Print Thứ sáu, 04/11/2022 14:20 Gốc

Nhiều ý kiến cho rằng không phải chỉ có vụ việc học trò chưa đóng bảo hiểm bị nêu tên, mà dù học sinh có vi phạm lỗi gì cũng dừng ngay hành vi bêu tên, phê bình trò dưới cờ, trước tập thể.

Vậy Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định học sinh vi phạm khuyết điểm được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật thế nào?

Một học sinh từng bị bêu tên, phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường do “xúc phạm” một nhóm nhạc gây bức xúc lớn trong dư luận trước đây. ẢNH CẮT TỪ CLIP.

Khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm;

Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm;

Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1.11.2020.

Trước đó gần 10 năm, tại Khoản 2 Điều 42 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức là:

Phê bình trước lớp, trước trường;

Khiển trách và thông báo với gia đình;

Cảnh cáo ghi học bạ;

Buộc thôi học có thời hạn.

Các thông tư mới không cho phép nhà trường phê bình học sinh trước lớp, trước trường, không bêu tên học sinh nơi tập thể có đông bạn bè, giáo viên, phụ huynh.

Như vậy từ ngày 1.11.2020 với Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT thì các hình thức giáo dục, xử lý kỷ luật học sinh có sự thay đổi đáng kể. Đáng chú ý nhất là nhà trường không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường, không bêu tên học sinh nơi tập thể có đông bạn bè, giáo viên, phụ huynh. Thay vào đó, việc nhà trường cần làm nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Cũng theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường tiểu học, tại Khoản 3, Điều 38 ghi: Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Việc điều chỉnh này, ngay từ thời điểm đó đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng, dư luận.

Mỗi học trò là một cái cây non

Anh Nguyễn Đình Sơn, 35 tuổi, phụ huynh có con học lớp 1 tại một trường tiểu học P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM, chia sẻ một trong những kỷ niệm “đáng sợ” thời anh còn nhỏ, đi học ở dưới quê là những buổi chào cờ thứ hai đầu tuần. Học trò nào đi học trễ, không mặc đồng phục hay quên khăn quàng bị “sao đỏ” ghi lại là y như rằng mỗi sáng thứ hai sẽ bị bêu tên. Những bạn vi phạm các lỗi khác như bị ghi tên trong sổ đầu bài, mất trật tự nhiều lần, có khi còn bị mời đứng dưới cờ để các bạn ở dưới nhìn thấy. Đó là một cảm giác ê chề, đáng sợ, ám ảnh với bất cứ một học trò nào.

Một nền giáo dục nhân văn mà học sinh là trung tâm, sự bêu tên bất cứ học trò nào trước tập thể đông người cũng gây tổn hại không nhỏ về sức khỏe tâm thần của mỗi đứa trẻ, hệ quả lâu dài tới quá trình hình thành nhân cách của học trò đó”, anh Nguyễn Đình Sơn nói.

Thầy hiệu trưởng và học trò trường Marie Curie, Hà Nội trò chuyện vui vẻ ngoài sân trường. Mỗi học trò là một cái cây non cần vun trồng. M.C.

Theo phụ huynh có con đang học tiểu học, mỗi đứa trẻ là mỗi cái cây non, cha mẹ, người thầy trong trường phải cùng vun đắp, chăm bón cho cái cây từ gốc rễ. “Tôi rất mong các thầy cô cùng nhỏ to tâm sự với học trò về những lỗi các em vi phạm hàng ngày. Dẫu biết học trò nhất quỷ nhì ma, nghịch ngợm, quậy phá, nhưng các em vẫn còn rất non nớt, muốn được nghe những lời tâm sự, chia sẻ chân thành giữa thầy và trò. Nếu trò nào vi phạm lỗi nghiêm trọng, lặp lại nhiều lần, nhà trường cũng cần mời phụ huynh tới hỏi chuyện, để cha mẹ cùng ngồi lại với các con, tìm ra nguyên nhân, bàn cách giúp em học sinh thay đổi”, anh nói.

Tôi biết có những học sinh rất tội, các em sinh ra trong gia đình thiếu hơi ấm của cha, mẹ, thiếu tình thương của người thân, hoặc cha mẹ các em đánh đập, mắng chửi, nên sinh ra tâm lý bướng bỉnh, ngang ngược, muốn làm những việc khác thường để gây sự chú ý. Những trò này cần các thầy cô phòng tâm lý học đường cùng trò chuyện, tháo gỡ cho em, như một người bạn của em, như vậy là chăm cho cái cây từ gốc. Những cách xử phạt như bêu tên, “điểm mặt chỉ tên” trước lớp trước trường chỉ giải quyết được phần ngọn, khó có thể nào thay đổi một con người theo hướng tích cực”, phụ huynh Nguyễn Đình Sơn bộc bạch.

Thúy Hằng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Bêu tên học sinh trước trường rất tàn nhẫn: Nhà trường được quyền kỷ luật thế nào?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác