi bị sức ép nặng nề. Một số người đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp du lịch lại làm sân bay? Mấy lần trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố, tôi đều nêu sự suy nghĩ chân thành của mình: không phải địa phương nào cũng có sân bay – một lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội như Hải Phòng. Nếu không tìm cách phát huy lợi thế ấy thì rất lãng phí và có lỗi với dân. Đúng là việc này không phải chức năng của ngành Du lịch và theo cách làm thông thường (kiểu hành chính bao cấp) cần phải chờ cấp trên có chủ trương, có chỉ tiêu, dự án, có vốn cấp và giao nhiệm vụ. Cách ấy vừa chậm, vừa bị động. Do đợi mãi không thấy ngành nào lên tiếng, chúng tôi mạnh dạn nhận làm. Tất nhiên, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chúng tôi mới dám triển khai.

Một tình huống rất khó giải quyết đối với tôi là, sau khi sân bay được cải tạo và hoạt động trở lại, Công ty Xây lắp giao thông (bên B) đã khóa tài khoản của Liên hiệp Công ty Du lịch-Dịch vụ Hải Phòng tại ngân hàng và dọa niêm phong trụ sở đơn vị (tại số 40, phố Trần Quang Khải, quận Hồng Bàng) vì chúng tôi chưa có đủ tiền trả họ về khoản xây dựng công trình này. Chúng tôi không thể tìm đâu ra ngay 3 tỷ 200 triệu đồng – khoản tiền khá lớn lúc đó. Dù ngành Hàng không Việt Nam trích cho đơn vị chúng tôi 20% tiền vé nhưng cũng không đủ trả lãi ngân hàng. Mức độ phản ứng quanh tôi do vậy càng dữ dội.Thậm chí, một số người thuộc lực lượng xây dựng đe dọa dùng “luật rừng” đòi tiền chúng tôi nợ.

Chính vào lúc gay cấn ấy, tôi bỗng gặp cứu tinh. Do nhận được đơn kiện của các bên B tham gia cải tạo sân bay gửi lên Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) về việc đơn vị chúng tôi chưa lo đủ tiền trả họ, đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch HĐBT (nay là Thủ tướng Chính phủ) đáp máy bay trực thăng từ Hà Nội tới sân bay Cát Bi để kiểm tra, xem xét tại chỗ. Ông hỏi đại diện các ngành liên quan của Trung ương cùng đi và lãnh đạo thành phố, được báo cáo việc này do tôi đề xuất và liên doanh với ngành Hàng không Việt Nam đầu tư, nên trước hết, tôi và các bên liên doanh phải chịu trách nhiệm.

Đồng chí Đỗ Mười yêu cầu cho gọi tôi tới sân bay. Văn phòng UBND thành phố lập tức cử người đánh xe đến cơ quan đón tôi tới gặp Chủ tịch HĐBT. Thú thực, lúc đó tôi rất lo. Phen này  chẳng ra tòa thì cũng bị kỷ luật nặng, có khi phải thôi việc vì sự “liều”của mình.

Nhưng tại sân bay Cát Bi, tôi ngạc nhiên vì mọi diễn biến đều ngược lại với những điều mình nghĩ. Sau khi nghe tôi báo cáo đầu đuôi công việc, kể cả việc chúng tôi nợ nần tiền xây dựng, cải tạo sân bay, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười bất ngờ ôm hôn tôi thắm thiết. Ông cười vui và bảo tôi: “Cải tạo sân bay và khôi phục tuyến bay là việc của Nhà nước. Anh là doanh nghiệp du lịch, tuy không có chức năng nhưng vẫn mạnh dạn đề xuất, dám đầu tư và làm có hiệu quả. Tôi rất hoan nghênh và ghi nhận sự cố gắng của anh cùng anh chị em Liên hiệp Công ty Du lịch-Dịch vụ Hải Phòng. Chính phủ sẽ giúp anh giải quyết khó khăn này”. Tôi xúc động bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm động viên và quyết định sáng suốt, kịp thời của Chủ tịch HĐBT.

Hôm ấy, Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười yêu cầu Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và thành phố Hải Phòng thẩm định và sớm có tờ trình để HĐBT quyết định chi trả các khoản về công trình cải tạo sân bay Cát Bi. Thế là, nhờ sự ủng hộ của Chủ tịch Đỗ Mười, chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ 2 tỷ 800 triệu đồng (trong số 3 tỷ 200 triệu đồng) để trả hết nợ. Số tiền nói trên được chuyển về Sở Tài chính Hải Phòng khá nhanh. Tôi chỉ việc ký xác nhận nghiệm thu các hạng mục công trình để thanh toán cho các đơn vị bên B. Dĩ nhiên bên thi công rất vui  khi được chi trả sòng phẳng.

Giải quyết xong khoản nợ lớn do có “quý nhân phù trợ”, chúng tôi càng phấn khởi, tự tin trong công việc. Để phục vụ nhiều du khách đến Hải Phòng qua sân bay Cát Bi, ngay năm sau, chúng tôi tham gia thành lập Công ty Hàng không cổ phần Pacific Airlines (kinh doanh trong ngành Hàng không cùng Công ty Du lịch Hà Nội, Công ty Du lịch thành phố Hồ Chí Minh và bốn đơn vị thuộc Bộ Giao thông-Vận tải). Đây là công ty hàng không cổ phần đầu tiên được thành lập ở nước ta sau khi Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp.

Gần 30 năm qua, sân bay Cát Bi vẫn liên tục hoạt động, không ngừng phát huy tác dụng góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố và đất nước. Từ năm 2014 đến nay, được Nhà nước và thành phố Hải Phòng tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi ngày càng mở rộng với nhiều công trình đồng bộ, quy mô lớn. Vui mừng khi thấy Cảng Hàng không của thành phố mỗi lúc thêm khang trang, hiện đại, tôi lại nhớ thuở ban đầu góp phần cải tạo, khôi phục hoạt động của sân bay đầy gian nan, vất vả; biết ơn sự quan tâm giúp đỡ của Chủ tịch Đỗ Mười và không quên câu chuyện được “qúy nhân phù trợ”.


VÂN NAM
(Nguyên Giám đốc Liên hiệp Công ty Du lịch-Dịch vụ Hải Phòng) – Báo Hải Phòng 08/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Biết ơn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác