Khốn khổ từ các khoản phí, lãi phạt chậm nộp
Tuần qua, cộng đồng những người sử dụng mạng xã hội (Facebook) chứng kiến chị L.T.H (Đồng Nai), có 2 con nhỏ và đang mang bầu lâm vào cảnh khốn cùng khi bị khủng bố suốt ngày đêm vì “trót” vay tiền App.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chồng chị H mất việc, bản thân chị bị giảm việc đồng nghĩa lương cắt giảm. Đỉnh điểm của dịch COVID-19 cũng là lúc chị L.T.H không còn tiền mua sữa cho con.
“Ban đầu tôi chỉ thử đăng ký xem có vay được không, không ngờ quá dễ dàng. Từ lúc chỉ vay tiền 2 App, càng lún sâu, tôi cứ vay của App mới lại trả cho App cũ. Chỉ sau hơn 1 tháng, tôi đã mang nợ của hơn 50 App với số tiền lên tới 100 triệu đồng. Chưa kể tiền đã vay để trả cho các App trước đó”, chị L.T.H nói.
Có những trường hợp, người vay chỉ nghĩ đơn giản số tiền vay ít, khoảng 1,5 – 2 triệu đồng nên không lo. Tuy nhiên do phí quá cao, nếu vay 1,5 triệu, người vay chỉ được nhận tiền mặt là 800.000 – 900.000 đồng. Chỉ sau 7 ngày, người vay phải trả đủ 1,5 triệu đồng… Và cứ thế “quen mui”, lúc bí tiền, họ lại tìm đến App.
Chia sẻ với báo Tin tức, chị N.T.L (phố Bạch Mai. Hà Nội) cho hay, chị vay qua App 5 triệu đồng để chi tiêu. Đến hạn 7 ngày không trả kịp, số tiền phạt, tiền lãi tăng chóng mặt khiến N.T.L mất khả năng trả. Sau đó, App cho N.T.L vay còn giới thiệu các App khác để chị vay tiếp để trả nợ khoản vay trước. Cứ thế vay nhiều App và số tiền nợ của chị nhanh chóng tăng lên tới hơn 200 triệu đồng.
Mới đây nhất, Công an TP Hồ Chí Minh điều tra Công ty TNHH Cashwagon về việc cho vay lãi cao thông qua App, thực hiện các hành vi “khủng bố” khách hàng không trả nợ. Ví dụ, để vay 5 triệu đồng ở Cashwagon, App chỉ giải ngân cho khách vay 3,5 triệu đồng, số tiền 1,5 triệu đồng bị trừ trước là phí, người vay phải trả đủ 5 triệu đồng trong khoảng thời gian ngắn 7 đến 14 ngày theo đăng ký. Trường hợp không trả đúng hẹn, lãi sẽ tăng dần hằng ngày vài trăm ngàn đồng và chỉ mấy ngày sau có thể vượt cả con số nợ của người vay. Lãi vay qua App có khi lên đến 1.000%.
Trong khí đó, trên mạng tràn ngập các trang web như: O…vn, C…, A… Một số ứng dụng dành cho thiết bị di động được “truyền miệng” là cho vay nhanh nhất: O.c.M…; D.D…; S…; A…; O.V…
Các trang web cho vay đều giới thiệu thủ tục vay nhanh chóng với mức vay từ 2 – 10 triệu đồng, không cần thế chấp hay ký hợp đồng. Khoản vay được thể hiện bằng hợp đồng dịch vụ ba bên, song có một số điều khoản gây bất lợi cho người sử dụng.
Dễ nhận thấy nhất là các ứng dụng này đều công khai mức lãi suất không vượt quá 20%/năm là mức trần lãi suất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên mức lãi suất đó chỉ là tượng trưng, sự nặng lãi dồn lên vai người vay thông qua các khoản phí và lãi phạt rất cao. Phổ biến là quy định cộng dồn lãi suất vào hợp đồng vay thành khoản vay ngay từ ban đầu, người vay sẽ phải chịu lãi suất nhiều hơn số tiền vay ban đầu và bị trừ trước vào khoản vay.
Theo luật sư Đỗ Minh Hiển (Văn phòng luật sư JVN), trong số các App cho vay tiền hiện nay có không ít các App hoạt động theo kiểu tín dụng “đen” với các chiêu trò lách luật. Các App cho vay này thực chất không hoạt động theo mô hình “cho vay ngang hàng – P2P lending” mà là “đội lốt” để hoạt động cho vay nặng lãi.
Ông Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Công ty NextTech chia sẻ: Tình trạng các App tín dụng đen đang hoành hành có một phần nguyên nhân không nhỏ do thị trường đang để trống. Khoảng trống thứ nhất là còn thiếu các khoản tín dụng, cho vay nhỏ với thủ tục xét duyệt nhanh gọn và thuận lợi, tín chấp từ các tổ chức tín dụng hợp pháp, có uy tín.
“Để giải quyết vấn đề này, cần thúc đẩy lĩnh vực cho vay P2P trên thị trường. Tuy nhiên, việc thí điểm P2P cũng chậm được tiến hành. Thiếu các App P2P được cấp phép hợp pháp cung cấp các khoản vay nhỏ và nhanh trên thị trường chính là khoảng trống thứ hai”, ông Nguyễn Hòa Bình nói. Từ đó, các App tín dụng đen gần như một mình một chợ, càng thuận lợi quảng bá và lan tỏa dịch vụ cho vay nặng lãi đến người dân.
Sẽ có App cho vay hợp pháp
Theo Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô, tín dụng đen là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự. Báo cáo mới nhất của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi hiện chiếm 22,6% các loại tội phạm. Thực tế, nhu cầu vay tín dụng khá lớn nên tín dụng đen mới hoạt động mạnh.
“Nhu cầu vay của một số người lớn, nên tín dụng đen hoạt động mạnh. Người đi vay tín dụng đen chủ yếu là các đối tượng cần tiền gấp, không đáp ứng đủ các thủ tục vay của ngân hàng và phải chấp nhận vay với lãi cao”, Thiếu tướng Tô Ân Xô nói.
Không chỉ Bộ Công an mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp cảnh báo về biến tướng của hoạt động cho vay này khi một số đối tượng có thể núp bóng tín dụng đen sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao.
Để tháo gỡ vấn đề này, NHNN vừa công bố dự thảo lấy ý kiến quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Đáng chú ý, dự thảo nêu rõ sẽ thực hiện giám sát các hoạt động thí điểm như công ty Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán, tín dụng, cho vay P2P lending. Thời gian thử nghiệm kéo dài 1 – 2 năm. Đây là loại hình dịch vụ trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng.
“Để hạn chế tín dụng đen, cần phát huy tích cực hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng gồm cả ngân hàng thương mại và công ty tài chính; đồng thời cũng phải bảo đảm kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng” – ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM khuyến nghị.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn cấp cao Công ty VFL nhìn nhận: Đối với cơ chế hoạt động thử nghiệm thì Dự thảo của NHNN khá đầy đủ trong bối cảnh các hoạt động P2P, vay qua App thời gian qua biến tướng với đủ chiêu trò, gây bất ổn cho xã hội.
“Dịch COVID-19 cùng những hệ lụy của nó khiến nhiều người lao động bị cắt giảm việc làm, từ đó phát sinh nhu cầu vay. Nếu không tiếp cận được ngân hàng, họ sẽ vay trên các App để trang trải cho cuộc sống. Do đó, quy định thử nghiệm càng trở nên cấp bách, sớm ban hành sẽ giúp cho thị trường lành mạnh hơn”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Để giảm thiểu rủi ro trong cho vay P2P, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: NHNN có thể xem xét bổ sung thêm quy định cho phép các công ty tham gia hoạt động cho vay ngang hàng được truy cập thông tin tín dụng từ cổng thông tin kết nối khách hàng vay của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thuộc NHNN. Khi được truy vấn thông tin khách hàng trên hệ thống này, các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng sẽ biết người vay có bị nợ xấu hay không? Nhờ đó, quyền lợi an toàn vốn của nhà đầu tư sẽ được bảo đảm tốt hơn; đồng thời giúp người dân tiếp cận kênh tín dụng chính thức.
Hiện có 4 mô hình P2P gồm: Công ty ứng dụng công nghệ kết nối người đi vay và cho vay qua App; công ty kết nối và thẩm định khả năng trả nợ của người vay để thông báo cho người cho vay; công ty kết nối, đề xuất lãi suất cho vay, tư vấn quản lý rủi ro, pháp lý thu hồi nợ và cuối cùng là công ty biến tướng huy động vốn của người dân rồi cho vay lại, hoạt động như một ngân hàng.
Vì thế, giới chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh: Cho thử nghiệm P2P hoạt động ở mô hình nào cũng cần được quy định rõ tại Nghị định; đồng thời, các công ty phải khai báo chính xác nguồn gốc vốn đầu tư, phòng ngừa rửa tiền và đầu tư nước ngoài trái phép.
Bài và ảnh: M.Phương-T.Nguyên/Báo Tin tức
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu…
Hà Mạnh H trình bày, sáng 17/11 điều khiển xe máy đi từ thị trấn…
Ngày 16.11, Bộ Y tế ban hành thông tư Quy định về tiêu chuẩn sức…
Sáng 17/11, Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) long…
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị các địa…
Kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc, tối 16/11, Ban Tuyên giáo…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More