Print Thứ Ba, 26/03/2019 09:42

Do nhiều nguyên nhân tác động nên những năm gần đây vàng không còn là một kênh đầu tư sôi động đối với đại chúng, ngoài những giao dịch có tính chất hệ thống. Tuy nhiên, trong mấy tháng đầu năm 2019, diễn biến giá vàng đã thu hút nhiều sự quan tâm, khi xuất hiện nhiều đợt biến động trên cả hai kênh trong nước và thế giới…

Giá vàng và ngoại tệ biến động theo thị trường thế giới (ảnh minh họa)

Không ngừng thay đổi thang giá

Vào thời điểm cuối năm 2018 và tuần đầu của băn 2019, thị trường trong nước chứng kiến một đợt sụt giảm khá sâu của giá vàng. Nhưng kể từ đó đến nay, trước sự gia tăng của vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng lọt vào tình cảnh “đứng ngồi không yên”.

Mặc dù so với thời điểm đầu năm, chênh lệch giá vàng chưa phải quá lớn, nhưng thực tế trục biến động xảy ra liên tục đã làm khó cho các nhà đầu tư. Bởi những ngày đầu tháng 3, giá vàng đã có lúc lên tới trên 37 triệu đồng/lượng, nhưng trong vòng 1 tuần các thang giá không ngừng thay đổi.

Tại thời điểm này, vàng càng có trọng lượng nhỏ thì giá bán ra càng cao. Theo cập nhật mới nhất, giá vàng miếng thị trường trong nước có trọng lượng 1 lượng (10 chỉ) đang được mua vào 36,51 triệu đồng/lượng và bán ra 36,66 triệu đồng/lượng. Loại 5 chỉ đang được bán 3,668 triệu đồng/chỉ, loại 1 chỉ đến 2 chỉ bán ra 3,669 triệu đồng/chỉ, cá biệt hơn là vàng nhẫn bán tới 3,67 triệu đồng/chỉ, khi giá mua vào lại có 3,65 triệu đồng/chỉ, thấp hơn các loại khác.

Điều này cho thấy, xu hướng mua tích trữ tiết kiệm dạng nhỏ lẻ đang diễn ra khá sôi động. Cụ thể tại một cửa hàng giao dịch vàng tại Hải Phòng, theo người đại diện cho biết thì lượng vàng bán ra chiếm gần 70% tổng lượng giao dịch.

Trên thị trường thế giới, giá vàng đang ở mức khá cao khi đạt ngưỡng 1.310 USD/oz (1 oz tương đương bằng 0,83 chỉ vàng), tăng 1,2% so với đầu tháng 3. Tính theo tỷ giá hối đoái tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam ở thời điểm này (20-3-2019) là 1 USD tương đương 23.160 VND, thì giá vàng thế giới hiện khoảng 36,54 triệu đồng/lượng.

Nếu phải cộng thêm các khoản phí như vận chuyển khoảng 0,75USD/oz, bảo hiểm khoảng 0,25USD/oz, cùng với thuế nhập khẩu, công chế tác… thì giá vàng thế giới đang cao hơn giá vàng trong nước. Đây cũng là điều hiếm khi xảy ra, bởi từ trước đến nay, vàng trong nước hầu hết có mức giá cao hơn, thậm chí có thời điểm chênh lệch tới 5 triệu đồng/lượng.

Ở một diễn biến khác, liên quan đến thị trường ngoại tệ. So với một số ngoại tệ mạnh khác, đô la Mỹ đang giảm sút, đơn cử như với đồng Euro, hiện 1 Euro tương đương với 1,1346 USD và 1 bảng Anh tương đương với 1,3260 USD.

Tại thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 22.958 đồng (giảm 2 đồng). Trong khi các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 23.160 đồng (mua) và 23.260 đồng (bán). Còn mức tham khảo trên thị trường tự do, đô la Mỹ đang mua vào 23.195 đồng/USD và bán ra 23.215 đồng/USD.

Giao dịch vàng diễn ra khá sôi động những ngày gần đây (ảnh minh họa)

Phụ thuộc nhiều vào chính sách vĩ mô

Đánh giá về thị trường vàng và ngoại tệ thời điểm này, các nhà phân tích cho rằng diễn biến đang phụ thuộc nhiều vào nước Mỹ. Cụ thể là Mỹ đã thay đổi về chính sách tiền tệ, từ chỗ đẩy mạnh bình thường hóa, đã chuyển sang chiều hướng nới lỏng, do một số ngành sản xuất của Mỹ đang có dấu hiệu đi xuống.

Theo tin từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), lãi suất cơ bản của Mỹ hiện nằm trong khoảng từ 2,25 đến 2,5%, dự báo sẽ không có đợt tăng lãi suất nào trong năm 2019, thậm chí rất có thể lãi suất sẽ bị cắt giảm trong vài ngày tới.

Vào thời điểm cuối năm 2018 vừa qua, theo thông lệ là thời điểm đáo hạn của các hợp đồng sản xuất, kinh doanh và công nợ liên quan đến kinh tế đối ngoại, nên vai trò của các dòng ngoại tệ luôn năng động hơn.

Bên cạnh việc thanh khoản của hoạt động xuất nhập khẩu của hệ thống thương mại chính ngạch, khiến vòng chu chuyển tiền tệ “xoay” mạnh, thì thị trường ngoại tệ tự do (chợ đen) cũng luôn sôi động không kém.

Dù Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách kiểm soát, nhưng hiện ngoại tệ “chợ đen” vẫn giữ vai trò chi phối lớn, gắn liền với thương mại ngoài luồng như xuất nhập khẩu tiểu ngạch, buôn bán hàng lậu, hàng cấm…

Tuy nhiên, ngoài lý do trên, diễn biến thời gian gần đây cho thấy biến động của thị trường ngoại tệ trong nước đang song hành với tình hình kinh tế thế giới. Nghĩa là ngoài ảnh hưởng từ các giao dịch của thị trường hàng hóa, thì ảnh hưởng từ các chính sách vĩ mô tăng lên rất nhiều. Đây chính là nét mới mang tính tiêu biểu của quá trình hội nhập quốc tế, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết như TPP, EVFTA, AEC… gây sức ép ngày càng lớn lên đồng tiền Việt Nam.

Có quan điểm cho rằng, việc đồng đô la Mỹ giảm giá sẽ có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia hoạt động đối ngoại, vì khi lãi suất đô la Mỹ giảm thì chi phí vay mượn bằng ngoại tệ này cũng sẽ giảm, có lợi cho các khoản nợ công và mô hình “vay đầu tư, trả dần bằng tiền gia công”. Đối với Hải Phòng, tỷ lệ doanh nghiệp gia công hàng hóa theo mô hình này khá phổ biến, nên việc hưởng lợi cũng không hề nhỏ?

Trở lại với thị trường vàng, trong bối cảnh các mô hình đầu tư như thị trường chứng khoán, bất động sản và quỹ tín dụng đã không còn sức hấp dẫn, một nguồn lớn tài sản tích trữ của người dân được chuyển sang vàng và ngoại tệ.

Với việc giá vàng đang thấp hơn giá thế giới, có thể thấy điểm “rơi” của giá vàng theo sự vận động tự nhiên của kinh tế hàng hóa đã đến, âu đó cũng là quy luật tất yếu.

Lê Minh Thắng

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Biến động thị trường vàng, ngoại tệ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác