Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Ban Bí thư ký ban hành Quy định 67/QĐ-TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BCĐ cấp tỉnh).
Theo Quy định này, BCĐ cấp tỉnh do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (BCĐ Trung ương) trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
BCĐ cấp tỉnh sẽ chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Quy định cũng nêu rõ nhiệm vụ của BCĐ cấp tỉnh, như tham mưu, đề xuất ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy xây dựng, ban hành nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc tham mưu, đề xuất ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, chỉ đạo của BCĐ Trung ương, Thường trực BCĐ Trung ương và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.
Chỉ đạo, đôn đốc, điều hòa phối hợp, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của tỉnh ủy, thành ủy, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy thông qua hoạt động theo phạm vi trách nhiệm được giao làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, khắc phục sai phạm; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan…
Vẫn trong thẩm quyền của mình, BCĐ cấp tỉnh chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương…
Để thực thi nhiệm vụ, BCĐ cấp tỉnh có quyền yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền của địa phương báo cáo công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực; việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền lãnh đạo, quản lý.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh cũng được phép yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xem xét lại việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý khi có căn cứ cho rằng việc kết luận, xử lý chưa khách quan, chính xác, nghiêm minh; yêu cầu các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của địa phương kết luận, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ án, vụ việc cụ thể hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức và người có thẩm quyền xem xét lại việc giải quyết hoặc giải quyết lại nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết quyết định thành lập các tổ công tác liên ngành để chỉ đạo thực hiện, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương.
Kiến nghị với ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ xem xét, quyết định hoặc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước khi có căn cứ cho rằng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định của Đảng, vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực hoặc có hành vi cản trở, gây khó khăn đối với hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, cấp ủy các cấp quản lý thì kịp thời báo cáo cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp ủy quản lý cán bộ đó để chỉ đạo xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến uỷ ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy, ủy ban kiểm tra thuộc cấp ủy quản lý cán bộ đó để kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng.
Trường hợp phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương theo quy định, đồng thời báo cáo thường trực tỉnh ủy, thành ủy và Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, thi hành án, nếu phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo thẩm quyền, không chờ đến khi kết thúc mới chuyển.
Trực tiếp làm việc với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; khi cần thiết, được sử dụng bộ máy tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện của các cơ quan, tổ chức có liên quan của địa phương để phục vụ nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Ngoài các nội dung trên, Quy định cũng nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, của Ủy viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; của Trưởng ban và các phó ban Chỉ đạo… Trưởng ban, theo Quy định, là Bí thư tỉnh ủy, thành ủy. Các Phó Trưởng gồm: Phó bí thư thường trực tỉnh ủy, thành ủy; Trưởng ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; Trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy; Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy; Giám đốc công an tỉnh, thành phố.
Trưởng ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có con dấu riêng theo quy định và sử dụng tài khoản của văn phòng tỉnh ủy, thành ủy để phục vụ hoạt động. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do văn phòng tỉnh ủy, thành ủy bảo đảm theo quy định.
Hải Triều
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More